Sáng nay (21/6), Cục Hàng hải VN tổ chức hội nghị hưởng ứng ngày thuyền viên thế giới năm 2019.
Theo ông Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN, Mông Cổ là một quốc gia không có biển, nhưng những năm gần đây liên tục gửi thư mong muốn hợp tác với ngành hàng hải Việt Nam kể cả vấn đề đào tạo nguồn nhân lực. Hay ở Malawi, một đất nước ở Đông Nam Phi không có biển nhưng họ đã tìm cách kết nối với biển thông qua Tanzania và Mozambique bằng con sông dài khoảng 400km để đến với biển, tham gia các công ước hàng hải quốc tế, trở thành thành viên của Tổ chức hàng hải quốc tế.
“Sự khát khao có cảng của một số nước cho thấy giá trị cực kỳ to lớn của biển cả. Việt Nam đang sở hữu một tài sản đáng quý với 3.260km bờ biển, hơn 1 triệu km2 mặt biển nhưng tiềm năng trên đó lại đang “ngủ quên”, chưa được khai thác hết. Người đánh thức tiềm năng ấy, không ai khác chính là nguồn nhân lực hàng hải”, ông Thu nói.
Ông Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải VN cho rằng, Nghị quyết số 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được ban hành tại Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành TW Đảng lần thứ XII đã nhấn mạnh sự quan trọng của nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế biển. Song, nghề đi biển đang thiếu đi sự hấp dẫn đối với thế hệ trẻ bởi mặc cảm phải xa gia đình, thường xuyên phải đương đầu với nguy hiểm, sóng gió.
"Tính đến tháng 6/2019, số lượng tàu biển treo cờ Việt Nam là gần 1.600 chiếc với khoảng 4 vạn thuyền viên có chứng chỉ khả năng chuyên môn. Lượng thuyền viên dù được đánh giá vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu đội tàu trong nước, nhưng thực tế, các chủ tàu rất khó khăn trong khâu tuyển dụng, số lượng thí sinh đăng ký ứng tuyển học nghề đi biển giảm từ hàng nghìn người xuống hàng chục người", ông Dương nói và cho biết, đất nước càng phát triển, nhu cầu về đội ngũ thuyền viên ngày càng cao.
Tuy nhiên, để có được thuyền viên chất lượng, công tác tuyên truyền cần phải được chú ý trước nhất. Trong đó, từ các cấp quản lý đến hiệp hội phải phối hợp tuyên truyền chuẩn chỉ cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ không hiểu lầm đi biển là nghề nguy hiểm mà là một nghề vinh quang, có thu nhập tốt.
Cũng theo ông Dương, thời gian tới, Trường Đại học hàng hải sẽ mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài ngành vận tải biển cấp học bổng nuôi dưỡng sinh viên ngay từ ban đầu để khuyến khích, tạo động lực thu hút người tài đến với nghề đi biển; Đồng thời, đề xuất với Chính phủ phải có chính sách dài hơn hơn nữa như: miễn học phí, đặt hàng các trường đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển đã đặt ra.
Thuyền trưởng Bùi Yến Linh (Công ty Vinic), người có 17 năm kinh nghiệm gắn bó với nghề đi biển thì cho rằng, bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực, công tác đào tạo thuyền viên cũng cần được đặc biệt chú trọng, giáo trình phải liên tục cập nhật được sự thay đổi của các công ước, điều luật quốc tế. Thuyền viên cũng cần liên tục trau dồi kiến thức, thuần thục tiếng anh để nhạy bén trong nắm bắt sự dịch chuyển của khoa học kỹ thuật hàng hải để vững tay nghề, tạo cơ sở tốt để công ty có được những hợp đồng tốt hơn, thu nhập của thuyền viên được nâng cao hơn.
Nhân sự kiện hưởng ứng ngày thuyền viên thế giới, trong khuôn khổ chương trình, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Bùi Thiên Thu cùng đoàn đại biểu đại diện ban, ngành, doanh nghiệp cũng đã đến thăm hỏi, chúc mừng thủy thủ, thuyền viên làm việc trên tàu tại cảng Đình Vũ và cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận