Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải
Trả lời đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) về định hướng đối ngoại cơ bản của nước ta, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối này với 3 trụ cột chính: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Chúng ta đã thu được nhiều kết quả quan trọng, ứng xử linh hoạt với những vấn đề quốc tế phức tạp.
"Đường lối đối ngoại của Việt Nam là không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải", Thủ tướng nhấn mạnh.
Tìm điểm cân bằng "cung đẩy, cầu kéo" để chống lạm phát
Trả lời đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) về mục tiêu tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 đưa ra khoảng 4,5% liệu có khả thi, Thủ tướng cho hay, Chính phủ luôn kiên trì mục tiêu nền tảng vĩ mô, trong đó có kiểm soát lạm phát.
Ông phân tích, lạm phát gồm hai nội hàm: cầu kéo và cung đẩy. Do đó, muốn chống lạm phát tức là phải giảm cầu kéo, tìm cung đẩy, nhất là cung đẩy từ bên ngoài cho hợp lý.
"Chúng ta phải tìm cân bằng giữa cung đẩy và cầu kéo sao cho phù hợp, nhưng cũng phải cân bằng với thúc đẩy phát triển. Lựa chọn mục tiêu thế nào để vừa thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát được lạm phát, đây là điểm cân bằng rất quan trọng", ông nói.
Quyền lực càng tập trung, càng có nguy cơ có tiêu cực
Tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, nguyên nhân căn bản khiến kết luận thanh tra chậm trễ thường liên quan đến phân công quyền lực trong hoạt động thanh tra. Quyền lực càng tập trung, càng có nguy cơ có tiêu cực.
"Vậy tại sao chúng ta lại trao cho Tổng thanh tra Chính phủ ở cấp Trung ương, và Thủ trưởng cơ quan thanh tra ở địa phương được quyền quyết định Đoàn thanh tra và tự mình ký kết luận thanh tra", đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn.
Theo ông Vân, cần phân công lại theo hướng thủ trưởng cơ quan thanh tra chỉ sử dụng quyền thủ trưởng để kiểm soát, đôn đốc làm đúng pháp luật. Còn Đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm và Trưởng Đoàn thanh tra phải ký kết luận thanh tra, chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này.
Thanh tra Chính phủ kết luận không sai phạm, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương lại phát hiện ra
Sáng 5/11, tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) cho biết, trong thời gian vừa qua, có một số vụ việc Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra thì kết luận không có khuyết điểm, sai phạm hoặc có chỉ là kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Nhưng khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra thì lại chỉ ra những sai phạm và phải chuyển qua xử lý hình sự.
"Vấn đề trên phải chăng là do pháp luật chưa đồng bộ, cách thực hiện pháp luật chưa đúng hay là có hay chăng việc tiêu cực trong quá trình thanh tra?", ông Sỹ đặt câu hỏi.
Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên trải thảm, dưới trải đinh", "làm ít sai ít'
Tại phiên chất vấn Thủ tướng, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) phản ánh, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng đã rất quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật, đáng trân trọng, nhiều cử tri cho rằng vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên trải thảm, dưới trải đinh"; vẫn còn tư tưởng làm ít sai ít.
Thị trường tài chính, bất động sản và tăng trưởng kinh tế là "3 chân kiềng "
Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho biết, thị trường tài chính, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế là 3 chân kiềng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong dự báo, thế giới có thể đang rơi vào nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận một loạt tồn tại trong thị trường bất động sản. Ông dự báo thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn, bởi nguồn cung quá thiếu và quá thừa so với nhu cầu; chính sách tín dụng thắt chặt; thiếu can thiệp kịp thời, hợp lý.
Tuy nhiên, ông bày tỏ lạc quan nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, nhưng vẫn còn nhiều cán bộ thanh tra mắc sai phạm
Tham gia chất vấn Tổng thanh tra Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, nhưng thời gian qua vẫn còn nhiều cán bộ thanh tra mắc sai phạm".
Đại biểu cho rằng cần có bộ quy tắc quy định về liêm chính để cán bộ thanh tra tuân thủ và tự bảo vệ mình. Và chất vấn: Thanh tra Chính phủ đã có những văn bản tương tự như vậy chưa, và nếu chưa có thì có định xây dựng trong tương lai hay không?
Dư luận nghi ngờ là có tiêu cực của đoàn thanh tra trước "giơ cao, đánh khẽ"
Đặt câu hỏi cho Tổng Thanh tra Chính phủ, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, thời gian qua, không ít đoàn thanh tra đã không phát hiện hoặc cố tình không phát hiện vi phạm. Sau đó có tố cáo, đoàn thanh tra thứ hai tái thanh tra thì lại phát hiện vi phạm.
"Dư luận nghi ngờ là có tiêu cực của đoàn thanh tra trước "giơ cao, đánh khẽ", có những vụ tiêu cực do báo chí phát hiện mà thanh tra không phát hiện, nhiều vụ lực lượng công an phát hiện, truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa có hoặc thanh tra kết luận không đến nơi đến chốn", ông Hòa nêu.
Treo quy hoạch bền vững làm cản trở sự phát triển của đất nước
Chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu thực trạng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch nhà nước về quy hoạch phát triển đô thị đã đạt được những bước tiến mới quan trọng. Tuy nhiên, các vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực này trên địa bàn cả nước vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nhiều nơi chất lượng quy hoạch không đảm bảo, đặc biệt là tình trạng quy hoạch nhiều năm không thực hiện hay còn gọi là quy hoạch treo và không ít nơi treo bền vững, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội, cản trở sự phát triển chung của đất nước, gây bức xúc trong dư luận và người dân...
Dân sửa nhà trong ngõ sâu thanh tra xây dựng vẫn nắm được, cao ốc vi phạm thì không ai hay
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (đoàn Bắc Kạn) băn khoăn liệu có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong thanh tra lĩnh vực xây dựng hay không.
Đại biểu nêu, cử tri phản ánh là có tình trạng người dân sửa chữa nhà cửa tận trong ngõ sâu nhưng mà thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí là các cao ốc ngay mặt đường vi phạm trật tự xây dựng nhưng các cơ quan chức năng cũng không phát hiện ra.
"Liệu có tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không?", cử tri băn khoăn.
Chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là dùng máy tính mà phải thay đổi tư duy
Tham gia giải trình làm rõ hơn một số vấn đề trong lĩnh vực Thông tin truyền thông, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là dùng máy tính, dùng công nghệ thông tin như từ trước đến nay chúng ta vẫn hay nói nữa.
Bây giờ đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau khẳng định chuyển đổi số là cần phải tiếp cận ở mức sẽ thay đổi toàn bộ tư duy, phương pháp, quy trình, mô hình quản lý nhà nước, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp đến phát triển của tất cả các tổ chức, các doanh nghiệp và của từng người dân…
Chúng ta xác định chuyển đổi số là 1 cơ hội đổi mới, cần sự quyết tâm rất lớn của người đứng đầu.
Không phải khen một chiều mới là hay, bởi vì thực tế thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc
Tranh luận với Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho rằng, nếu chỉ dụng biện pháp ngăn chặn thông tin, xử lý thì chẳng khác nào khi chống Covid-19 dừng ở mức đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa.
Giải pháp căn cơ nhất, theo đại biểu Nghĩa là "nâng cao sức đề kháng", giống như có “vắc xin đề kháng", tức là giúp người dân có đủ kiến thức, ý thức để không tin, không nghe thông tin xấu độc.
Phải có nhiều thông tin để công chúng có thể đọc, thông tin hay, phản biện nhưng mang tính tích cực cao. Phải khuyến khích các tờ báo đi thẳng vào các vấn đề nóng, với thái độ trách nhiệm không né tránh.
"Không phải khen một chiều mới là hay, bởi vì thực tế thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Hiện nay chúng ta có chế tài sau 3 tiếng phải gỡ thông tin độc hại, nhưng chỉ cần vài phút thì thông tin độc hại đã lan tỏa rất rộng rồi. Vì vậy quan trọng nhất là không uống thuốc độc ngay từ đầu, chứ uống rồi mới đi giải độc thì chúng ta chạy theo rất vất vả, đôi khi là PR cho những người vi phạm", đại biểu nhấn mạnh.
Không đủ nhân tài, đất nước rất khó phát triển
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, muốn thu hút nhân lực chất lượng cao cần có mức thu nhập tốt. Bên cạnh yếu tố thị trường, Đảng, Nhà nước cũng cần có thêm chính sách thu hút nguồn nhân lực và làm nhiều hơn nữa để có đủ nhân tài cho phát triển khoa học công nghệ.
"Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, nếu không đủ nhân tài, đất nước rất khó phát triển", Bộ trưởng Hùng nói.
Phải giữ lực lượng tinh hoa nhất trong bộ máy Nhà nước
Sáng 5/11, tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có trao đổi về vấn đề tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ trưởng Phớc cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai, K... xin thôi không thực hiện tự chủ toàn phần là hợp lý. Bởi từ tự chủ chi thường xuyên, khi có nguồn thu ổn định thì tự chủ toàn bộ, như vậy chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên, phục vụ người dân tốt hơn.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng Phớc cho rằng, cần giữ được những người giỏi để kiến tạo chính sách, xây dựng, hoạch định chiến lược và để có thể quản lý nhà nước một cách tốt nhất, thúc đẩy và làm nền tảng cho sự phát triển đất nước.
"Cơ chế cần thiết kế giữ được lực lượng tinh hoa nhất, tinh tuý nhất trong bộ máy nhà nước", ông nói.
Trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là "thuật dùng người", "quy luật trị quốc muôn đời"
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Nội vụ, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nhìn nhận: "trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là "thuật dùng người", "quy luật trị quốc muôn đời", và cho biết: Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm.
Từ đó, vị đại biểu đặt câu hỏi: Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ để biến chủ trương này thành các quy tắc xử sự chung với toàn bộ máy nhà nước?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận