Quặn lòng vì lời đồn thổi
Đôi mắt bà Đỗ Thị Tĩnh (ở khu 4, xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) ngấn nước khi nhắc đến sự ra đi bất ngờ của cậu con trai duy nhất trong gia đình, chỉ sau 3 năm mất đi người chồng.
Từ ngày con mất, bà Tĩnh chưa bước chân ra khỏi nhà, thế nhưng những lời đồn thổi bà "bán tạng con nhận dăm tỷ" đã đến tai. Chuyện này xảy ra sau khi bà quyết định hiến một phần cơ thể của cậu con trai không may bị TNGT chết não.
"Xót xa lắm, nhưng tôi đã xác định đó là chuyện xã hội, mình làm theo đúng lương tâm của mình thì cứ vượt lên mà sống", bà Tĩnh nói.
Tai nạn đau lòng xảy ra cuối của năm 2023, khi con trai bà Tĩnh là Nguyễn Văn Giai (SN 1992) tạm nghỉ công việc tài xế công nghệ ở Hà Nội để về quê. Khi còn cách nhà vài kilomet, thanh niên này vĩnh viễn nằm xuống do tự ngã xuống đường.
Va chạm mạnh khiến Giai chấn thương sọ não nặng, hôn mê tại chỗ. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa bằng mọi cách nhưng cánh cửa hy vọng ngày một hẹp. Còn nước còn tát, các bác sĩ chuyển Giai về bệnh viện tuyến đầu về ngoại khoa. Nhưng sau ít ngày điều trị ở Hà Nội, cơ hội sống của Giai khép lại, với dấu hiệu của người chết não.
"Có nên hiến tạng của con để cứu người khác hay không?" là câu hỏi khiến bà Tĩnh suy nghĩ rất nhiều. Nhiều người cũng ý kiến ra, ý kiến vào với quan điểm "chết phải toàn thây" vì nạn nhân mất khi còn rất trẻ.
"Ban đầu tôi cũng xót, nghĩ rất nhiều, con chết não không sống được nữa nhưng nếu bộ phận cơ thể cho đi sẽ cứu người khác đang lay lắt sự sống chờ được ghép tim, thận, giác mạc… Làm được điều đó, phần cơ thể con vẫn ở quanh mình.
Giờ mọi chuyện cũng đã xong xuôi, tôi yên tâm vì con mình ra đi nhưng cứu được nhiều người, nên dù đau buồn vẫn có phần tự hào về con", bà Tĩnh chia sẻ.
Giúp ích cho người, cho đời
Cú ngã xe, va vào cột biển báo tối muộn ngày 26/12/2023 khiến chàng trai trẻ Nguyễn Thành Trung (SN 1999, trú tại xóm Khe Mo 2, xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) chấn thương sọ não.
Nhắc lại chuyện đau lòng, đôi mắt ông Nguyễn Xuân Khu thêm trũng sâu, nói với giọng đầy day dứt: "Trung trẻ quá, mới có người yêu, còn chưa kịp lập gia đình".
Khi được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, các bác sĩ thông báo không thể can thiệp phẫu thuật được. Thấy con hôn mê từ khi ngã, không có bất kỳ biểu hiện sống nào, ông Khu biết Trung chấn thương rất nặng.
Cũng như Giai, trường hợp của Trung nhận được tư vấn từ các bác sĩ về việc chuyển lên Bệnh viện Việt Đức để cứu chữa. Nếu điều không may mắn xảy ra, gia đình nếu muốn cứu người thì có thể hiến tặng mô tạng.
Trước khi quyết định điều quan trọng đó, ông Khu đã hỏi ý kiến người thân trong gia đình và cũng có vài ý kiến không đồng tình. "Chúng tôi phải đấu tranh tư tưởng để đi đến quyết định cứu người. Con không ở với mình nhưng có cơ duyên gửi gắm trong cơ thể người khác. Con mình vẫn sống và nhiều người khác cũng được hồi sinh, để nay mai này sẽ có nhiều em Trung… ", ông Khu chia sẻ.
Sau đó, ông Khu được biết trái tim của Trung tiếp tục đập trong lồng ngực của một bé gái và nhiều bộ phận khác vẫn sống trong cơ thể của người khác.
Lan tỏa hơn những hành động nhân văn
Trong lễ tri ân gia đình hiến tạng người thân bị chết não để cứu các bệnh nhân khác, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam chia sẻ, nguồn tạng hiến từ người chết não chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong khi danh sách chờ ghép tạng ngày càng dài.
"Cần lan tỏa hơn nữa những quyết định nhân văn như của gia đình ông Khu, bà Tĩnh. Hành động ý nghĩa đó sẽ giúp thay đổi nhận thức cộng đồng về hiến tạng từ người chết não, giúp nhiều bệnh nhân chờ được hiến tạng có cơ hội được duy trì sự sống", bà Tiến nói.
Chia sẻ thêm về thực trạng hiến ghép tạng tại Việt Nam, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho hay, trong số 25 trung tâm ghép tạng trên toàn quốc chỉ có 5 bệnh viện thực hiện ghép tạng thường xuyên mỗi tuần. Đa phần các cơ sở khác chưa thực hiện được thường xuyên vì thiếu nguồn tạng hiến tặng, nhất là từ nguồn những người cho chết não.
Tại Việt Nam, mỗi ngày có 36 người chết vì thiếu nguồn tạng để ghép. Vì vậy, việc phát triển bền vững nguồn hiến tạng từ người cho chết não là rất cần thiết.
Ông Hệ cho biết, có rất nhiều lý do, từ văn hóa, quan niệm của người dân khiến việc đăng ký hiến tạng từ người chết não còn hạn chế.
Để đẩy mạnh việc truyền thông vận động hiến tặng mô tạng, cơ quan chức năng không chỉ thực hiện tại cộng đồng, mà còn tư vấn, vận động ngay ở bệnh viện. Hiện nay, chương trình truyền thông tại bệnh viện đã thu được kết quả khá tốt, khi số lượng gia đình đồng ý hiến tạng người thân chết não đã tăng 300%.
"Một điều đặc biệt cần lưu ý là thành tựu trong ghép tạng phải được gắn chặt với đóng góp, nghĩa cử cao cả của những người hiến tạng. Cần vinh danh và tri ân những nghĩa cử này và hy vọng nó sẽ được lan tỏa trong cộng đồng và xã hội", ông Hệ chia sẻ.
Theo các bác sĩ, nguồn tạng hiến của bệnh nhân Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Văn Giai đã hồi sinh sự sống cho nhiều người. Trong đó, có 2 bệnh nhân được ghép tim, 2 bệnh nhân được ghép gan, 4 bệnh nhân được ghép thận, nhiều người tìm thấy ánh sáng nhờ ghép giác mạc. Nhiều mô, gân được gửi lại ngân hàng tạng chờ cơ hội cứu những người bệnh khác.
Việt Nam hiện đã làm chủ được kỹ thuật ghép các loại tạng, với khoảng 7.500 ca ghép thành công. Trong số này, chỉ có 6% từ người cho chết não, còn lại hơn 90% từ người cho sống.
Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã xây dựng được danh sách trên 70.000 người đăng ký hiến tạng sau khi chết hoặc chết não, tuy nhiên đây vẫn là con số khiêm tốn trong tổng số 100 triệu người Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận