Hồ sơ tài liệu

Pháp, Đức úp mở cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga

30/05/2024, 15:28

Giới chức Pháp và Đức đang dự tính cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do 2 nước này cung cấp để tấn công các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga, hành động bị Nga coi là "vượt qua lằn ranh đỏ".

Thay đổi chính sách hay chỉ "ném đá dò đường"?

Theo hãng tin Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 28/5, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bỏ ngỏ nên cho phép Ukraine sử dụng vũ khí mà hai nước này cung cấp để tấn công vào các mục tiêu ở bên trong nước Nga - nơi Moscow dùng để phóng tên lửa tấn công Ukraine. 

Ông Macron nêu ra một số loại vũ khí mà Pháp gửi cho Ukraine, bao gồm tên lửa tầm xa, nên được phép sử dụng để tấn công các căn cứ bên trong lãnh thổ Nga.

"Ukraine đang bị tấn công từ những căn cứ nằm trong lãnh thổ Nga. Vậy làm thế nào chúng ta có thể giải thích cho người dân Ukraine rằng chúng ta sẽ bảo vệ các thành phố của họ, nhất là với tất cả những gì chúng ta phải chứng kiến ở Kharkov hiện tại nếu chúng ta không cho phép họ tấn công vào những căn cứ được sử dụng để phóng tên lửa sang Ukraine", ông Macron lý giải. 

Pháp, Đức úp mở cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga- Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu lý do Ukraine có thể tấn công vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Pháp nhận định nên cho phép họ vô hiệu hóa những căn cứ quân sự mà từ đó những quả tên lửa của Nga phóng đi để tấn công các vị trí của Ukraine nhưng không cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu khác của Nga.

Cùng chia sẻ quan điểm với ông Macron, Thủ tướng Đức Scholz cho rằng, Ukraine phải được phép tự phòng vệ miễn là nước này tôn trọng những điều kiện do các nước cung cấp vũ khí, bao gồm cả Mỹ, đưa ra cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế.

"Theo luật pháp quốc tế, Ukraine hoàn toàn có thể làm như vậy. Điều này cần phải được tuyên bố công khai. Tôi thấy thật lạ khi một số người tranh cãi Ukraine không được phép tự phòng vệ và thực hiện các biện pháp phù hợp với họ", ông Scholz nhấn mạnh.

Từ lâu, các đồng minh phương Tây vẫn duy trì chính sách rằng vũ khí viện trợ cho Ukraine chỉ được giới hạn sử dụng trong lãnh thổ Ukraine. Vấn đề này thậm chí đã gây tranh cãi bởi nhiều lãnh đạo phương Tây lo ngại vũ khí của họ được Ukraine sử dụng tấn công lãnh thổ của Nga sẽ gây leo thang bạo lực khiến chiến tranh lan rộng ra cả với các thành viên NATO.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh chấp thuận nới rộng giới hạn sử dụng vũ khí cung cấp cho Ukraine để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Mỹ - nước cung cấp nhiều vũ khí nhất cho Ukraine, cũng từng cấm Kiev sử dụng vũ khí để tấn công lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, trong một tuyên bố gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hé lộ khả năng Mỹ thay đổi chính sách trong quá trình viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Song Ngoại trưởng Mỹ thận trọng nói: "Chúng tôi không khuyến khích và cũng không cho phép Ukraine tiến hành những vụ tấn công bên ngoài lãnh thổ.

Dồn dập chuyển vũ khí cho Ukraine, bất chấp cảnh báo từ Nga

Bất chấp quan điểm có phần dè dặt của Mỹ, Pháp từ lâu đã chuyển cho Ukraine tên lửa hành trình SCALP với tầm bắn lên đến 155km và có khả năng mang đầu đạn công phá lớn có trọng lượng lên đến 400kg.

Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết nước này cũng đã bàn giao cho Ukraine tên lửa Storm Shadow - tên gọi khác của dòng SCALP - và tuyên bố Ukraine có thể tùy ý sử dụng những quả tên lửa do Anh cung cấp.

Pháp, Đức úp mở cho phép Ukraine dùng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga- Ảnh 2.

Tên lửa hành trình SCALP/Storm Shadow mà Anh và Pháp cung cấp cho Ukraine (Ảnh: AP).

"Quan điểm của chúng tôi là họ có quyền tự quyết định sử dụng vũ khí như thế nào trong khi đang bảo vệ đất nước. Nga đang tấn công Ukraine và Ukraine hoàn toàn có quyền tấn công đáp trả", Ngoại trưởng Anh Cameron tuyên bố.

Trước động thái úp mở cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tấn công lãnh thổ Nga của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có phản ứng gay gắt. Ông Putin khẳng định, Ukraine sẽ không thể sử dụng vũ khí tầm xa nếu không có sự hỗ trọ chủ yếu từ NATO và sự can thiệp của NATO vào cuộc chiến ở Ukraine có thể kích hoạt "một cuộc xung đột toàn cầu".

"Không thể phóng vũ khí tầm xa mà không có sự hỗ trợ của các hệ thống trinh sát ngoài không gian. Để lựa chọn mục tiêu và phóng vũ khí của phương Tây, đều cần phải do các chuyên gia có chuyên môn cao thực hiện dựa trên số liệu từ hệ thống trinh sát", ông Putin nói. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.