Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Ảnh: Chinhphu.vn
Kỳ họp 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIV đã kết thúc, với việc xem xét, kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt Nhà nước và một số chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước.
Có một điều đáng chú ý là tất cả các trường hợp nhân sự được đưa ra để Quốc hội xem xét bầu, phê chuẩn đều đạt được số phiếu tán thành rất cao.
Như trường hợp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều nhận được 100% số phiếu tán thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính gần 97%. Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số ĐBQH, chuyên gia tổ chức cán bộ xung quanh vấn đề này.
Ông Lưu Bình Nhưỡng (Phó trưởng Ban Dân nguyện):
Nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng
Ông Lưu Bình Nhưỡng
Từ trước đến nay, công tác nhân sự luôn được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, thậm chí là trong rất nhiều năm. Chúng ta có quá trình quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xem xét cẩn trọng.
Và lần này cũng vậy, chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt. Chuẩn bị ở đây không chỉ là chuẩn bị sắp xếp cán bộ thông thường mà quan trọng nhất là về chính trị và tư tưởng. Khi tư tưởng chính trị đã thông thì mới có thể đồng thuận.
Vấn đề thứ hai không kém phần quan trọng là những đồng chí được Trung ương lựa chọn rất phù hợp. Chẳng hạn như với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi còn làm Thủ tướng Chính phủ, ông đã đạt được những thành công được ghi nhận, với phong thái hoà nhã, gần gũi, thân thiện trong đối ngoại, đối nội. Vì thế, việc đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch nước, với vai trò mới là nguyên thủ quốc gia rất phù hợp.
Cũng như vậy, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính vốn là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, là người chịu trách nhiệm tham mưu cho Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ.
Ông cũng có bề dày thành tích khi đã lãnh đạo thành công, đổi mới và tạo được những đột phá, xây dựng một mô hình quản lý hành chính tiêu biểu ở địa phương. Tôi tin ông chắc chắn sẽ phát huy năng lực khi đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ.
Bởi vậy cũng dễ hiểu khi các đồng chí đều nhận được số phiếu tán thành rất cao, thậm chí gần như tuyệt đối. Với niềm tin của các ĐBQH trao gửi, đó chính là hành trang để các đồng chí phấn đấu hoàn thành chức trách vì Đảng, vì Dân.
Trong phát biểu nghị trường, tôi có đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ khóa tới, trong đó có nội dung thu hút lao động trình độ cao, trọng dụng nhân tài.
Bản thân Thủ tướng là người làm công tác tổ chức cán bộ nên ông sẽ hiểu rõ giá trị của lao động trình độ cao và đặc biệt là nhân tài. Đây là một trong 3 đột phá chiến lược. Chúng ta có đủ khả năng để thu hút nhân tài, quan trọng là cách thức thế nào.
Ông Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):
Đồng thuận đến từ thực tế công việc
Ông Lê Thanh Vân trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội
Có thể nói, Quốc hội đã tiến hành công tác kiện toàn nhân sự hết sức suôn sẻ.
Về tỷ lệ bỏ phiếu bầu cho các chức danh lãnh đạo cao cấp nhất của Nhà nước như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khá tập trung, gần như tuyệt đối.
Điều này xuất phát từ lý do các đồng chí được bầu đã có quá trình công tác, đảm nhiệm các nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Những thành quả đạt được của họ dẫn đến sự đồng thuận trong Quốc hội rất cao.
Thứ hai, những thông tin trong quá trình công tác của các đồng chí, từ những người trưởng thành từ địa phương, khi lãnh đạo địa phương đạt thành tựu trên mọi mặt cũng là thông tin thực chứng cho ĐBQH. Chẳng hạn như tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là người thành công trong xây dựng mô hình phát triển ở Quảng Ninh.
Hay tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đảm nhiệm vị trí người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn. Đồng chí Vương Đình Huệ cũng từng trải qua các vị trí chủ chốt, từng là Phó Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Các nhân sự của Chính phủ do Thủ tướng đề nghị Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm cũng đều có số phiếu tương đối cao. Tuy nhiên, một số nhân sự dành được tỷ lệ phiếu thuận không cao lắm, có thể do bằng chứng họ sẽ đảm đương tốt nhiệm vụ ở cương vị đó chưa diễn ra, mới nằm ở tiềm năng, ở kỳ vọng. Tôi muốn nói rằng, đánh giá cán bộ phải dựa trên thực chứng. Chỉ thực chứng mới đánh giá sát được cán bộ.
Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã chèo lái khá tài tình để giữ ổn định phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn phải lường trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 để có ứng phó kịp thời.
Thứ hai, việc cải cách bộ máy hành chính đã thực hiện nhiều nhiệm kỳ nhưng chưa thành công. Thách thức thứ ba là việc nâng cao chất lượng hiệu quả của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đây là khó khăn, thách thức mà Chính phủ mới phải có lựa chọn đột phá, ưu tiên. Tôi kỳ vọng bộ máy Chính phủ mới sẽ làm được điều này.
Ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương):
Kết quả của việc đổi mới công tác cán bộ
Ông Nguyễn Đức Hà
Có thể nói việc bầu các chức danh chủ chốt Nhà nước ở Quốc hội lần này so với trước đây khác hẳn về số phiếu tập trung. Tất cả đều đạt trên 90% số phiếu tán thành của các ĐBQH là một con số cao và chưa từng có.
Kết quả đó thể hiện chúng ta đã làm rất kỹ lưỡng, chặt chẽ và dân chủ trong công tác nhân sự. Công việc này chúng ta đã làm kỹ lưỡng từ trước Đại hội XIII, đến Đại hội XIII thì tiếp tục tuyển chọn, sàng lọc để trình ra Quốc hội những nhân sự đủ đức, đủ tài để Quốc hội tiếp tục lựa chọn và sàng lọc.
Trong nhiệm kỳ vừa qua chúng ta có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ, đây cả là quá trình từ hoàn thiện thể chế cho đến đổi mới quy trình, cách đánh giá, vấn đề dân chủ, công khai, minh bạch... Tin tưởng rằng với những con người đã được tuyển chọn kỹ lưỡng như vậy thì các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp sẽ hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà chúng ta đặt ra ở nhiệm kỳ tới.
Ông Vũ Quốc Hùng (nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương):
Công tác nhân sự bài bản
Ông Vũ Quốc Hùng
Các nhân sự lãnh đạo chủ chốt Nhà nước được Quốc hội bầu lần này đều nhận được số phiếu tán thành rất cao, như khi bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì tỷ lệ phiếu tán thành đều gần 100%. Điều này thể hiện tính thống nhất, đồng thuận cao trong việc đánh giá, lựa chọn và quyết định của các ĐBQH.
Thành công này cho thấy công tác nhân sự được chúng ta thực hiện bài bản, thận trọng và kỹ lưỡng. Những người được lựa chọn để bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước và các thành viên Chính phủ đều là những người tiêu biểu nhất trong những người tiêu biểu, rất xứng đáng.
Tôi tin tưởng rằng, những cán bộ này sẽ giúp cho đất nước phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Thời điểm hiện tại đất nước đang đứng trước cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không ít trên con đường phát triển.
Chính vì vậy các thành viên Chính phủ và Quốc hội cần phải nỗ lực, phấn đấu như tinh thần của Đại hội XIII của Đảng ta đã đề ra, đó là những người lãnh đạo cần phải thể hiện trách nhiệm trong công việc, mẫu mực về đạo đức lối sống, từ đó hết lòng phụng sự Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.
Từ kinh nghiệm của việc kiện toàn nhân sự lần này, tới đây, việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự trong các cơ quan Nhà nước cũng cần căn cứ vào đó để học hỏi, giúp cho công tác cán bộ thực chất, lựa chọn được những người thật sự xứng đáng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận