Đoàn xe chở cát nhô cao khỏi thùng hàng nối đuôi chạy rầm rập trên đường Phạm Văn Đồng, khu vực quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội - Ảnh: K.Linh |
Nghị định 46/2016 của Chính phủ thay thế Nghị định 171 có hiệu lực từ ngày 1/8 tăng rất nặng mức xử phạt nhiều hành vi uy hiếp trực tiếp đến ATGT. Đáng lưu ý, hành vi vi phạm chở quá tải cao nhất tới 130 triệu đồng.
Chở quá tải có thể bị phạt tới 130 triệu đồng
Nghị định 46 quy định mức phạt tăng gấp đôi với cả hai hành vi chở hàng vượt tải trọng theo giấy chứng nhận đăng kiểm và chở hàng quá tải trọng cầu, đường với cả lái xe và chủ phương tiện. Ở tất cả các mức đều tăng từ 20-50%, 50-100%, thậm chí 100-150%.
Mức phạt cao nhất chở quá tải trên 150% theo giấy chứng nhận đăng kiểm, chủ xe là cá nhân sẽ bị phạt 18-20 triệu đồng; Chủ xe là tổ chức phạt 36-40 triệu đồng, lái xe bị phạt 8-12 triệu đồng. Tương tự, hành vi chở quá tải cầu đường, chủ xe là cá nhân bị phạt 28-32 triệu đồng, chủ xe là tổ chức bị phạt 56-64 triệu đồng, lái xe bị phạt 14-16 triệu đồng. Nghị định cũng quy định mức phạt từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe, thùng xe.
"Cơ quan quản lý Nhà nước không mong muốn xử phạt, việc tăng nặng mức phạt nhằm tăng tính răn đe, để doanh nghiệp, lái xe không dám chở quá tải nữa”. Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN |
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3-5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định. Theo Nghị định 171, hành vi này đối với lái xe chỉ bị xử phạt 7-8 triệu đồng, chủ xe là cá nhân chỉ phạt 16-18 triệu đồng, chủ xe là tổ chức chỉ phạt 32-36 triệu.
Với quy định xử phạt mới này, ông Trịnh Xuân Thủy, Chánh thanh tra Tổng cục Đường bộ VN tính toán, nếu một xe tải vừa vi phạm chở quá tải trên 150%, vừa vi phạm kích thước thành thùng, nếu lái xe và chủ xe là cá nhân mức phạt lên đến 90 triệu đồng, còn chủ xe là tổ chức mức phạt cao nhất lên đến trên 130 triệu đồng.
Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, Nghị định 46 đánh giá lại mức độ các hành vi vi phạm uy hiếp đến ATGT, đặc biệt là uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông như: Vi phạm nồng độ cồn, vừa gọi điện vừa lái xe, chở quá tải trọng cho phép...
“Đây là những đối tượng đang được hưởng lợi từ nhu cầu vận tải hàng hóa nên phải có trách nhiệm cao nhất trong bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, cũng như trật tự xã hội. Điều kiện kinh doanh vận tải đã được quy định chặt, họ đã tham gia kinh doanh vận tải, có hiểu biết về pháp luật nên chắc chắn lái, chủ xe biết xe mình được chở bao nhiêu tấn hàng. Nếu cố tình vi phạm, cần phải xử nghiêm để tạo niềm tin cho người dân. Đây là lý do khiến việc tăng nặng các chế tài xử phạt đối với các hành vi này được đa số người dân đồng thuận”, ông Hùng nói.
Xe chở vật liệu chạy rầm rập trên đê Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội) - Ảnh: K.Linh |
Doanh nghiệp sẽ không đủ sức “chung chi”
Sau hơn 2 năm thực hiện kiểm soát tải trọng xe, xe quá tải đã giảm trên 90%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận lái xe, chủ xe cố tình chống đối, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, móc nối với lực lượng “bảo kê” chung chi, bao che dẫn đến tiêu cực trên đường. Nghị định 46 nâng mức xử phạt cao cũng nhằm mục đích giáo dục, răn đe, loại bỏ tận gốc xe quá tải lưu thông trên đường.
Trao đổi với Báo Giao thông, một chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở Hà Nội (xin được giấu tên) cho rằng, việc tăng mức xử phạt sẽ tăng tính răn đe, doanh nghiệp, lái xe tự giác chấp hành, đưa vận tải hàng hóa vào nền nếp. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp này lo ngại, vấn đề kiểm soát việc xử phạt có nghiêm túc hay không. Với mức xử phạt cao, liệu có phát sinh tiêu cực, tạo cơ hội cho lực lượng khác trục lợi.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Trường Giang cho rằng, vấn đề là “người cầm cân nảy mực” làm nghiêm hay không, tuyến đường này làm chặt trong khi tuyến khác bỏ trống. “Chúng tôi không muốn chạy quá tải, chạy đúng tải sẽ rất nhàn. Nếu xử lý cương quyết, dứt điểm chúng tôi rất đồng tình”, ông Trung nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, 10% xe quá tải còn lại rơi vào các đối tượng cố tình không chấp hành và có lực lượng “bảo kê”. Việc nâng mức phạt sẽ làm công tác kiểm soát xe quá tải bền vững, có tính lan tỏa, đặc biệt sẽ giảm tình trạng chung chi, bao che.
“Với mức phạt lớn, bản thân người nhận cũng không dám chung chi. Khi đã nhận rồi mà không “bảo kê” được, rất dễ xảy ra “tố” lẫn nhau, lái xe, chủ doanh nghiệp sẽ “tố” lực lượng bao che vi phạm. Đó là chưa kể đến việc thoát được địa phương này nhưng sang địa phương khác sẽ bị bắt. Doanh nghiệp sẽ không đủ sức chung chi mãi”, ông Huyện khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận