Quản lý

Phạt nặng vẫn nhiều “ma men” lái xe, vì sao?

Trong 5 ngày từ 1-5/8, lực lượng CSGT toàn quốc phát hiện 1.412 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, hơn 400 tài xế vi phạm ở mức cao nhất.

img
CSGT Cần Thơ kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển mô tô tại khu vực nút giao đường Lê Lợi - Trần Văn Khéo. Ảnh: Lê An

Điều đó có nghĩa là họ đã uống rất nhiều nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Vì sao nhiều người vẫn cố tình vi phạm khi đã có quy định phạt rất nặng?

Phạt nặng vẫn vi phạm

Tối 4/8, PV Báo Giao thông theo chân Tổ tuần tra kiểm soát số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình làm nhiệm vụ trên các tuyến phố của TP Thái Bình. Để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, toàn bộ các cán bộ chiến sĩ đều thực hiện đeo khẩu trang, găng tay cao su khi làm nhiệm vụ.

Khoảng hơn 20h tối 4/8, trên đường Hai Bà Trưng, TP Thái Bình, tổ công tác tiến hành dừng xe ô tô BKS 17A-033.8x do anh Bùi Ngọc D. (SN 1981, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Thái Bình) điều khiển. Anh D. được mời sát trùng tay, trước khi được đo nồng độ cồn. Kết quả, anh D. vi phạm mức 0,696 miligam/lít khí thở.

Với lỗi này, anh D. sẽ bị phạt tiền 40 triệu đồng và tước GPLX 24 tháng. Tiếp đó, đã có thêm một số trường hợp người điều khiển ô tô, xe máy khác cũng bị tổ công tác mời vào kiểm tra, đo nồng độ cồn và lập biên bản.

Tại Hà Nội, đêm 6/8, PV có mặt tại chốt kiểm tra của tổ công tác Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội được lập tại nút giao Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hai trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị CSGT phát hiện, xử lý.

Từ ngày 1/8 đến ngày 31/12, Phòng CSGT Đường bộ, Công an TP Cần Thơ mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn.

Tại Cần Thơ, 20h tối 8/8, PV Báo Giao thông theo chân tổ công tác Đội tuần tra - dẫn đoàn, Phòng CSGT Công an TP Cần Thơ, lập chốt tại nút giao Lê Lợi - Trần Văn Khéo. Ngoài lực lượng cố định tại chốt, tổ công tác còn phân công một số chiến sĩ tuần tra lưu động trên các tuyến đường lân cận, khi phát hiện người vi phạm thì mời về chốt để xử lý.

Đến khoảng 21h20, CSGT phát hiện một nhóm thanh niên điều khiển xe máy có biểu hiện nghi vấn nên dừng xe kiểm tra. Kết quả, nam thanh niên B.H.T. (SN 1997, trú tại Vĩnh Long) vi phạm nồng độ cồn mức 0,386mg/lít khí thở. Bị lập biên bản, người này dấm dúi đưa tiền cho CSGT nhưng đã bị các cán bộ chiến sĩ cảnh cáo, nhắc nhở.

Với lỗi này, T. sẽ bị phạt 4 triệu đồng. “Nhìn chung, so với trước đây thì vi phạm đã giảm khá nhiều, song vẫn có những người bất chấp mức phạt nặng và cố tình vi phạm”, một cán bộ trong tổ công tác nói và thông tin thêm, từ ngày 1/8 đến nay, CSGT toàn thành phố đã xử lý 73 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Ghi hình toàn bộ quá trình xử lý

Lý giải câu chuyện vì sao nhiều người bất chấp mức phạt nặng, cố tình điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia, Thượng úy Trần Đắc Sơn, cán bộ Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, cùng với việc CSGT ra quân kiểm tra, xử lý thường xuyên, ý thức của đa số người dân đã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, tình trạng nhiều người uống rượu bia lái xe lại có dấu hiệu gia tăng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lực lượng CGST triển khai cao điểm sẽ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh Covid-19, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác sử dụng thiết bị, hướng dẫn và đề nghị người bị kiểm tra tuân thủ...
Cụ thể, các cán bộ, chiến sỹ phải dùng khẩu trang y tế, găng tay y tế trong suốt ca công tác và sẽ bỏ đi sau khi hết ca. Với người tham gia giao thông, khi CSGT dừng xe kiểm tra nồng độ cồn không sử dụng phễu mà dùng ống thổi một lần”.
Trung tá Vũ Anh Điệp (Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT)


Theo Trung tá Vũ Anh Điệp, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT, Cục CSGT (Bộ Công an), vừa qua, Cục CSGT đã có văn bản chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc ra quân, thực hiện kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, kế hoạch này bắt đầu từ ngày 1/8 và kéo dài đến hết ngày 31/12/2020.

Trước đó, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường tổ chức tuần tra kiểm soát vào ban đêm để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, nhất là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.

Kết quả 5 ngày đầu (từ ngày 1 - 5/8) thực hiện kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát, CSGT toàn quốc đã phát hiện 1.412 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; 7 trường hợp bị phát hiện dương tính với ma túy.

Trong đó, đáng lo ngại có hơn 400 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (trên 0,4 miligam/1 lít khí thở) trong gần một tuần thực hiện kế hoạch.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Phòng CSGT Công an một số tỉnh, thành cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an và Cục CSGT, các đơn vị đã lên kế hoạch, phân công cụ thể tới từng cán bộ chiến sĩ. Nếu tiếp tục làm nghiêm, chắc chắn vi phạm nồng độ cồn sẽ không phức tạp như thời gian qua.

Trung tá Phạm Văn Kiểm, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Thái Bình thông tin, thực hiện kế hoạch này, các tổ công tác sẽ được trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, thiết bị nghiệp vụ... để kiểm tra mọi vi phạm giao thông, trong đó chú trọng kiểm tra nồng độ cồn và ma túy đối với tài xế.

Đặc biệt, trong thời điểm này, các cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ sử dụng thiết bị đo nồng độ cồn, test thử ma túy phải tuân thủ theo các hướng dẫn của ngành Y tế về phòng, chống dịch Covid-19….

Thượng tá Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau hơn một tuần thực hiện kế hoạch, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 842 phương tiện vi phạm, trong đó, vi phạm về nồng độ cồn là 27 trường hợp.

Tại TP HCM, Bình Thuận, Đồng Nai, lãnh đạo Phòng CSGT Công an các địa phương này cũng thông tin, đã tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch của Cục CSGT, bước đầu đạt được một số kết quả.

Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hải Phòng cho biết, trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm giao thông vào ban đêm, nhiều lái xe không tuân thủ, nhất là khi bị kiểm tra nồng độ cồn, khiến lực lượng chức năng phải rất vất vả tuyên truyền giải thích.

“Có nhiều trường hợp còn to tiếng, chống đối lực lượng chức năng… Tuy nhiên, tất cả đều được quay camera kết hợp tuyên truyền, giải thích để người vi phạm hiểu, chấp hành”, vị này cho hay.

Quá trình theo chân các tổ công tác tuần tra kiểm soát ban đêm, PV Báo Giao thông cũng ghi nhận, việc xử lý vi phạm có nhiều khó khăn như đêm tối, đường vắng, các xe thường chạy rất nhanh nên việc phát hiện, kiểm tra và xử lý đều khó khăn hơn khi làm nhiệm vụ vào ban ngày.

Được biết, để có chứng cứ rõ ràng giúp người vi phạm “tâm phục khẩu phục”, cũng là nhằm ngăn ngừa tiêu cực nếu có trong công tác tuần tra kiểm soát, trong đợt cao điểm này, toàn bộ quá trình lập biên bản, xử lý vi phạm đều được một CSGT trong tổ công tác ghi hình lại để làm bằng chứng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.