Chất lượng sống

Phao tin tìm thấy mộ Trạng Trình để hành nghề mê tín

28/02/2017, 08:02

Những ngày gần đây, thông tin về việc tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bỗng rộ lên.

NBK 1

Khai quật ngôi mộ “cụ” nhưng khi mở ván thì lại là mộ trẻ em ở nhà bà Hiền.

Những ngày gần đây, thông tin về việc tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm bỗng rộ lên. Một số nhà khoa học, đoàn nghiên cứu và người dân ùn ùn kéo về xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng để tìm hiểu. Chính quyền địa phương không ngần ngại nói thẳng rằng đây là trò “buôn thần bán thánh” của một nhóm người.

Đào mộ “cụ” ra mộ… trẻ em

Ngày 22/2, tại khu vườn nhà bà Bùi Thị Hiền, thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo tấp nập với sự xuất hiện của những nhà nghiên cứu, phóng viên báo chí, công an và hàng trăm người dân đổ về, trông ngóng một sự kiện “trọng đại”. Sự kiện này khiến UBND huyện Vĩnh Bảo phải cử lực lượng công an, các phòng, ban chuyên môn và chính quyền địa phương tới bảo đảm ANTT. Trong số những nhà khoa học xuất hiện tại đây có PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người. Các nhà khoa học tới đây để nghiên cứu về một ngôi mộ được gia đình bà Hiền đề nghị khai quật.

Ghi nhận của PV tại hiện trường vụ khai quật, dù bà Hiền (tự xưng là một nhà ngoại cảm) cùng các “đệ tử” chỉ mập mờ nói đây là mộ “cụ” nhưng hàng trăm người từ khắp các nơi đổ về đều mặc định đó là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585, tên thật là Nguyễn Văn Đạt, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử).

16h cùng ngày, công tác khai quật được tiến hành. Người nhà bà Hiền đào lên một chiếc quan tài bằng gỗ, hình hộp chữ nhật, có chiều dài gần 1m, chiều rộng 4 cạnh khoảng 20cm. Bật nắp quan tài, qua xem xét, nghiên cứu tại chỗ, PGS.TS Nguyễn Lân Cường khẳng định bộ hài cốt trong quan tài này là “xương của một trẻ em”. Ngoài ra không có cổ vật, bảo vật gì trong chiếc quan tài nói trên. Vụ tìm mộ “cụ” ra mộ của… trẻ em khiến nhiều người tiu nghỉu, hàng chục người bỏ về với sự hoài nghi về khả năng của “nhà ngoại cảm”.

Khó tin chiếc hộp 15cm chứa hài cốt Trạng Trình

Theo báo cáo ngày 21/2/2017 của UBND huyện Vĩnh Bảo, từ ngày 15/5/2014 UBND huyện nhận được báo cáo của UBND xã Cộng Hiền về việc một người dân địa phương là bà Bùi Thị Hiền (50 tuổi, được cho là có khả năng ngoại cảm) phát hiện một ngôi mộ cổ trong vườn nhà, đào lên thì thấy một quách gỗ, bên trong có hài cốt. Gia đình đã mang số hài cốt này đi chôn, quách gỗ được chuyển lên Hà Nội lưu giữ. Một số người ở Hà Nội đã lưu giữ chiếc quách này để “nghiên cứu”. Đến ngày 7/12/2016, chiếc quách được chuyển về Hải Phòng bàn giao cho UBND xã Cộng Hiền và Bảo tàng Hải Phòng. Sau đó, các ông Nguyễn Đình Minh (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, H.Vĩnh Bảo), Lê Thiên Lý (một người viết thư pháp ở Hải Phòng) đã đăng tải thông tin về việc tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trên mạng xã hội, “gây ra dư luận xã hội không tốt”.

Ngày 16/1/2017, một hội thảo về phát hiện ngôi mộ do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Hà Nội. Theo tài liệu hội thảo, chiếc quách gỗ có niên đại khoảng 1.700 năm, một số người cho rằng có từ thời nhà Mạc. Đặc biệt, thông tin từ hội thảo cũng cho biết theo chỉ dẫn của một số “nhà ngoại cảm”, đã tìm thấy trong chiếc quách một thẻ tre với dòng chữ: “Mạc Triều Trạng Nguyên mộ tại ao dương”.

Bác lại những thông tin hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng khẳng định: “Tôi là người chứng kiến việc nghiên cứu tổ chức tại Bảo tàng Hải Phòng. Chẳng có chữ nào trên thanh tre đó cả. Đặc biệt là chi tiết có bộ xương nguyên sọ trong chiếc hộp gỗ mọi người gọi là “quách” rất vô lý. Cái hộp chỉ rộng 15 cm, làm sao đựng vừa chiếc sọ người chứ chưa nói là cả bộ xương?”.

Danh tiếng Trạng Trình không thể bị lợi dụng

Ông Nguyễn Trọng Nhưỡng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo khẳng định: Danh nhân văn hóa - Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. Huyện Vĩnh Bảo tự hào là quê hương của Trạng Trình, suốt mấy trăm năm qua mộ Trạng Trình luôn là một bí ẩn. Hơn ai hết, chính quyền địa phương và người dân Vĩnh Bảo luôn mong muốn tìm thấy phần mộ của Trạng Trình. Tuy nhiên, việc tìm, công bố mộ Trạng Trình phải được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, có hội đồng khoa học chứ không thể chỉ bằng vài thông tin mơ hồ kiểu tâm linh. “Chính quyền địa phương sẽ xử lý thích đáng đối với hành vi lợi dụng danh tiếng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm để “buôn thần bán thánh”, ông Nhưỡng cho hay.

Sự lo lắng của ông Nhưỡng không phải không có lý do. Từ khi thông tin tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại vườn nhà bà Bùi Thị Hiền lan truyền, hàng ngày có hàng chục người dân từ khắp nơi đổ về xì xụp khấn vái trước ngôi mộ mà bà này nói rằng mộ "cụ".

Trong vai những người đến xem bói, nhóm PV tìm tới nhà bà Hiền. Từ ngoài cổng nhà bà tấp nập từng đoàn người vào, ra xem bói. Bước vào khu nhà bà, ấn tượng với bất cứ ai là gần 20 ngôi mộ ở khu vườn gần cái ao mà những người trong nhà một mực khẳng định đó là “Ao Dương”. Sở dĩ, họ đặt tên như vậy để phù hợp với giai thoại cho rằng, vào lúc lâm chung, Trạng Trình có gọi người con cả vào và viết lên lòng bàn tay 4 chữ “Táng tại Ao Dương”. Trong số các ngôi mộ, nổi bật nhất là ngôi mộ được phủ lên một lớp cỏ nhựa với dòng chữ màu đỏ “Phần mộ cụ thây nho” (có lẽ người ta định viết là phần mộ cụ thầy nho), một phía nổi bật dòng chữ “Viet Nam Ten Nguoi” (Việt Nam Tên Người - PV). Dù trên mộ không ghi rõ là phần mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng áp sát chúng tôi có nhiều người luôn miệng giục: Khấn đi, khấn Trạng Trình phù hộ đi.

Đã giao hẹn trước với nhau, một nam và một nữ đồng nghiệp của tôi đóng vai vợ chồng đến xem (cả 2 người này đều có vợ, chồng - PV). Sau khi đặt 200 nghìn đồng lên ban thờ nhờ “vợ chồng” anh bạn hỏi bà về đường con cái, nhờ bà soi giúp năm nay có đẻ được con trai không. Bà Hiền ngồi trên ghế oang oang phán: Cụ bảo năm nay vợ chồng con sẽ đẻ, con trai đấy, tốt lắm”. Tới lượt tôi, không như “vợ chồng” anh đồng nghiệp, tôi chỉ thắp hương nhưng không đặt lễ. Bà ngồi một lúc lâu mà … chẳng áp vong gì nên việc xem của tôi thất bại. Ra ngoài một lát, tôi quay lại đặt 200 nghìn đồng lên bàn lễ thì việc “soi” của tôi thuận lợi hơn hẳn với lời phán tôi là người làm trong lĩnh vực kinh doanh, năm nay làm ăn tốt lắm…

Không xem bói, bà Hiền chỉ “soi” giúp nhưng nếu không đặt lễ thì… không thiêng. Thời kỳ cao điểm mỗi ngày nhà bà Hiền có hàng trăm người người ghé qua “soi”. Từ một bà bán xăng thuê, mấy năm gần đây bà Hiền cất căn nhà khang trang như biệt thự, sắm sửa toàn vật dụng đắt tiền.

Trao đổi với PV, ông Đoàn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Cộng Hiền cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần lập biên bản, yêu cầu bà Hiền không được tụ tập đông người, tổ chức tuyên truyền mê tín dị đoan. Chúng tôi hy vọng sau lần này mọi việc đã sáng tỏ. Suốt thời gian qua, chính quyền từ xã tới huyện phải căng sức để bảo đảm ANTT vì những thông tin thất thiệt là tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở vườn nhà bà Bùi Thị Hiền.

 Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.