Ngày 5/5, cơ quan y tế của Panama thông báo đã ghi nhận trường hợp viêm gan cấp tính đầu tiên ở trẻ nhỏ.
Theo thông tin từ Bộ Y tế Panama, trường hợp mắc bệnh là một bé trai 2 tuổi sống tại tỉnh Đông Panama.
Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ đã bị viêm gan cấp tính tương tự như cảnh báo mà Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) và Văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra gần đây.
Bà Lourdes Moreno, người đứng đầu chuyên ngành dịch tễ học thuộc Bộ Y tế Panama thông tin cho biết, sau khi nhập viện, bé trai đã qua cơn nguy kịch.
Bệnh viêm gan này gây vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng, một số trường hợp phải ghép gan
Theo bà Moreno, bệnh viêm gan cấp tính này có thể lây qua giọt bắn và kêu gọi các bậc cha mẹ để ý những triệu chứng ở con trẻ bao gồm sốt cao, vàng da, đau bụng.
Cùng ngày, tại thủ đô Jakarta (Indonesia), trong cuộc họp báo trực tuyến, Bộ Y tế Indonesia thông báo phát hiện thêm một số ca nghi mắc bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em sau khi các cơ quan y tế trên toàn quốc đã ghi nhận 3 trường hợp trẻ tử vong nghi do viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Theo người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi, giới chức y tế Indonesia vẫn đang xác minh nguyên nhân gây ra các ca bệnh mới thông qua một loạt xét nghiệm, giải trình tự bộ gen để xác định đây không phải là các trường hợp mắc viêm gan siêu vi A, B, C, D và E.
Theo bà Siti, bệnh viện các bệnh truyền nhiễm Sulianti Saroso ở thủ đô Jakarta đã được chỉ định làm nơi điều trị các trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em. Đại học Indonesia đã được chỉ định tiến hành xét nghiệm máu đối với các bệnh nhân nghi mắc bệnh này.
Cũng tại cuộc họp báo ở Indonesia, Giáo sư-bác sĩ nhi khoa nước này - ông Hanifah Oswari đã bác bỏ những suy đoán cho rằng bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ em xuất phát từ việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Giáo sư Hanifah cho rằng, tuy có một số trẻ em nhiễm các loại virus như SARS-CoV-2 hoặc adenovirus cũng bị mắc bệnh viêm gan cấp tính nhưng đó có thể là các trùng hợp ngẫu nhiên.
Thực tế ở 3 bệnh nhi viêm gan cấp tính vừa tử vong tại Indonesia, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy không thành viên nào trong gia đình các bệnh nhi này có tiền sử mắc viêm gan hoặc vàng da, hoặc có các triệu chứng viêm gan tương tự sau khi con cái họ mắc bệnh.
Đồng thời, cả ba bệnh nhân này đều có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và chỉ có bệnh nhân hai tuổi chưa được tiêm vaccine phòng viêm gan.
Bộ Y tế Indonesia cho biết vẫn đang tiến hành xét nghiệm virus, bao gồm virus adenovirus và virus viêm gan E. Quá trình này sẽ mất 10-14 ngày để đưa ra kết luận và có thể xác định nguyên nhân gây ra các ca mắc và tử vong.
Trong giai đoạn này, Giáo sư Hanifah khuyến cáo các bậc cha mẹ cần cảnh giác sớm khi trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa và đưa trẻ nhập viện ngay lập tức.
Ông Hanifah cho biết thêm rằng, do viêm gan cấp tính có khả năng lây lan qua đường tiêu hóa và đường hô hấp nên cần tập trung ngăn chặn sự xâm nhập của virus tương tự như các biện pháp phòng tránh Covid-19 như rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang, tránh nơi đông người.
Tháng 4/2022, PAHO đã đưa ra cảnh báo khi ghi nhận nhiều trường hợp viêm gan cấp tính và chuyển biến nặng không rõ nguyên nhân ở một số quốc gia và ở trẻ vị thành niên.
Còn theo thông tin mới đây từ WHO, tính đến nay đã ghi nhận khoảng 230 trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới.
Bệnh viêm gan này gây vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng, một số trường hợp phải ghép gan. Số trẻ tử vong lên tới ít nhất 4 trẻ. Hầu hết các trường hợp đều ở châu Âu, đặc biệt là ở Anh.
Tại Indonesia, hồi đầu tháng 5 này, Jakarta công bố 3 trẻ em 2 tuổi, 8 tuổi và 11 tuổi tử vong tại một bệnh viện ở Jakarta trong tháng 4 và bị nghi mắc bệnh viêm gan bí ẩn với các triệu chứng vàng da, gặp các vấn đề tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận