Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, phát triển giao thông thuỷ nội địa sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho đường bộ, hàng không, giảm chi phí cho doanh nghiệp. |
Ngày 25/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp nghe Bộ GTVT báo cáo về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa điều chỉnh sẽ được thực hiện theo các tuyến hành lang vận tải thuỷ gắn với các hành lang vận tải hàng hoá. Mỗi hành lang vận tải thuỷ gồm các tuyến đường thuỷ nội địa chính và kết nối; hệ thống cảng, bến thuỷ nội địa; hệ thống khu neo đậu và các công trình phụ trợ khác.
Tại Miền Bắc sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thuỷ gồm Quảng Ninh – Hải phòng – Hà Nội; Hà Nội – Lào Cai; Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình; Và Hà Nội – Nam Định.
Sẽ quy hoạch 1 hành lang vận tải thuỷ phục vụ vận tải hàng hoá các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung từ Thanh Hoá đến Ninh Thuận và các tuyến kết nối chính.
Tại Miền Nam, sẽ quy hoạch 4 hành lang vận tải thuỷ gồm TP. Hồ Chí Minh – Cà Mau; TP. Hồ Chí Minh – An Giang; hành lang vận tải thuỷ kết nối với Campuchia (tuyến sông Mekong); hành lang vận tải thuỷ theo tuyến ven biển từ TP. HCM – Kiên Giang.
Đến năm 2030 và sau 2030, năm lực vận tải hàng hoá, hành khách của đường thuỷ nội địa sẽ tăng khoảng từ 1,5 đến 2 lần.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận nỗ lực của Bộ GTVT trong việc chủ động điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030 theo đúng yêu cầu của pháp luật về quy hoạch; bám sát thực tiễn cũng như đề xuất những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho giao thông đường thuỷ hiện nay.
Theo Phó Thủ tướng, là một quốc gia có nhiều sông lớn, đường bờ biển dài, giao thông thuỷ nội địa có vai trò rất lớn trong việc vận chuyển người, hàng hoá với chi phí hợp lý. Đặc biệt, nếu phát triển giao thông thuỷ nội địa sẽ giúp giảm áp lực rất lớn cho đường bộ, hàng không, giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá Việt Nam.
Tuy nhiên trong thời gian qua, giao thông thuỷ nội địa chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức, nhiều tuyến giao thông thuỷ chậm được nạo vét, tu bổ, thiếu kết nối với các loại hình giao thông khác, đặc biệt là đường bộ, đường sắt…
Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch để phê duyệt theo đúng quy định. Trong đó, cần làm rõ các số liệu về nhu cầu, năng lực vận tải, nhu cầu vốn đầu tư; đánh giá kỹ hiệu quả của các giải pháp nhằm tăng cường khả năng kết nối với các loại hình giao thông khác; giải pháp huy động nguồn lực từ xã hội cho phát triển giao thông thuỷ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận