Hồ sơ tài liệu

Philippines chi hơn 500 triệu USD cho khí tài quân sự 2016

14/01/2016, 13:10

Hơn 500 triệu USD là khoản ngân sách Hạ viện Philippines đã thông qua cho các khí tài quân sự nước này năm 2016.

may-bay-philip
Đây được xem là khoản chi "mạnh tay" kỷ lục của Philippines cho kế hoạch hiện đại hóa quân đội. (Ảnh: Philstar)

Cụ thể, 25 tỉ Peso (tương đương 528 triệu USD) sẽ được chi cho các chiến đấu cơ, radar trên không, tàu khu trục, máy bay tuần tra tầm xa và nâng cấp căn cứ quân sự của quốc đảo Đông Nam Á.

The STAR dẫn lời đại diện Bộ Quốc phòng Philippines Fernado Manalo, khoản ngân sách hơn 500 triệu USD nói trên là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng vũ trang nước này có tổng trị giá 83,9 tỉ Peso (tương đương gần 1,8 tỉ USD) đã được Tổng thống Aquino phê duyệt.

Trong đó, 18,9 tỉ Peso (tương đương gần 400 triệu USD) được chi cho việc mua 12 máy bay huấn luyện chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang.

Hôm 28/11 vừa qua, 2 chiếc máy bay cuối cùng trong hợp đồng nói trên đã được công ty Hàn Quốc bàn giao cho phía Philippines.

Ngoài ra, chính phủ Philippines cũng tuyên bố chi khoảng 2,68 tỉ Peso (khoảng gần 57 triệu USD) cho các hợp đồng mua radar – nhằm tăng cường khả năng giám sát của quân đội nước này ở Biển Đông.

15,5 tỉ Peso (khoảng 330 triệu USD) sẽ được đầu tư cho 2 tàu khu trục mua của Mỹ trên Biển Đông, nhằm tăng cường hiện diện an ninh và ứng phó với thiên tai.

Năm 2014, Philippines dành 9 tỉ Peso (190 triệu USD) cho chương trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang, năm 2015, con số này là 10 tỉ Peso (211 triệu USD), theo ông Manalo. Như vậy, ngân sách nhằm hiện đại hóa lực lượng vũ trang Philippines năm 2016 ở mức cao kỷ lục.

Động thái gia tăng ngân sách trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn. Hôm qua (13/1), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines – ông Charles Jose cho biết, Manila vừa chính thức trao công hàm phản đối các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc tới một đường băng do Bắc Kinh mới xây dựng trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Manila cũng phản đối những “hành động khiêu khích hạn chế quyền tự do hàng hảihàng không” của Bắc Kinh trên vùng Biển Đông.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, những căng thẳng Biển Đông chính là một yếu tố khiến nhiều quốc gia trong khu vực (trong đó có Philippines) ưu tiên chính sách hiện đại hóa quân đội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.