Xã hội

Phát hiện thêm dấu tích mới tại Hoàng thành Thăng Long

18/04/2018, 06:45

Các nhà khoa học vừa giới thiệu những chứng tích quan trọng mới nhất được phát lộ trong năm 2017.

hoang-thanh.

Toàn cảnh hố khai quật có diện tích gần 1.000m2, được các nhà khảo cổ học tiến hành từ năm 2017. Ảnh: Hà nội mới

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã giới thiệu những chứng tích quan trọng mới nhất được phát lộ trong năm 2017.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cuộc khai quật đã làm xuất lộ tầng văn hoá dày gần 4,5m với các lớp văn hoá có niên đại khoảng từ thời Đại La, qua các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn đến thời hiện đại. 

Một số kiến trúc có niên đại thuộc các thời Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng đã được phát lộ trong cuộc khai quật này gồm có: Móng cột, móng nền kiến trúc, sân nền… Trong số này, dấu tích nổi bật tìm thấy là dải bó nền hoa chanh của thời Trần, được cho là lớn nhất từ trước đến nay (hơn 1,1m2).

Về di vật, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều loại hình khác nhau, gồm đất nung, đồ gốm, đồ gỗ, đồ kim loại, trong đó có một số lượng lớn là gạch ngói. PGS.TS Tống Trung Tín nhận định, điểm nổi bật của lần khai quật này là các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật bằng gốm, sành, sứ thời Lê sơ. Trong đó, có nhiều di vật làm bằng men xanh, những mảnh ngói có họa tiết rồng đậm nét, cho phép hình dung rõ thêm về loại “Ngói rồng” lợp cung điện trong khu vực chính điện Kính Thiên của Hoàng đế Lê sơ. Ngoài ra, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy nhiều bát hình rồng, phượng điển hình của thế kỷ XVI. 

Trên cơ sở các hiện vật tìm thấy, các nhà khoa học, lịch sử đề nghị cần phải mở rộng khu vực đào để thúc đẩy nhanh việc khảo cổ toàn bộ khu di tích, từ đó sớm báo cáo và bàn giao cho TP Hà Nội. Đồng thời, cần lập được bản đồ tổng thể, kết nối các kết quả khảo cổ học từ trước đến nay để có cái nhìn tổng thể về di tích, người dân bình thường có thể nhìn vào bản đồ tổng thể để hiểu hơn về di sản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.