Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết máy bay trên thế giới phải tạm ngừng hoạt động trong khoảng thời gian vô định, đồng nghĩa hàng trăm nghìn phi công phải ngồi nhà. Lý thuyết là được nghỉ ngơi nhưng những phi công luôn phải trong tư thế sẵn sàng khoác đồng phục và lên đường khi đường bay được mở. Do đó, họ vẫn phải rèn kỹ năng, kiểm tra năng lực, cập nhật các quy định mới…
E ngại hết hạn giấy phép, chứng nhận năng lực
Ông Brian Strutton đến từ Hiệp hội Phi công British Airlines - đại diện cho lợi ích của các phi công nước Anh cho biết, phi công bắt buộc phải rèn luyện thường xuyên và đáp ứng quy định về khả năng sẵn sàng bay.
Trong đó, có quy định bắt buộc một phi công phải duy trì thực hiện thành công ít nhất 3 hoạt động cất và hạ cánh, 1 trong số đó dùng công nghệ hạ cánh tự động trong buồng lái trong thời gian 90 ngày.
Để đủ điều kiện bay, dù là thời gian ban ngày hay ban đêm, phi công thương mại cần có ít nhất 3 lần cất/ hạ cánh vào thời gian ban đêm trong vòng 90 ngày do thời gian ban đêm sẽ làm hạn chế tầm nhìn của người điều khiển. Ngoài ra, họ còn cần phải thực hiện nhiều bài kiểm tra thường niên khác như Kiểm tra đánh giá năng lực để duy trì giá trị bằng lái. Mỗi hãng hàng không cũng có thêm các yêu cầu đánh giá khác, chẳng hạn như Kiểm tra năng lực vận hành 6 tháng/1 lần.
“Hầu hết các hoạt động kiểm tra có thể được thực hiện trên buồng lái mô phỏng mức D”, ông Adam Twidell, phi công giàu kinh nghiệm, Giám đốc Điều hành (CEO) của PrivateFly, ứng dụng đặt máy bay theo yêu cầu cho biết. Các bộ mô hình này có độ phân giải cao nhất và cung cấp những phản ứng giống như khi đang điều khiển máy bay thật.
Trong khi đó, tại Anh và nhiều quốc gia khác, một số cơ sở cung cấp các bộ mô phỏng máy bay toàn diện và thật nhất lại đóng cửa. Chưa kể, các bài kiểm tra còn đòi hỏi phải có sự tham gia của các hướng dẫn viên, giám khảo và cơ phó.
Chi phí cho mỗi bộ mô phỏng cũng là vấn đề khiến các hãng hàng không đau đầu bởi mỗi giờ sử dụng có giá 300-400 USD, chưa tính đến nhân sự tham gia liên quan.
Ngoài ra, phi công còn phải đáp ứng các yêu cầu về đào tạo phòng cháy chữa cháy, thể hiện kỹ năng sơ tán hay đào tạo quản lý nhân lực để đánh giá mức độ hợp tác làm việc nhóm của các thành viên trong đội bay.
Nếu kết hợp sự phức tạp của tất cả các loại chứng chỉ mà một phi công phải duy trì trong trường hợp máy bay ngừng bay thời gian dài với thực tế đa phần trong 290.000 phi công phải tạm nghỉ ở nhà trong thời gian không xác định, mức độ của vấn đề mà các hãng bay đang đối mặt rõ ràng quá lớn.
Để giảm thiểu tối đa áp lực từ lo ngại quá hạn giấy phép y tế cũng như giấy chứng nhận năng lực, xếp hạng của phi công, các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đã mở rộng thời hạn phải xét duyệt, thi năng lực đối với ngành nghề này.
Tại châu Âu, Cơ quan An toàn Hàng không EU (EASA) đã mở rộng thời hạn đối với một số yêu cầu cụ thể trong điều kiện mỗi hãng hàng không phải nộp kế hoạch đào tạo phi công chi tiết để cơ quan này đánh giá. Nếu kế hoạch đáng tin cậy, EASA sẽ gia hạn.
Ở Mỹ, Trợ lý cố vấn về thực thi pháp luật của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ Naomi Tsuda cho biết, vì một số hoàn cảnh bất ngờ liên quan tới đại dịch, Cơ quan Quản lý hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ không thực hiện bất cứ động thái pháp lý nào đối với phi công trong trường hợp họ chưa thể tuân thủ các tiêu chuẩn gia hạn giấy phép y tế nếu giấy phép hết hạn từ khoảng thời gian 31/3 đến 30/6/2020.
“FAA sẽ đánh giá lại khi tình hình thay đổi và quyết định gia hạn hoặc thực hiện các động thái khác nếu cần để đối phó với thách thức liên quan tới đại dịch”, ông Tsuda cho biết trong Thông báo về Thực thi Chính sách của FAA.
Mai một kỹ năng
Tuy được tạo điều kiện nhưng với các phi công, tự rèn luyện kỹ năng và duy trì sự nhạy bén trong vận hành máy bay là việc bản thân họ phải luôn duy trì. Bởi nếu không bay hàng tháng trời, “bạn sẽ quên kỹ năng do không liên tục thực hành”, cô Karlene Petitt, phi công lái máy bay Boeing 777 tại Mỹ, từng tham gia viết sách về hàng không biết.
“Những phi công như chúng tôi phải duy trì thực hành nếu không muốn mai một kỹ năng. Sẽ thật tuyệt vời nếu các hãng có công cụ đào tạo trực tuyến từ đó phi công có thể tiếp tục mài giũa kỹ năng tại nhà chờ ngày được quay trở lại bầu trời. Bản thân các hãng hàng không cũng có khả năng theo dõi và quan sát xem phi công có thực sự sử dụng các công cụ đó hay không”, cô Karlene Petitt nói.
Trước đây, khi chưa có những công cụ trực tuyến, cô Petit từng có thời gian không cầm lái khoảng vài năm, cô phải tự tạo các tấm flashcards để tự ghi nhớ các quy trình trong buồng lái tại nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận