Những bữa ăn ấy khiến chúng tôi nhớ mãi vì không phải lúc nào, không phải ai cũng được thưởng thức món ngon các miền ngay trên tàu hỏa.(Ảnh minh họa) |
Trưa tháng năm, mới chớm hè nắng đã gay gắt, không khí ngột ngạt, oi nồng. Ngồi trên toa cung ứng phục vụ ăn uống của đoàn tàu SE xuôi Nam có máy lạnh hẳn hoi mà mồ hôi cứ rịn ra. Ấy là vì cái nóng phả ra từ hai bếp ga công nghiệp đang đỏ lửa cho bữa trưa của hành khách. Anh đầu bếp chỉnh tề như đang trong cuộc thi “Vua đầu bếp”: Nào mũ trắng, nào đồng phục, nào tạp dề, găng tay theo quy định của đơn vị.
Nhưng trong lớp trang phục ấy, anh đang phải “đứng tấn” trên khoang bếp hẹp lắc lư, dập dình theo bánh con tàu mà xào, mà nấu chảo nhỏ, chảo to. Còn những nhân viên khác thì tất bật chuẩn bị khay, cốc, chia suất ăn. Anh Quân, tổ trưởng tổ phục vụ ăn uống cho biết, vất vả thế nhưng doanh thu không đáng kể vì lượng khách đặt ăn trên tàu thấp.
Bác Đễ, cựu chiến binh, nhà ở Đội Cấn, Hà Nội bảo: “Lâu lắm mới đi tàu hỏa, tôi thấy ngành Đường sắt đổi mới nhiều quá. Trên tàu sạch sẽ, tiện nghi hơn; thức ăn nấu cũng rất ngon nhưng giá hơi cao”. Còn anh Vinh, công tác ở Khánh Hòa cho biết: “Tôi quê Hải Dương nên hàng năm đều đi lại giữa Nha Trang - Hà Nội. Đi tàu nhiều nhưng tôi thích mua đồ ăn dưới ga hơn, giá cả phải chăng, lại được thưởng thức món ăn địa phương”.
Ý kiến của anh Vinh khiến tôi nhớ những lần cơ quan tổ chức đi nghỉ mát cho gia đình CBCNV bằng tàu hỏa. Chuyến đi xa, thường chúng tôi không đặt suất ăn mà đặt cơm món và bao giờ cũng có sản vật địa phương, khi thì bê thui Huế, khi thì gà trộn Diêu Trì… Những bữa ăn ấy khiến chúng tôi nhớ mãi vì không phải lúc nào, không phải ai cũng được thưởng thức món ngon các miền ngay trên tàu hỏa. Bữa cơm được phục vụ chu đáo tại toa, đầy đủ như ở nhà hàng. Chỉ có điều nhân viên phục vụ ăn uống vất vả hơn vì phải đi lại hàng chục mét giữa các toa tàu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận