Từ khi triển khai cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, các bãi trông giữ xe vi phạm (nhất là xe máy) xảy ra tình trạng quá tải vì chủ xe không đến làm thủ tục để đưa xe về. |
Những ngày cuối tháng 3/2023, có mặt tại bãi trông giữ xe của Xí nghiệp 5 (thuộc Công TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội) ở đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), PV nhận thấy hàng nghìn chiếc xe máy đang được xếp chật kín, phủ đầy bụi. |
Đây là bãi để xe vi phạm của một số Đội CSGT thuộc Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, quận Nam Từ Liêm, Tổ công tác đặc biệt 141 của TP Hà Nội. |
Ông Nguyễn Đức Lộc, Phó Giám đốc Xí nghiệp 5 cho biết, từ đầu năm 2023, khi lực lượng CSGT tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn thì lượng xe vi phạm đổ về bãi tăng "chóng mặt". |
"Cả bãi có khoảng hơn 3 nghìn xe vi phạm thì riêng từ đầu năm đến giờ lượng tồn đọng đã lên đến hơn 300 xe máy, chủ yếu là xe máy của người vi phạm nồng độ cồn", ông Lộc cho hay. |
Phó Giám đốc Xí nghiệp 5 cũng cho biết, việc người dân bỏ xe vi phạm là do số tiền nộp phạt vi phạm nồng độ cồn có khi còn nhiều hơn là giá trị của chiếc xe máy. |
"Đa phần những chiếc xe thấp hơn mức tiền nộp phạt thì chủ xe sẽ không đến làm thủ tục lấy xe về. Điều này khiến bãi xe của chúng tôi ngày càng chật chội hơn", ông Nguyễn Đức Lộc nói. |
Tương tự, bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long, địa chỉ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông (đơn vị ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm, xe tai nạn với công an một số quận, đội CSGT của TP Hà Nội) cũng trong tình trạng chất chồng hàng nghìn chiếc xe máy đủ loại từ mới đến cũ nát. |
"Lượng xe máy tồn qua các năm hiện nay là gần 3.000 chiếc. Chỉ tính hơn 3 tháng đầu năm 2023, có gần 100 chiếc xe máy vi phạm chưa có chủ đến làm thủ tục lấy xe. Số lượng này tăng hơn nhiều so với cùng thời điểm này ở các năm trước. Lực lượng CSGT mạnh tay xử lý vi phạm nồng độ cồn nên lượng xe bị tạm giữ cũng tăng lên", ông Nguyễn Văn Thốn, Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết. |
Theo kinh nghiệm của ông Thốn, thường thì những chiếc xe máy hơn 1 tháng mà không có chủ đến làm thủ tục lấy về thì tức là chủ xe đã bỏ lại. |
"Nếu họ muốn lấy về thì trong vòng 1 tháng sẽ đến làm thủ tục lấy xe, còn không thì 90% là bỏ. Nguyên nhân chủ yếu là tiền phạt nhiều hơn giá trị xe", ông Thốn cho biết. |
Nhiều năm làm công việc trông giữ xe vi phạm, ông Thốn bày tỏ sự tiếc nuối khi những chiếc xe cách đây hơn chục năm, bằng cả một gia tài nhưng có người vẫn bỏ không đến lấy. |
"Những chiếc xe SH, hay Dream những năm 2007-2008 có khi bằng cả một mảnh đất, nhưng cũng bị chủ nhân bỏ, không đến nhận. Thủ tục thanh lý những chiếc xe này không hề đơn giản, phải trải qua nhiều công đoạn, có những chiếc xe nằm đây hơn chục năm nhưng vẫn chưa thể thanh lý được", ông Thốn cho hay. |
Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết, phải mất hơn 3 năm với rất nhiều thủ tục thì cơ quan chức năng mới thanh lý được gần 800 chiếc xe máy để giải phóng bớt cho bãi xe của ông. |
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết, từ khi triển khai cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn thì lượng phương tiện bị tạm giữ đã gia tăng. |
"Lỗi vi phạm nồng độ cồn buộc phải giữ xe của người vi phạm, mức phạt lại rất cao, chính vì thế người điều khiển xe máy nếu thấy giá trị xe thấp hơn tiền phạt thì họ sẵn sàng bỏ xe, không làm thủ tục lấy về", ông Chinh nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận