Đường bộ

Phát hiện nhiều tồn tại trong bảo trì đường bộ tại Vĩnh Phúc

03/02/2023, 15:05

Sở GTVT Vĩnh Phúc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý chất lượng công trình.

Cả duy tu và sửa chữa đều có tồn tại

Cục Đường bộ VN vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ được ủy thác quản lý đối với Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc.

Kết quả thanh tra của Cục Đường bộ VN cho biết, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc được giao quản lý hơn 39 km tuyến QL2C và hơn 520 mét cầu. Nguồn kinh phí được bố trí để quản lý, bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa định kỳ, đột xuất trong 2 năm 2021 và 2022 hơn 61 tỷ đồng.

img

Cục Đường bộ VN yêu cầu Sở GTVT Vĩnh Phúc kiểm điểm tập thể, cá nhân, chỉ rõ trách nhiệm liên quan đến các tồn tại trong bảo trì đường bộ - Ảnh minh họa

Riêng đối với sửa chữa định kỳ, năm 2021 Sở này được phê duyệt 3 công trình sửa chữa định kỳ với tổng vốn được giao gần 20 tỷ đồng. Năm 2022, có 3 công trình được phê duyệt với tổng số vốn được giao là hơn 16 tỷ đồng.

Với sửa chữa đột xuất, trong năm 2021, Sở này được giao xử lý, khắc phục 5 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên QL2C với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Năm 2022, Sở GTVT Vĩnh Phúc cũng xử lý, khắc phục 5 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông với tổng kinh phí hơn 10,4 tỷ đồng.

Đối với công tác bảo dưỡng thường xuyên, kết quả thanh tra của Cục Đường bộ chỉ rõ, nhà thầu thực hiện công tác này là Công ty Cổ phần Quản lý và Sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc thực hiện cơ bản đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, việc ghi chép chưa thể hiện được việc xử lý các tồn tại đã nêu ngày hôm trước. Bên cạnh đó, ghi chép của tuần kiểm cũng chưa phản ánh đầy đủ quá trình xử lý, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng theo quy định. Ngoài ra, toàn bộ các cầu trên tuyến đều không có phiếu dán kiểm tra vết nứt của cầu.

Đối với các công trình sửa chữa định kỳ, đột xuất, kết quả thanh tra của Cục Đường bộ VN nêu, Sở GTVT Vĩnh Phúc chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý chất lượng công trình. Bên cạnh đó, Tư vấn giám sát cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm dẫn đến nhà thầu không thông báo khởi công, biên bản tổng hợp khối lượng không có chữ ký của tư vấn giám sát và nhiều tồn tại trong nhật ký thi công.

Đối với công trình sửa chữa hư hỏng, nền, mặt đường, hệ thống an toàn giao thông và công trình trên tuyến đoạn Km4+873 - Km7+300 có tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & xây dựng công trình Bắc Nam thi công, kết luận thanh tra chỉ rõ, công trình này không có chấp thuận biện pháp thi công của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc lưu trữ hồ sơ, tài liệu công trình lộn xộn không theo trình tự quy định.

Tương tự, kết luận thanh tra cũng cho biết, công trình sửa chữa hư hỏng, nền mặt đường và công trình trên tuyến Km10+800 có tổng mức đầu tư hơn 15 tỷ đồng cũng do Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & xây dựng công trình Bắc Nam thi công, nhật ký thi công của nhà thầu không có thỏa thuận của chủ đầu tư theo quy định và nhật ký thi công ngày 10/7/2022 không ghi điểm đổ thải.

Đối với công trình sửa chữa nền, mặt đường và công trình trên tuyến đoạn Km7+114 - Km10+800 có tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng, Chủ đầu tư không có thông báo khởi công xây dựng. Bên cạnh đó cũng không gia hạn giấy phép thi công theo thời gian thi khối lượng phát sinh. Như vậy, việc thi công khối lượng phát sinh này là thi công không phép. Thêm nữa, biên bản tổng hợp khối lượng tưới dính bám mặt đường Tư vấn giám sát không ký.

Một công trình khác được đoàn thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại là công trình xử lý, khắc phục 5 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng & Thương mại Phú Vĩnh giám sát thi công và có tổng mức đầu tư 22 tỷ đồng. Cụ thể, việc chấp thuận biện pháp tổ chức thi công và tiến độ thi công không chữ ký và đóng dấu của đại diện chủ đầu tư. Bên cạnh đó, nhật ký thi công đại diện nhà thầu và tư vấn giám sát tuy có ký xác nhận nhưng không ghi công việc cụ thể.

Báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 25/2

Từ kết quả trên thanh tra kết luận, để xảy ra những tồn tại, trách nhiệm chính thuộc về Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc, các phòng, ban có liên quan, các đơn vị tham gia bảo trì, sửa chữa đường bộ.

Cục Đường bộ VN yêu cầu Sở GTVT Vĩnh Phúc họp kiểm điểm tập thể, cá nhân, chỉ rõ trách nhiệm liên quan đến các tồn tại, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại trong biên bản kiểm tra, xác minh.

Đối với các dự án sửa chữa định kỳ đang trong thời gian bảo hành, Cục Đường bộ yêu cầu Sở GTVT Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra và có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời các hư hỏng. Đối với các công trình đang trong thời gian thi công cần rà soát và bổ sung hệ thống ATGT và yêu cầu nhà thầu thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện đầy đủ các quy định trong công tác tuần kiểm đường bộ. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện giải tỏa các công trình lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ và kiến nghị chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các vi phạm.

Ngoài ra, Sở GTVT Vĩnh Phúc chỉ đạo Thanh tra Sở kịp thời phát hiện, xử lý triệ để các vi phạm hành lang đường bộ. Bên cạnh đó, kiểm tra, xử lý các chủ đầu tư, nhà thầu thi công trên QL2C thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo ATGT khi thi công trên đường đang khai thác.

“Sở GTVT Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra và báo cáo kết quả về Cục Đường bộ VN trước ngày 25/2/2023”, Cục Đường bộ VN yêu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.