Thời sự Quốc tế

Pháp-VN đặt mục tiêu vận hành phần trên cao metro Nhổn-ga HN vào cuối 2022

06/11/2021, 06:00

Đây là một trong những vấn đề quan trọng mà hai Thủ tướng Pháp và Việt Nam đã thông qua trong tuyên bố chung công bố tối 5/11 theo giờ VN.

Cụ thể, Pháp cam kết sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững, đặc biệt trong khuôn khổ các dự án cơ sở hạ tầng lớn.

Hai bên tái khẳng định mong muốn sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác kinh tế và công nghiệp lâu dài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giao thông, năng lượng và vũ trụ. Hai bên mong muốn các dự án đang tiến hành sớm đạt được thành công và các công ty Pháp sẽ được mời tham gia vào các dự án trong tương lai.

Về vấn đề giao thông đô thị, hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của dự án tuyến metro số 3 tại Hà Nội, do Pháp cho vay hơn 500 triệu euros và khẳng định mục tiêu đưa vào vận hành phần trên cao của tuyến tàu điện ngầm từ nay đến cuối năm 2022.

img

Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội chính thức vận hành thử liên động trên chính tuyến từ 22/1 - Ảnh- MRB

Hai bên cam kết sớm tìm ra giải pháp nhằm đạt được những mục tiêu chung, trong đó tính đến việc ký hợp đồng đưa vào khai thác đoạn trên cao, áp dụng khuôn khổ hợp đồng FIDIC nhằm bảo đảm vận hành hiệu quả dự án và điều chỉnh khuôn khổ đầu tư dự án cho phép tiếp tục xây dựng phần ngầm sau năm 2022.

Pháp ủng hộ nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, ví dụ thông qua ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. Việt Nam hoan nghênh các đề xuất của Pháp trong lĩnh vực năng lượng (năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, khí đốt) về phân phối, lưu trữ cũng như về tài chính và hỗ trợ kỹ thuật. Việt Nam hoan nghênh dự án do Pháp tài trợ để công ty Weatherforce của Pháp hỗ trợ Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam nghiên cứu, phát triển các giải pháp thời tiết thông minh hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực hàng không, một lĩnh vực chiến lược trong quan hệ song phương, đặc biệt liên quan đến việc cung cấp máy bay và các dịch vụ kèm theo cho các hãng hàng không, trang thiết bị, đào tạo và kỹ thuật cho toàn ngành, Việt Nam và Pháp đã bày tỏ quan tâm đến việc tiếp tục hợp tác trên tất cả các mặt.

Trong lĩnh vực vũ trụ, Việt Nam và Pháp tái khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác cả trong lĩnh vực vệ tinh cũng như để sử dụng hình ảnh vệ tinh trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, khí tượng thủy văn, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng ngừa rủi ro thiên tai.

Hai bên hoan nghênh các khoản đầu tư của Pháp vào lĩnh vực logistics và hạ tầng cảng biển, cho phép tạo thuận lợi cho thương mại giữa hai nước và cam kết duy trì hợp tác trong lĩnh vực này nhằm tránh gián đoạn chuỗi cung ứng.

Cuối cùng, hai bên ghi nhận tầm quan trọng của hợp tác trong lĩnh vực đô thị bền vững, đặc biệt là tại Hà Nội với các dự án giao thông và quy hoạch đô thị, triển khai chợ đầu mối trong tương lai.

Tạo xung lực mới về an ninh – quốc phòng

Ngoài ra, trong tuyên bố chung, hai Thủ tướng còn đề cập tới nhiều vấn đề khác như tái khẳng định quyết tâm tạo xung lực mới bằng một dự án mang tính cơ cấu nhằm khẳng định mức độ tin cậy lẫn nhau trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng.

Hai bên hoan nghênh việc tàu quân sự Pháp thăm xã giao hoặc ghé đậu kỹ thuật phù hợp với các quy định pháp luật Việt Nam và tiếp tục triển khai Tuyên bố về Tầm nhìn chung trong hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028. Hai bên chủ trương tiếp tục hợp tác đào tạo sĩ quan tại Pháp, trong lĩnh vực học tiếng Pháp, đặc biệt là nhằm triển khai các lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại các khu vực nói tiếng Pháp.

Về hợp tác y tế, Việt Nam và Pháp khẳng định tình đoàn kết trong đại dịch Covid-19 và tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiếp cận công bằng, bình đẳng vaccine, thuốc điều trị Covid-19.

img

Thủ tướng Jean Castex chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Ảnh - VGP

Hai bên hoan nghênh hợp tác về chủ đề kháng kháng sinh, như các dự án chung DRISA và ROADMAP có sự phối hợp của các phòng thí nghiệm nghiên cứu của Việt Nam và Pháp. Việt - Pháp mong muốn phát triển mối quan hệ đối tác tăng cường giữa Viện Pasteur Paris và 3 Viện Pasteur Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu các bệnh mới nổi.

Về khoa học và công nghệ cũng như giáo dục đại học, những lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác song phương, hai nước sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như công nghệ số, khoa học hàng không vũ trụ, công nghệ sinh học ứng dụng trong nông nghiệp và y tế, năng lượng.

Việt Nam và Pháp tái khẳng định tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, loại trừ mọi hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở tất cả các vùng biển và đại dương, đặc biệt là ở Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Việt - Pháp ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc nhằm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.