PPhilippines muốn biến căn cứ không quân cũ của Mỹ tại nước này thành thành phố xanh với đường sắt, sân bay quốc tế, giảm tải cho Thủ đô Manila. |
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng để giảm tải cho Thủ đô Manila thoát khỏi danh sách thành phố “giao thông tồi tệ nhất trái đất”.
Biến căn cứ không quân thành sân bay
Thủ đô Manila đang đối mặt với tình trạng giao thông đông đúc và tắc nghẽn vì mọi nguồn lực đều co cụm, thiếu kết nối lan tỏa tới các khu vực xung quanh, theo Bloomberg. 5 năm qua, Thủ đô Manila có thêm 450.000 phương tiện (trong đó, xe máy chiếm 60%, ô tô chiếm 17%, còn lại là các phương tiện khác) nhưng rất ít dự án hạ tầng được xây mới, nâng cấp.
Tính đến đầu năm 2016, khoảng 2,35 triệu phương tiện “tranh giành” không gian đường phố chật hẹp tại Thủ đô Manila với mật độ 3.677 phương tiện/km2, cao hơn Singapore, Tokyo và New York. Hạ tầng không đáp ứng nhu cầu khiến Manila rơi vào nhóm 10 thành phố có “giao thông tồi tệ nhất trên trái đất” theo khảo sát và thống kê năm 2015 của Chỉ số hài lòng tài xế toàn cầu. Riêng năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Kinh tế Philippines Arsenio Balisacan ước tính tình trạng tắc đường kinh hoàng của Manila khiến kinh tế nước này thiệt hại ít nhất 3 tỷ peso (64 triệu USD)/ngày. Không riêng đường bộ, sân bay quốc tế Ninoy Aquino (NAIA) của Manila cũng đối mặt vấn đề tắc nghẽn khi phải phục vụ 34 triệu lượt khách trong khi công suất thiết kế tối đa là 28 triệu lượt.
Để phân chia, mở rộng nguồn lực, giảm tải cho Thủ đô Manila, mới đây, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ưu tiên dành ngân sách để “chuyển đổi chức năng” căn cứ quân sự không quân Clark từng được Mỹ sử dụng thành “Thành phố xanh Clark” rộng 9.450ha với kết nối hạ tầng linh hoạt tới Thủ đô. Trong đó, Chính phủ ông Duterte quyết định đầu tư xây dựng sân bay, đường sắt trị giá ít nhất 1 tỷ USD tạo kết nối giao thông linh hoạt cho TP Clark, Bloomberg cho biết.
Thời hoàng kim của hạ tầng
Philippines mời thầu để đầu tư khoảng 15 tỷ peso (khoảng 730 triệu USD) vào xây dựng nhà ga sân bay cho TP Clark. Nhà ga quốc tế mới sẽ tăng cường năng lực của sân bay Clark hiện tại lên gấp đôi, có thể phục vụ 8 triệu lượt khách/năm trong giai đoạn đầu. Tiếp đó, Chính phủ cũng xây dựng nhà chứa máy bay mới, sân bay Clark hiện tại sẽ được chuyển đổi thành nhà ga VIP. Chính quyền ông Duterte hy vọng, sau khi hoàn thành kết nối giao thông tới sân bay Clark, chuyển bớt các chuyến bay nội địa từ NAIA về sân bay này, cửa ngõ quốc tế của Thủ đô sẽ bớt tắc nghẽn. Một vấn đề giới chức Philippines đang mắc kẹt là lựa chọn phương án đường sắt cao tốc hay đường bộ để kết nối sân bay Clark với Thủ đô, theo Bloomberg.
Ngoài cải tạo sân bay, giới chức đang xúc tiến mời các nhà đầu tư (chủ yếu từ Trung Quốc) để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông khác của "Thành phố xanh Clark" như đường sắt chở hàng trị giá khoảng 700 triệu USD, kết nối Clark tới khu vực ven biển Subic phía Tây Bắc Manila - khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng tiện ích, công nghệ thông tin. Với siêu dự án hạ tầng này, Giám đốc điều hành Cơ quan phát triển và Cải tạo cơ bản (BDCA) Vince Dizon khẳng định: “Chúng tôi muốn cộng đồng đầu tư hiểu rằng, Chính phủ Philippines không chỉ đấu tranh với tội phạm và thuốc phiện. Chúng tôi còn rất quan tâm tới việc xây dựng”. Ngay từ khi nhậm chức hồi tháng 6, ông Rodrigo Duterte lập tức công bố kế hoạch chi tiêu khoảng 150,5 tỷ USD để cải thiện hạ tầng. Các chuyên gia đánh giá, 6 năm tới, dưới nhiệm kỳ của ông Duterte chính là “thời kỳ hoàng kim của hạ tầng công cộng”.
Kế hoạch cải tạo căn cứ quân sự Clark được “ấp ủ” từ thời cựu Tổng thống Benigno Aquino nhưng do chính sách "thắt lưng buộc bụng" nên Chính phủ mất khá nhiều thời gian để nghiên cứu tính khả thi và loay hoay tìm nguồn vốn. Nếu dưới thời ông Aquino, chính quyền dự định để các công ty tư nhân thực hiện các dự án hạ tầng, chính quyền Tổng thống Duterte cân nhắc chọn phương án gây quỹ hạ tầng nhờ những khoản vay giá rẻ, cho phép các công ty tư nhân điều hành theo hợp đồng.
Giới chức Philippines mong muốn Chính phủ sẽ quyết định kế hoạch xây sân bay và đường ray cùng các kế hoạch hạ tầng đồ sộ khác phục vụ cải tạo Clark trong nửa đầu năm 2017, tiến tới hoàn thành xây dựng gần hết các dự án trong đầu năm 2019, ông Vince Dizon cho biết.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận