Hộp đen của máy bay bị rơi của hãng hàng không Lion Air được tìm thấy còn khá nguyên vẹn |
Chiếc máy bay Lion Air đâm xuống biển Java khiến 189 người thiệt mạng đã gặp vấn đề về kỹ thuật sau khi cất cánh từ Denpasar ngày hôm trước.
Phi công lái chiếc máy bay từ Denpasar tới Jakarta chiều ngày 28/10 đã gọi khẩn cấp về trạm kiểm soát không lưu và yêu cầu trở lại sân bay sau khi cất cánh được 5 phút.
Theo ông Herson, người đứng đầu ban quản lý cảng hàng không khu vực Bali-Nusa Tenggara, sau cuộc gọi khẩn cấp, phi công thông báo lại với trạm kiểm soát không lưu rằng có thể khắc phục tình hình và tự tin máy bay có thể hoạt động bình thường.
Do vậy, máy bay đã không quay trở lại sân bay ở Bali như yêu cầu ban đầu.
“Phi công tự tin rằng có thể điều khiển an toàn chiếc máy bay từ Denpasar (Bali) đến Jakarta”, ông Herson nói.
(Video ghi lại cảnh thợ lặn tìm thấy một hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737 gặp nạn.)
Phi công của một máy bay khác đáp xuống sân bay Bali không lâu sau khi máy bay Lion Air cất cánh cho biết, ông được đề nghị cho máy bay bay lòng vòng trên không trước khi được hạ cánh, lúc này ông cũng nghe được toàn bộ cuộc trò chuyện qua radio giữa phi công Lion Air với trạm kiểm soát không lưu.
“Do có cuộc gọi Pan-Pan (để thông báo tình huống khẩn cấp của các phi công cho trạm không lưu) nên chúng tôi được lệnh cho máy bay lòng vòng bên trên. Máy bay Lion Air đề nghị trở lại sân bay Bali khoảng 5 phút sau khi cất cánh nhưng sau đó phi công nói rằng vấn đề đã được giải quyết và máy bay sẽ tiếp tục đến Jakarta”, phi công trên cho biết.
Chuyến bay từ Denpasar của hãng hàng không Lion Air sau đó đã hạ cánh tại sân bay của Jakarta lúc 10h 5 phút tối 28/10 (theo giờ địa phương).
Chuyến bay tiếp theo trên chiếc Boeing 737 Max này được cất cánh lúc 6h 20 phút sáng ngày hôm sau, hướng về đảo Bangka, ngoài khơi Sumatra và lao xuống biển 13 phút sau đó. Ngay trước vụ tai nạn, phi công điều khiến chuyến bay đó đã yêu cầu trở lại sân bay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận