Ông Trần Văn On (người ngoài cùng từ phải vào) trong một lần họp mặt cùng Phi đội Quyết Thắng |
Những ngày đầu tháng 4/2015, chúng tôi tìm về ấp Bình An, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), thăm nơi ở của phi công Trần Văn On, một trong những người lái chiếc máy bay A-37 trong “Phi đội Quyết Thắng” với phi công Nguyễn Thành Trung ném bom Sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975.
Hàng binh được chọn vào Phi đội Quyết Thắng
Sau giải phóng Đà Nẵng, bộ độ ta tiến về giải phóng miền Nam thu nhiều chiến lợi phẩm. Trong đó có 6 máy bay ném bom A-37, đầy đủ đạn dược. Với khí thế hừng hực của quân giải phóng, ngày 19/4/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh chỉ đạo Quân chủng Phòng không-Không quân tham gia chiến dịch, mở thêm mặt trận trên không. Ngay lúc này, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân quyết định sử dụng phương án dùng số máy bay thu được của Mỹ, đánh bom vào Sài Gòn để gây bất ngờ đối với kẻ địch. Tuy nhiên, nhóm phi công lúc bấy giờ chỉ có Nguyễn Thành Trung từng lái máy bay Mỹ. Các phi công từ miền Bắc chỉ quen lái máy bay MiG của Liên Xô.
Nhờ ta làm công tác tư tưởng tốt nên trong nhóm hàng binh tại Đà Nẵng, có Trung úy Trần Văn On tỏ thái độ “giác ngộ” và chịu hợp tác. Phi công On được đào tạo bài bản ở Mỹ để lái máy bay A - 37. Ngay trong đêm 19/4, Trần Văn On và một số thợ máy vừa ra trình diện bắt tay ngay vào việc sửa chữa chiếc máy bay A-37 mà ta thu được ở Đà Nẵng. Đến chiều ngày 20/4, chiếc A-37 đã nổ máy và có thể cất cánh. Ngày 21/4, Quân chủng Phòng không-Không quân quyết định chọn Trần Văn On cùng Nguyễn Thành Trung huấn luyện một số phi công vừa từ Hà Nội vào, lái A-37.
Năm 2013, ông On được Trung tướng Trần Hanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam giới thiệu và trở thành Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tham gia sinh hoạt tại xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây đến ngày hôm nay. |
“Sau khi bay thử thành công, ngày 27/4/1975, các phi công chuyển vào Sân bay Phù Cát (Bình Định) tiếp tục tập luyện. Tại đây, cấp trên đã quyết định thành lập “Phi đội Quyết Thắng” để tiếp tục tiến công về phía Nam. Ngoài ông On ra còn có bốn phi công khác gồm: Anh Nguyễn Thành Trung, Từ Để, Mai Xuân Vượng và Hán Văn Quảng. Phi đội nhận năm máy bay A-37, mỗi chiếc được lắp bốn quả bom 500 kg, hai quả bom phá 250 kg và bốn thùng dầu phụ chuẩn bị cho chuyến bay xa.
Đúng 9h30 ngày 28/4/1975, cả phi đội rời Sân bay Phù Cát hạ cánh xuống Sân bay Thành Sơn (Phan Rang, Ninh Thuận). Tại đây chúng tôi mới nhận nhiệm vụ và mục tiêu tấn công là khu vực để máy bay chiến đấu, đường băng, kho bom đạn của không quân ngụy tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Lệnh của cấp trên là phải ném bom chính xác vào mục tiêu, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho nhân dân và hai đoàn đại biểu của ta trong Ủy ban Quân sự “bí mật” bên trong trại David đóng tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này anh Nguyễn Thành Trung thay mặt phi đội hứa với cấp trên sẽ thực hiện nghiêm mệnh lệnh, bảo đảm bí mật, bất ngờ, công kích mãnh liệt, chính xác, trở về an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và nhân dân giao phó”, ông On hồi tưởng…
Đúng 16h30 chiều 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng xuất kích và chập choạng tối đến Tân Sơn Nhất an toàn mà địch không hề biết. Từng dãy máy bay quân sự, dân sự, ôtô, nhà kho hiện rõ phía dưới. Phi công Nguyễn Thành Trung phát lệnh tấn công. Cả phi đội lần lượt cho máy bay bổ nhào nhằm vào khu đỗ máy bay quân sự, đường băng, kho xăng tấn công. Quá bất ngờ nên quân ngụy trở tay không kịp. Sau khi ném bom đúng mục tiêu, cả năm chiếc máy bay trở về Sân bay Thành Sơn an toàn. Trận đánh Sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975, tiêu diệt, phá hủy 24 chiếc máy bay các loại của địch.
Ngoài nhiệm vụ huấn luyện cho những phi công từ miền Bắc vào, ông On còn tham gia oanh tạc ở một số mặt trận khác mở đường cho bộ binh của ta tiến về Sài Gòn… Sau giải phóng, ông On và nhiều phi công khác được đưa về Sân bay Trà Nóc (Cần Thơ), tiếp tục tham gia chiến đấu trong chiến tranh biên giới Tây Nam.
Với sự cống hiến cho bộ đội ta, ông On được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất. Huân chương này hiện tại được ông treo trang trọng giữa nhà mang dòng chữ: “Đồng chí Trần Văn On đã có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước”.
Ông On và chiếc A-37 mô phỏng |
Phi công làm ruộng
Năm 1977, ông On xin ra quân trở về với vợ, con ở xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây tham gia dạy học bổ túc tại địa phương. Sau một thời gian làm “ông giáo làng” ông On nghỉ ở nhà làm nông. Do cuộc sống lúc bấy giờ khó khăn nên vợ ông cũng nghỉ nghề giáo viên, ở nhà cùng ông cày cấy bốn công ruộng, chăn nuôi heo, gà để nuôi 6 mặt con. Những ngày nông nhàn, ông On làm thuê đủ nghề kiếm tiền nuôi các con ăn học. Hiện 6 người con của ông đều có công ăn việc làm ổn định tại TP HCM, chỉ có người con trai thứ năm cùng làm ruộng với ông tại quê nhà.
Mân mê chiếc A-37 mô hình bằng nhôm nhỏ xíu mà đồng đội tặng làm kỷ niệm, ông On kể về quãng đường của mình: “Sau khi học xong tú tài, lệnh tổng động viên của chính quyền Sài Gòn năm 1968 buộc tôi dẹp bỏ giấc mơ kỹ sư cơ khí để nhập ngũ “. Sau đó tôi được chọn đi Mỹ 18 tháng để đào tạo lái máy bay. Quay về Việt Nam trong màu áo quân lực Việt Nam Cộng hòa, tôi chán chường khi phải tham gia cuộc chiến và chỉ mong nó kết thúc!”, ông On tâm sự.
Dẫn chúng tôi đi tham quan căn nhà cấp bốn, kiên cố, xinh xắn nằm giữa vườn dừa thoáng mát, ông On khoe: “Đây là thành quả lao động suốt mấy chục năm qua của vợ chồng tôi. Còn “tài sản” lớn nhất bây giờ là các con bởi 6 đứa con của tôi đều ngoan hiền, hiếu thảo và đều có công ăn việc làm ổn định…”.
Bốn công ruộng mà ông làm quần quật suốt ngày để có tiền nuôi các con ăn học, nay đã chia hết cho các con. Ngoài việc chăm sóc đàn gà thịt gần 200 con, hàng ngày vợ chồng ông chỉ quanh quẩn bên khu vườn gần hai công đất. Đặc biệt, là vườn dừa đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho vợ chống ông an hưởng tuổi già. Thời gian rảnh, ông làm thêm dịch vụ chăm sóc cây cảnh cho bà con quanh vùng.
Ông Trương Văn Phước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Hựu cho biết, ông On rất tích cực trong phong trào của hội như đóng góp tiền xây dựng quỹ đồng đội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, hỗ trợ người nghèo, vận động xây dựng đường giao thông nông thôn. Ông sống hòa đồng và được bà con xung quanh quý mến. Ông cũng là một trong những nông dân giỏi của địa phương…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận