Ngày càng nhiều người dân, hành khách chọn buýt VIP giá bình dân bởi chất lượng dịch vụ, tiện ích - Ảnh: Quốc Nhựt |
Trước xu thế ngày càng có nhiều người dân, hành khách chọn các tuyến buýt trợ giá để đi lại thay thế xe cá nhân, Đà Nẵng đang nỗ lực mở rộng, kết nối liên hoàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, quy hoạch taxi… chủ động nhiều giải pháp quản lý giao thông đô thị, ngăn nạn kẹt xe.
Thu hút khách đi buýt VIP giá bình dân
Vừa lên xe buýt số 11 hướng siêu thị Lotte (Q. Cẩm Lệ) đến Xuân Diệu (Q. Hải Châu) - 1 trong 5 tuyến xe buýt trợ giá của Đà Nẵng, hành khách cảm nhận ngay không gian thoáng mát, sạch sẽ, điều hòa suốt tuyến và thái độ niềm nở của nhân viên. Không còn cảnh vắng khách như ngày đầu mới đưa vào khai thác cuối năm 2016, dọc hành trình, lượng hành khách lên xuống khu dân cư, địa điểm đông người như chợ Cồn, bệnh viện Mắt, siêu thị Lotte, đại học Đông Á… có xu hướng tăng. Bà Lê Thị Tâm (61 tuổi, P. Thạc Gián, Thanh Khê) cho biết: Đi xe rất thoải mái, giá rất rẻ, chỉ 5.000 đồng/lượt cho hành trình đến chợ Cồn. Nếu mua vé tháng mất có 90.000 đồng.
Đà Nẵng đã phê duyệt 3 đề án: Hoàn thiện mô hình quản lý vận tải công cộng; Hiện đại hóa Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng; Thí điểm phát triển dịch vụ xe đạp công cộng khu vực trung tâm TP Đà Nẵng. Theo đó, đến năm 2020 thành phố sẽ bố trí thí điểm 30 trạm cho thuê xe đạp công cộng với số lượng 360 xe đạp; Đến năm 2025 tương ứng là 67 trạm với 804 xe. Vị trí các trạm xe đạp được đề xuất có tính liên kết với các trạm chờ xe buýt nhằm đảm bảo phục vụ người dân tiếp cận dịch vụ xe buýt một cách thuận tiện, giảm thiểu việc sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân để di chuyển. |
Theo nữ nhân viên xe buýt số 11, cao điểm đầu giờ buổi sáng và cuối buổi chiều khi học sinh, sinh viên đến trường và tan học thường rất đông khách. Học sinh được giảm 50% nên ưu tiên chọn xe buýt.
Ông Đặng Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng nhận định: Người dân đang thay đổi, bỏ định kiến về xe buýt để đến với dòng xe buýt mới, chất lượng cao. Số lượt dùng xe buýt có xu hướng tăng dần theo thời gian vận hành. Thống kê, đến nay, 5 tuyến xe buýt trợ giá đã thực hiện gần 30.000 lượt xe, tổng số hành khách là gần 130.000 lượt (chưa kể khách đi vé tháng)…
Thời gian qua, TP triển khai hàng loạt giải pháp thu hút khách cho tuyến buýt trên địa bàn: Xây dựng trạm chờ xe buýt; Gửi thông tin các tuyến xe buýt mới đến hơn 30.000 thuê bao di động, 61.000 thuê bao zalo… Dự kiến, ngày 30/4 tới, Sở GTVT Đà Nẵng cùng Sở TT-TT triển khai ứng dụng xe buýt miễn phí trên smartphone, để cập nhật trạm xe buýt gần nhất, lộ trình xe và thời gian xe chạy xe.
Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng phân tích: Thực tế việc triển khai một số công trình giao thông trên tuyến khiến 4/5 tuyến xe buýt trợ giá phải điều chỉnh lộ trình. Trong khi đây là những tuyến đi vào khu vực trung tâm, đông dân cư, khu trung tâm hành chính Đà Nẵng - nơi có khoảng 1.600 công chức, viên chức đang làm việc nên chưa thực hiện được chủ trương vận động CBCC “gương mẫu” đi xe buýt. Khi công trình hoàn thành, tuyến buýt được khôi phục, cùng với sự đồng bộ hóa mạng lưới vận tải khách công cộng trên địa bàn, kỳ vọng phát huy hiệu quả tối đa.
Xem thêm video:
Phòng ngừa kẹt xe
Ông Trung cho hay: Theo quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, đến năm 2020, thành phố có 15 tuyến xe buýt thường. Ngoài 5 tuyến buýt trợ giá, Đà Nẵng đang tiếp tục nghiên cứu để đưa vào hoạt động các tuyến buýt trợ giá mới và đầu tư xe buýt tiêu chuẩn BRT, góp phần mở rộng mạng lưới liên hoàn, đáp ứng nhu cầu VTHKCC khối lượng lớn trên các trục tuyến từ khu vực sân bay đến các địa điểm du lịch lớn (Bà Nà, Hội An).
Cùng với xe buýt, từ năm 2007, Đà Nẵng chú trọng quy hoạch loại hình VTHKCC bằng xe taxi (điều chỉnh năm 2012) nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo thống kê, hiện Đà Nẵng có 1.700 xe taxi hoạt động, theo quy hoạch đến năm 2020 con số này lên 2.000 xe. Ông Bùi Thanh Thuận, Phó giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho hay: Đây là các giải pháp trọng tâm góp phần kiểm soát tốc độ gia tăng phương tiện xe cá nhân, giải quyết sớm tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe như đã xảy ra ở Hà Nội, TP HCM. Mới đây, câu chuyện Đà Nẵng từ chối chủ trương ứng dụng mô hình GrabCar và được Bộ GTVT thống nhất quan điểm, cho thấy giải pháp mạnh, tầm nhìn quản lý cho bài toán giao thông đô thị trên địa bàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận