Hồ sơ tài liệu

Phiên dịch Việt Nam kể chuyện an ninh G7

28/05/2016, 08:08

Câu chuyện của phiên dịch Lê Vũ Khánh trong quá trình làm việc tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng.

An ninh duoc that chat

An ninh được siết chặt trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, với hơn 70.000 cảnh sát túc trực.

Nơi tổ chức hẻo lánh và thanh bình

Chúng tôi, những người phiên dịch của Việt Nam được Ban Tổ chức phía Nhật Bản thông qua một đơn vị chuyên tổ chức sự kiện của Nhật Bản mời dịch cho Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, tổ chức tại Ise Shima, Nhật Bản đã đến từ trước khi Hội nghị diễn ra hơn một ngày. Do phía Việt Nam có cử đoàn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, tham gia Hội nghị này, nên phía bạn mới yêu cầu chúng tôi làm phiên dịch cabin.   

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là Hội nghị thượng đỉnh này lại được tổ chức ở một địa điểm, như một vùng quê, khá hẻo lánh của Nhật Bản với dân cư thưa thớt, không có những con phố lớn, cửa hàng, cửa hiệu với khách hàng tấp nập như ở các thành phố Tokyo hay Nagoya mà chúng tôi đã được biết.

Tuy nhiên ngay ở nơi đây, các bạn Nhật vẫn có được hệ thống những cơ sở hạ tầng để có thể tổ chức một Hội nghị lớn cỡ này, với những đại biểu tham gia là những nhà lãnh đạo của những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức vv... , những tổ chức chính trị và kinh tế của khu vực và toàn cầu như Liên Hiệp Quốc, EU, OECD, WB, IMF, ADB vv..cùng các nhà Lãnh đạo của Nhà nước và Chính phủ của các nước khách mời như Việt Nam, Lào, Indonesia, Srilanka, Bangladesh, Chad.

Mới được chứng kiến công tác bảo đảm an ninh của Việt Nam cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barrack Obama, thì nay lại được chứng kiến cách người Nhật bảo vệ an ninh cho tất cả các nhà Lãnh đạo hàng đầu của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh có nguy cơ khủng bố toàn cầu. Phải chăng cũng vì lý do đó mà nước chủ nhà Nhật Bản đã chọn vùng quê hẻo lánh, nhưng rất thanh bình, vắng vẻ này để tổ chức Hội nghị, thay vì tại những thành phố lớn.

Obama

Tổng thống Mỹ Obama cởi áo khoác trong buổi làm việc với các nguyên thủ G7 khác

30 phút đợi đèn đỏ, dù không có xe

Khách sạn mà Ban Tổ chức bố trí cho chúng tôi ở gần như nằm ở giữa rừng, hay nói đúng hơn, toàn bộ cả vùng này đều có rừng bao phủ. Ngay từ buổi chiều ngày 25/5, khi mới tới khách sạn, chúng tôi đã thấy lực lượng cảnh sát Nhật Bản phong tỏa tất cả mọi con đường. Trên các tuyến đường đều có cảnh sát tuần phòng, canh trực suốt ngày. Các điểm giao cắt giao thông đều có xe cảnh sát bố trí và họ chặn đường rất lâu để cho các đoàn khách đi qua mà không bị cản trở.

Chợt nhớ đến cảnh người dân Hà Nội vượt trước đầu hay xe xúc chen ngang vào đoàn xe của Tổng thống Mỹ mà giật mình. Ngay xe của đoàn phiên dịch chúng tôi cũng phải đợi tới hơn 30 phút mới có thể qua được một ngã tư, dù rằng chẳng có xe nào chạy qua nữa cả. Các phương tiện hầu như đều phải đi theo đường khác.

Sáng 27/5, dù rằng mãi tới 9h45 mới bắt dầu vào phiên họp đầu tiên, nhưng ngay từ 6h sáng, chúng tôi đã phải có mặt ở sảnh khách sạn nơi mình ở để lên xe đi sang khu vực tổ chức Hội nghị, cách đó khoảng 1km, để kịp qua tất cả các khâu kiểm tra an ninh, 2 lần đổi xe, có mặt trước giờ và sẵn sàng phục vụ. Đồ ăn sáng cũng như ăn trưa của phiên dịch được Ban Tổ chức phục vụ tại chỗ mà phiên dịch không phải ra hay không thể ra ngoài ăn được.

Đã từng phục vụ nhiều Hội nghị Quốc tế, cả ở trong và ngoài nước, nhưng đây là lần đầu tiên, tôi được chứng kiến và trải qua những bước kiểm tra an ninh nghiêm ngặt như tại Hội nghị này. Chúng tôi được phát thẻ ra vào, nhưng cũng phải 2 lần xuất trình, quẹt thẻ kiểm tra bằng thiết bị điện tử, qua mấy cổng kiểm tra an ninh thì mới vào được đến khu vực phòng họp, chưa kể phải thường xuyên đeo thẻ vì nếu quên là không thể vào lại được cabin của mình.

Lực lượng cảnh sát và bảo vệ rất đông, phương tiện huy động rất lớn. Dù phải làm việc rất căng thẳng vì phải bảo đảm an ninh cho rất nhiều yếu nhân cùng lúc như vậy, nhưng lực lượng cảnh sát và bảo vệ của Nhật Bản cũng rất thân thiện và hòa nhã. Không thấy vẻ hầm hố, quá nghiêm nghị như thường thấy ở các nơi khác. Họ rất nguyên tắc, nhưng vẫn luôn cúi đầu và mỉm cười chào các đại biểu và cả chúng tôi, những người phiên dịch từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để phục vụ Hội nghị.

Thật ấn tượng với cách bảo đảm an ninh của Hội nghị này.

Viết từ Ise Shima, Nhật Bản, ngay sau khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.