Vượt xa sức tưởng tượng
Mới đây, tờ Explorersweb đưa tin trong tuần qua, các nhà khảo cổ Israel đã xác định một xác tàu tại vùng biển Địa Trung Hải có niên đại lên đến 3.300 năm thuộc thời đại đồ đồng, được coi là xác tàu đắm lâu đời nhất từng được phát hiện trong lịch sử loài người.
Ban đầu, xác tàu được phát hiện bởi công ty năng lượng Energean (Anh) khi đang khảo sát đáy biển Địa Trung Hải. Tại thời điểm này, con tàu chở hàng cổ đại đang trong tư thế thẳng đứng ở độ sâu 1.600m, cách bờ biển Israel khoảng 88km.
Phòng điều khiển trên tàu của Energean đang tiếp cận hiện trường xác tàu đắm có niên đại lâu đời nhất từng được phát hiện. (Ảnh: Cơ quan Cổ vật Israel)
Đáng chú ý, do ở độ sâu lớn, không chịu tác động từ con người, sóng biển hoặc dòng chảy, phần lớn hàng hóa trên tàu và xác tàu vẫn gần như nguyên vẹn trong suốt hàng nghìn năm.
"Quả là một phát hiện đáng kinh ngạc, vượt xa những gì chúng tôi có thể tưởng tượng", chuyên gia môi trường của Energean bày tỏ.
Công ty Energean đã liên hệ Cơ quan Cổ vật Israel về phát hiện trên để hợp tác phân tích, điều tra. Trong hai ngày, đội khảo cổ đã sử dụng máy ảnh dưới nước lập sơ đồ toàn bộ hiện trường xác tàu đắm.
Hình ảnh thu thập dưới nước cho thấy con tàu dài khoảng 12-14m, thân tàu bị vùi sâu dưới đáy biển. Xung quanh, hàng trăm bình amphora, những chiếc bình có hai quai làm từ đất sét dùng để đựng chất lỏng, nằm la liệt, chất thành hai lớp riêng biệt.
"Những chiếc bình được sử dụng làm vật chứa để vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn và giá rẻ. Bên trong thường chứa dầu, rượu và các sản phẩm nông nghiệp khác như trái cây", ông Yaakov Sharvit, Cơ quan Cổ vật Israel chia sẻ.
Nhiều manh mối mới
Cơ quan Cổ vật Israel đã phối hợp với Energean, sử dụng nhiều trang thiết bị đặc biệt đưa hai bình Amphora lên khỏi mặt nước nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn của hai chiếc bình và những cổ vật xung quanh.
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ học xác định những chiếc bình có niên đại lên tới 3.300 năm thuộc thời kỳ đồ đồng, từ đó xác định con tàu chở bình cũng có niên đại tương tự, trở thành xác tàu đắm lâu đời nhất từng được phát hiện.
Theo các chuyên gia, những sản phẩm này có khả năng là của người Canaanite sinh sống dọc theo bờ biển phía đông Địa Trung Hải trong suốt thời kỳ cổ đại.
Số lượng lớn bình chứa cũng là manh mối cho thấy quy mô thương mại hàng hải vào giai đoạn con tàu bị chìm. Hiện các nhà khảo cổ đang nghiên cứu sâu hơn để khám phá chính xác những gì được chứa trong các bình amphora.
Theo thông tin từ Explorersweb, trong mùa hè này, hai chiếc bình được mang lên khỏi mặt nước sẽ được trưng bày tại Cơ sở Khảo cổ học Quốc gia Israel.
Không chỉ vậy, xác tàu đắm cũng khiến các nhà khoa học thay đổi suy nghĩ về cách thức người cổ đại di chuyển bằng thuyền.
Trước đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện hai xác tàu đắm khác cùng thuộc thời đại đồ đồng nhưng nhỏ hơn và niên đại ngắn hơn con tàu mới được phát hiện.
Do cả hai đều được tìm thấy ở vùng biển ven bờ Thổ Nhĩ Kỳ nên các nhà nghiên cứu giả định rằng hoạt động thương mại hàng hải trong thời kỳ này chủ yếu diễn ra an toàn, sát bờ biển. Từ trên tàu luôn luôn quan sát thấy bờ biển.
Tuy nhiên, vị trí phát hiện xác tàu đắm mới nhất lại cách bờ quá xa đến nỗi không thể nhìn thấy bờ biển bằng mắt thường, khẳng định kỹ năng định hướng trên biển của người cổ đại vượt xa sức tưởng tượng của các nhà khoa học.
Ông Jacob Sharvit, người đứng đầu đơn vị khảo cổ dưới nước thuộc Cơ quan Cổ vật Israel, khẳng định phát hiện này cho thấy các thủy thủ cổ đại đã định vị bằng cách quan sát, đo góc mặt trời và vị trí những ngôi sao để đi qua những vùng nước xa xôi trên biển.
"Tại vị trí phát hiện xác tàu, phóng tầm mắt xung quanh chỉ có thể nhìn thấy đường chân trời, vì vậy thủy thủ sẽ không thể dựa vào các mốc có sẵn để tìm đường", ông Sharvit nói.
Tuy nhiên, điều gì đã xảy ra với con tàu cổ đại kia vẫn là ẩn số. Tàu chìm xuống thẳng đứng mà không bị lật úp, trong khi hầu hết các bình amphora làm từ đất sét đều nguyên vẹn khiến nhóm nghiên cứu tin rằng tàu có thể đã gặp bão hoặc bị cướp biển tấn công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận