Thời sự Quốc tế

Phiên họp Quốc hội có giúp ông Trump “lật ngược thế cờ”?

06/01/2021, 05:57

Quốc hội Mỹ chính thức mở phiên họp toàn thể, hoàn thiện nốt thủ tục bầu cử cuối cùng, với hy vọng sớm khép lại cuộc bầu cử đầy tranh cãi.

img

Quốc hội Mỹ sẽ chứng thực kết quả phiếu bầu của đại cử tri theo từng bang. Trước đó, ông Joe Biden giành được 306 phiếu đại cử tri, còn ông Donald Trump nhận 232 phiếu

Hôm nay (6/1), theo giờ Việt Nam, Quốc hội Mỹ chính thức mở phiên họp toàn thể, hoàn thiện nốt thủ tục bầu cử cuối cùng, với hy vọng sớm khép lại cuộc bầu cử đầy tranh cãi, nghi hoặc kéo dài suốt thời gian qua. Nhưng theo nhận định của giới quan sát, vẫn có khả năng Quốc hội Mỹ rơi vào bế tắc và khó có thể kết thúc trong ngày.

Phản đối nhưng thiếu bằng chứng xác thực

Thông thường, trong các cuộc bầu cử khác, phiên họp toàn thể của Quốc hội Hoa Kỳ, với sự tham gia của Nghị sĩ đến từ Thượng viện và Hạ viện để kiểm lại phiếu đại cử tri, chỉ là thủ tục mang tính hình thức, ít người để ý.

Nhưng năm nay, đây lại là sự kiện nóng, đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho cuộc bầu cử vì Tổng thống Mỹ Donald Trump kiên quyết thách thức chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đến cùng.

Ít nhất 12 Nghị sĩ đảng Cộng hòa (GOP) ở Thượng viện Mỹ và hàng trăm Nghị sĩ tại Hạ viện tuyên bố sẽ bác bỏ chiến thắng của ông Biden vì cáo buộc bầu cử có sai phạm.

Theo thông lệ, kết quả phiếu bầu đại cử tri được công bố theo từng bang. Lúc đó, Nghị sĩ có thể đứng lên phản đối vì bất cứ lý do gì nhưng theo nguyên tắc phản đối từng bang chứ không phải toàn bộ phiếu bầu toàn quốc.

Người chủ trì cuộc họp (lần này là Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence) hoàn toàn có thể gạt khiếu nại trên nếu không được chuẩn bị thành văn bản và có ít nhất chữ ký của một thành viên Thượng viện và Hạ viện.

Khi đề nghị được trình lên đúng quy định, ông Pence sẽ yêu cầu dừng kiểm phiếu. Hai viện chuyển sang một phiên họp riêng để giải quyết bất đồng. Nếu nhận thấy sai phạm thực sự, các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu để quyết định có chấp nhận phiếu của bang bị khiếu nại hay không. Trong trường hợp không thấy sai phạm, Nghị sĩ hai viện sẽ quay trở lại tiếp tục kiểm phiếu.

Lần gần đây nhất một diễn biến tương tự xảy ra vào năm 2005 khi nữ Nghị sĩ đại diện bang Ohio Stephanie Tubbs Jones và Thượng Nghị sĩ đại diện bang California Barbara Boxer đều đến từ đảng Dân chủ, bác bỏ kết quả bầu đại cử tri tại Ohio vì nghi ngờ có vi phạm bầu cử. Cả hai viện phải dừng họp để tranh luận nhưng cuối cùng bác bỏ đề nghị này.

Đối chiếu quy trình trên với cuộc bầu cử Mỹ lần này, nhiều chuyên gia, thậm chí cả các Nghị sĩ cùng đảng Cộng hòa đều cho rằng, những nỗ lực phản đối chỉ là vô ích. Vì đến thời điểm hiện tại, từ Tổng thống cho đến các Nghị sĩ, chưa có ai đưa ra được bằng chứng xác thực chứng minh sai phạm trong quá trình bỏ phiếu.

Rất nhiều chính trị gia, điển hình là Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins, đại diện bang Maine chỉ ra, thực tế trong hàng chục vụ kiện mà chính quyền Mỹ thực hiện đến nay, không có vụ kiện nào đưa ra được bằng chứng đáng tin cậy chỉ ra sai phạm, đủ mạnh để làm thay đổi kết quả bầu cử. “Theo góc nhìn của tôi, cuộc bầu cử đã xong, Tòa án đã tuyên. Chính quyền Tổng thống Trump đã được trao đủ cơ hội để theo đuổi những thách thức pháp lý. Đây là lúc để bước tiếp”, ông nói.

Đảng Cộng hòa chia rẽ, sẽ rất ê chề nếu thất bại

Kế hoạch phản bác của các Nghị sĩ Cộng hòa cũng vấp phải sự phản đối từ ngay trong nội bộ đảng. Bởi một khi các Nghị sĩ GOP đẩy sự kiện lên đến mức rùm beng nhưng không đưa ra được bằng chứng thuyết phục, chính đảng Cộng hòa sẽ phải chịu thua một cách ê chề.

Trong đó, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney, đại diện bang Uttah cho rằng: “Âm mưu phản đối kết quả bầu cử có thể củng cố tham vọng chính trị của một số người nhưng lại đe doạ nghiêm trọng tới nền Cộng hòa Dân chủ. Quyền bác bỏ phiếu đại cử tri tại Quốc hội chỉ dành cho những trường hợp cực kỳ bất thường và nghiêm trọng. Tình hình hiện tại còn xa mới đến mức đó”.

Trong một thông báo khác, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Lisa Murkowski kêu gọi Quốc hội nhanh chóng chứng nhận phiếu đại cử tri mà không cần phải trì hoãn vì những phản đối như vậy.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, thuộc đảng Cộng hòa, Mitch McConnell khẳng định rõ ràng thái độ phản đối can thiệp kết quả bầu cử. Ông McConnell đã gọi riêng cho các Thượng Nghị sĩ cùng đảng, đề nghị không tham gia vào bất cứ động thái phản đối nào tại Quốc hội.

Kể cả trong trường hợp Nghị sĩ từ hai viện đưa được bằng chứng thuyết phục và bác bỏ thành công kết quả bầu đại cử tri tại một bang như Georgia thì ông Biden cũng chỉ mất khoảng 16 phiếu của bang này và vẫn nắm trong tay 290 phiếu - đủ để vượt ngưỡng tối thiểu 270 phiếu để trở thành Tổng thống Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.