Gần đây nhất, tại Nội Bài, cơ trưởng chuyến bay chở hàng mang số hiệu CV 6289 của Hãng hàng không Cargolux Airlines (Luxembourg) từ Bahrain đến Hà Nội đã báo cáo về việc bị chiếu tia laser vào buồng lái khi đang bay ở độ cao khoảng 2.000m. Ngay sau khi nhận thông tin, Sở chỉ huy khẩn nguy, Trung tâm điều hành sân bay Nội Bài đã thông báo cho Cảng vụ Hàng không miền Bắc và Phòng an ninh đối nội Công an Hà Nội điều tra làm rõ vụ việc.
Vào lúc 19h59 ngày 9/10, cơ trưởng chuyến bay VN1401 của Vietnam Airlines từ Đồng Hới đi TP.HCM cũng báo cáo bị tia laser từ sân golf chiếu lên buồng lái khi máy bay vào hạ cánh ở đường băng 25L của sân bay Tân Sơn Nhất.
2 ngày trước đó (7/10), lúc 18h03, chuyến bay VJ 168 của Vietjet từ TP.HCM đi Hà Nội cất cánh khỏi Tân Sơn Nhất gần 3km cũng bị tia laser chiếu thẳng vào buồng lái.
Theo Cục Hàng không, hành vi chiếu tia laser vào máy bay khi đang cất, hạ cánh làm ảnh hưởng tới thao tác của phi công, uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay, có thể gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe của phi công và hành khách trên chuyến bay. Tuy nhiên, thời gian qua việc phát hiện, xử lý hành vi trên khó khăn khi thiết bị chiếu tia laser loại nhỏ gọn như bút, đồ chơi của trẻ được bán nhiều nơi, người chiếu tia laser chỉ nhất thời, khó phát hiện để xử lý ngay.
Căn cứ Nghị định 162 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, hành vi sử dụng đèn laser ảnh hưởng đến việc máy bay cất cánh, hạ cánh, di chuyển tại sân bay bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Cục Hàng không Việt Nam từng kiến nghị cơ quan thẩm quyền đưa vào luật quy định người chiếu tia laser vào máy bay gây chết người hoặc tổn thương sức khỏe phi công có thể bị phạt tiền 30 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận