Bạn cần biết

Phẫu thuật bướu cổ, khi nào thực sự cần?

06/04/2017, 13:44

Theo một chuyên gia đầu ngành về nội tiết, hiện nhiều cơ sở y tế đang lạm dụng chỉ định phẫu thuật...

43

Việt Nam hiện đang lạm dụng phẫu thuật u tuyến giáp lành tính

3 lần phẫu thuật, u bướu đâu hoàn đấy

Có mặt tại Bệnh viện (BV) ĐH Y Hà Nội để khám bướu tuyến giáp, chị Nguyễn Thanh D. (Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết, cách đây ít ngày, khi khám ở bệnh viện tuyến dưới, bác sĩ lại chỉ định nên phẫu thuật bướu tuyến giáp. Cũng theo lời chị D., trong 8 năm qua chị đã trải qua ba lần phẫu thuật, ở cả tuyến cơ sở và tuyến trung ương. Lo lắng nên chị tìm đến khám tại BV ĐH Y Hà Nội. “Lần này, khám tại đây, bác sĩ cho biết, tôi bị bướu nhân tuyến giáp tái phát, nhưng lành tính và chỉ cần điều trị nội khoa, không phải mổ. Mừng quá. Chứ lần nào phẫu thuật xong cũng hi vọng khỏi hẳn nhưng đâu lại hoàn đấy. Mỗi lần mổ, khó khăn kinh tế là một phần, nhưng cảm thấy thất vọng và mệt mỏi vô cùng”, chị D cho biết.

Tương tự, trường hợp bà Trần Thanh M. (Phủ Lý, Hà Nam), cũng từng hai lần phẫu thuật tuyến giáp nhưng giờ lại đối mặt với khối u tuyến giáp tái phát. Mới đây, tái khám tại BV Nội tiết T.Ư, bà tiếp tục được chỉ định phẫu thuật. Bà M. cho biết, cách đây 5 năm, khi thấy cổ to bất thường, bà đã tìm đến BV Nội tiết thăm khám. Sau khi siêu âm xác định bướu tuyến giáp, bác sĩ đã chỉ định phải phẫu thuật. Nhưng chỉ hai năm sau, bà lại tiếp tục phẫu thuật lần nữa khi bướu tuyến giáp tái phát. Sau mỗi lần phẫu thuật như vậy, cơ thể bà ngày một yếu hơn.

Chia sẻ về trường hợp của chị D., PGS. Tạ Văn Bình, chuyên khoa Nội tiết, BV ĐH Y Hà Nội cho biết, bệnh nhân chỉ bị bướu cổ thông thường, không cần thiết phải thực hiện phẫu thuật. “Đáng lo là hiện nay việc lạm dụng phẫu thuật tuyến giáp cho bệnh nhân khá phổ biến. Rất nhiều bệnh nhân khi đến khám với tôi đã từng phải trải qua phẫu thuật mà đúng ra chỉ cần điều trị nội khoa là ổn”, ông Bình cảnh báo.

Cứ u tuyến giáp là mổ (?)

Theo chia sẻ của PGS. Bình, ngày trước ở Mỹ, họ mổ rất nhiều cho bệnh nhân u tuyến giáp, tuy nhiên sau đó nhận thấy nhiều bất lợi sau phẫu thuật đối với bệnh nhân nên đã dừng lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây luôn lạm dụng việc này. “Bất cứ bệnh viện tuyến nào, cứ gặp bệnh nhân u tuyến giáp là chỉ định phẫu thuật cho dù đó là u lành, mà bỏ qua quá trình điều trị nội khoa”, ông Bình lo lắng cho biết.

Cũng theo ông Bình, khi phát hiện u tuyến giáp, bệnh nhân chỉ cần sinh thiết; Nếu kết quả lành tính thì bệnh nhân tuyệt nhiên không cần phẫu thuật mà chỉ cần theo dõi và điều trị nội khoa. “Ngay cả những trường hợp bệnh nhân có bướu đa nhân độc, cũng chỉ xét đến chỉ định phẫu thuật sau khi đã tiến hành điều trị nội khoa không khỏi, tái đi tái lại, cơ địa dị ứng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp và bướu quá lớn”, ông Bình nhấn mạnh.

Lý giải việc tại sao dù sau phẫu thuật, bệnh nhân vẫn có khả năng tái phát, PGS. Bình cho biết, do nhu cầu cơ thể đòi hỏi lượng hormone bù đắp, nên dù sau cắt, tuyến giáp phải tái tạo lại và sinh u tiếp. Hơn nữa, bản thân có các u nhân nhỏ khi phẫu thuật không tìm được sẽ mọc ra nên việc phẫu thuật không có giá trị.

“Chính vì điều này nên với bệnh nhân mắc u tuyến giáp lành tính thì không nên chỉ định phẫu thuật. Bởi, thêm một điều nữa, khi phẫu thuật u lành, cắt hết tuyến giáp, bệnh nhân phải sử dụng thuốc hormone tuyến giáp đến suốt đời. Việc dùng thuốc gây hệ lụy với nhiều biến chứng như loãng xương, gây thiếu máu cục bộ cơ tim đối với bệnh nhân mắc mạch vành khi có tuổi…”, ông Bình cho biết.

Ông Bình cũng nhấn mạnh: “Do hệ lụy sau phẫu thuật nhiều, nên sinh thiết cũng cần phải được thực hiện ở những cơ sở tin cậy về chuyên môn và cần có đối chiếu. Với những trường hợp u tuyến giáp nếu sinh thiết ác tính mới nên phẫu thuật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.