Phía sau làn sóng “tố giác, kết tội” trên facebook - Ảnh minh họa |
Hình như ở châu Âu chẳng mấy khi có “làn sóng tố giác và kết tội” hừng hực phẫn nộ trước những tiêu cực mà thực ra xã hội nào cũng có như ở mình? Phải chăng họ quá thờ ơ với các sự kiện nóng hổi đang xảy ra hàng ngày?
Ngay cả vụ khủng bố hồi tháng 3/2016 tại Thủ đô Bruxelles (Bỉ), ngoài những thông tin chính thức từ báo đài, trên các facebook cá nhân tràn ngập ảnh đại diện lồng màu quốc kỳ thể hiện sự đoàn kết và tiếc thương nhưng không nhiều lời bàn luận, phân tích mổ xẻ. Năm ngoái ở Bỉ, vùng Wallonie xảy ra vụ một bé gái đi bán kẹo tình nguyện cho trường bị một gã đàn ông lừa, dẫn đến chỗ vắng cưỡng dâm. Ai ai cũng biết tin, vì vụ việc như thế là rất nghiêm trọng trong xã hội vốn yên bình nơi đây. Trên mạng, phần lớn mọi người bình luận trong các trang báo chí, có ý kiến đề nghị các trường học nên bỏ cái lệ để trẻ em đi bán kẹo tình nguyện, dễ xảy ra những tình huống không an toàn cho trẻ. Nhưng không hề có “làn sóng share, like, comment” trên các trang facebook hay Twitter cá nhân.
Không, không phải họ thờ ơ đâu, nhiều người Bỉ nói với tôi họ có niềm tin vào pháp luật. Họ tin tưởng các cơ quan cảnh sát, tòa án đang tận lực điều tra để thực thi công lý. Họ tin tưởng Chính phủ sẽ làm hết khả năng để ngăn chặn khủng bố và vì xã hội đã phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng nghề nghiệp, nên việc của người dân là cứ bình tĩnh.
Những ngày qua, thời sự trong nước nóng bỏng với các vụ ấu dâm liên tiếp xảy ra ở nhiều vùng miền. Trong một số vụ việc, báo chí và nạn nhân nêu những chứng cứ khá rõ ràng nhưng cơ quan điều tra vẫn kéo dài, không kết luận nghi phạm bị tố cáo có tội hay không. Gia đình các nạn nhân tuyệt vọng gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Thậm chí, tại Cà Mau, một nữ sinh lớp 5 đã tự tử vì nghi bị xâm hại tình dục.
Bất bình, bất lực cộng với nỗi lo sợ cho chính bản thân con cháu mình chính là nguyên nhân xuất hiện làn sóng chia sẻ thông tin, bình luận, thậm chí “kết tội” và dọa “hành quyết” những nghi phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đã có những gương mặt, những cái tên được nêu đích danh trong cơn cuồng nộ của cộng đồng mạng. Và thực tế đã có mười mấy nghìn người ký tên chỉ trong có vài ngày cho một kiến nghị gửi lên Chính phủ... Cộng đồng đang cố gắng gây sức ép, đòi hỏi các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra các nghi phạm ấu dâm đã bị tố giác phải làm việc hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đã xuất hiện sự phân hóa trong cộng đồng mạng khi những ngày gần đây, một số người dùng mạng xã hội facebook gỡ bài viết, gỡ hình ảnh nghi phạm và kêu gọi “đừng kết tội thay cho quan tòa”.
Không ít người cảnh báo “cơn cuồng nộ” có thể “chưa cứu được ai đã giết oan người khác” khi hình ảnh, thông tin cá nhân, gia đình của những nghi phạm đang được chia sẻ kèm những dòng trạng thái đầy kích động.
Vì vậy, ngay bây giờ, việc các cơ quan pháp luật cần nhanh chóng thực hiện là đáp ứng đòi hỏi chính đáng của người dân, minh bạch điều tra và khởi tố, bắt giam kẻ có tội. Qua đó, cũng sẽ giúp minh oan cho người vô tội.
Phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng đôi khi nhiều cảm xúc hơn lý trí nhưng cũng cho thấy người dân đang mất niềm tin. Sự thiếu vắng pháp quyền đã buộc người dân phải huy động hết các cách dù là cả những cách không chuẩn mực để yêu cầu công lý. Và thực tế cho thấy, rất nhiều vụ việc phải đợi có chỉ thị của Thủ tướng, Chủ tịch nước thì cả hệ thống các cơ quan chức năng mới “khẩn trương vào cuộc”.
Từ Bruxelles, Bỉ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận