Xã hội

Phập phồng nỗi lo đường sạt lở, chia cắt nơi xã đảo

15/03/2023, 09:20
image

Do mưa lớn, địa chất yếu, tuyến đường liên thôn ở xã Bản Sen, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã bị sạt, lở nghiêm trọng, nguy cơ chia cắt cục bộ.

Dân lo đường chia cắt, sạt lở mất lăng mộ

Những ngày đầu tháng 3, PV Báo Giao thông theo tuyến đường bê tông mới làm rộng rãi từ cầu cảng Bản Sen đến trung tâm xã Bản Sen, xã Vân Đồn (Quảng Ninh), ngược xuống thôn Nà Sắn, Nà Na…

Tuy nhiên, một đoạn tuyến đường liên thôn từ cầu cảng Bản Sen sang thôn Bản Sen để kết nối với xã Minh Châu lại có những điểm sạt lở nghiêm trọng.

img

Do mưa lớn đã khiến cho đất, đá từ mái taluy dương sạt lở phủ kín mặt đường liên thôn ở xã Bản Sen, huyện Vân Đồn

Ghi nhận của PV, đoạn đường có nhiều điểm sạt, lở nhất nằm ở thôn Nà Sắn, xã Bản Sen. Từ trên triền đồi, từng khối đất, đá lớn tràn xuống phía dưới, có điểm lấp gần 1/2 mặt đường.

Không chỉ gây cản trở giao thông, đất đá từ trên đồi ụp xuống còn làm đổ nhiều cột điện. Nguy hiểm hơn, có một số cột điện bị xô nghiêng, nằm choãi ra phía đường, nguy cơ đè vào người đi đường.

>>> Clip: Cận cảnh một điểm sạt, lở đất đá trên tuyến đường liên thôn ở Bản Sen:

Ông Phạm Văn Thành, ở Bản Sen cho biết: Qua theo dõi, bà con thấy rằng, quá trình làm taluy ở khu vực này đơn vị thi công đã tiến hành phân tầng, cắt lớp rất cẩn thận.

Tuy nhiên, do điều kiện đất, đá ở đây khá rời rạc cộng với năm 2022 có nhiều trận mưa rất lớn khiến hệ thống taluy dương tuyến đường này bị sạt, trượt nghiêm trọng.

img

Một cây cột điện bị xô nghiêng, có thể đổ ụp xuống bất cứ lúc nào, tiềm ẩn nguy cơ cho người đi đường

Theo ông Thành, sau khi taluy bị sạt lở, cơ quan chức năng đã tiến hành xúc dọn một phần đất đá đổ xuống đường, khai thông hệ thống thoát nước.

"Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án xử lý toàn bộ đất, đá và có phương án kè lại mái taluy. Hậu quả là đất, đá bị cuối trôi ra khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của bà con trong thôn, trong xã ở phía ngoài", ông Thành cho hay.

img

Đất, đá từ điểm sạt, trượt bị cuối trôi ra khu vực bãi triều - nơi vốn là vùng khai thác thủy sản tự nhiên của một bộ phận người dân ở xã Bản Sen

Hiện bà con rất lo lắng, nếu đến mùa mưa tới đây, các biện pháp xử lý không hoàn thiện thì nguy cơ tuyến đường bị chia cắt cục bộ là khó tránh khỏi.

Cùng với đó, đất đá sạt lở tiếp tục trôi ra khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của bà con.


img

Mái taluy khu vực có lăng mộ đang bị sạt, lở nghiêm trọng

Nhiều bà con còn lo lắng khi một điểm sạt lở ở giữa thôn Nà Sắn lại có lăng mộ của dòng họ Phạm nằm chênh vênh trên trên sườn đồi.

"Hiện toàn bộ bờ kè bị kéo xuống phía dưới. Nếu cứ đà này, gặp thêm vài trận mưa lớn nữa là lăng mộ sẽ bị đổ sập. Chúng tôi đang đề xuất được hỗ trợ để di dời khu vực lăng mộ này", ông Phạm Văn Thạch ở thôn Nà Sắn cho hay.

Khắc phục sạt lở thế nào?

Trao đổi với PV Báo Giao thông qua điện thoại, ông Phạm Minh Tuấn, cán bộ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn thừa nhận tình trạng sạt lở đang có nguy cơ uy hiếp tuyến đường qua thôn Nà Sắn, xã Bản Sen sang thôn Tân Lập, xã Minh Châu vào mùa mưa, bão.

img

Hệ thống đường mới mở kết nối với cầu cảng Bản Sen phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương

Cũng theo thông tin từ vị cán bộ Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn thì tuyến đường là hợp phần của công trình đường bê tông xuyên đảo Bản Sen được triển khai từ năm 2018, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ giữa năm 2022.

Tuyến đường rộng 6,5km, mặt đường bê tông dày 20cm. Đây là một trong những tuyến giao thông huyết mạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của xã Bản Sen.

Cùng với đó, tuyến giao thông này cũng đóng vai trò đặc biệt phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai sau khi thôn Bản Sen cũ bị nhấn chìm hoàn toàn và thiệt hại nặng nề do cơ bão lịch sử gây ra hồi giữa năm 2015.

img

Do lượng mưa quá lớn cùng với kết cấu địa chất không bền vững khiến cho nhiều điểm trên tuyến đường bị sạt, lở nghiêm trọng

"Sở dĩ có tình trạng sạt lở nghiêm trọng như hiện nay là do nguyên nhân khách quan mang lại. Cụ thể là năm 2022, do trên địa bàn có nhiều trận mưa lớn bất thường đã khiến cho một số điểm qua thôn Nà Sắn bị sạt, trượt.

Để khắc phục tình trạng này, hiện cơ quan chức năng đang khảo sát lập dự toán để đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm sớm bốc xúc đất đá, đồng thời kè kiên cố những điểm có nguy cơ sạt, lở trong thời gian sớm nhất", vị cán bộ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Vân Đồn cho hay.

img

Cây cối bị sạt, trượt nằm lơ lửng trên sườn taluy không khác gì những "chiếc bẫy" người đi đường.

Liên quan đến kiến nghị của các hộ dân dòng họ Phạm ở thôn Nà Sắn về chính sách để di chuyển lăng mộ nằm ở khu vực nguy cơ sạt, lở, ôngMinh cho biết: Quá trình triển khai, khu lăng mộ không nằm trong diện tích giải phóng mặt bằng. Đây là yếu tố thiên tai gây ra, nên không thể áp dụng cơ chế đền bù, di dời từ ngân sách…

Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền đã xem xét có biện pháp hỗ trợ gia đình về vật liệu xây dựng khi di chuyển lăng mộ nêu trên, còn công xây dựng thì bà con phải tự bỏ ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.