Hai tàu sân bay John C. Stennis và Ronald Reagan của Mỹ tại biển Đông ngày 18/6 tham gia các hoạt động chung với Philippines |
Tuần trước, tạp chí Foreign Policy có bài phân tích hậu phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện chủ quyền biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc; Đồng thời cũng dẫn từ lịch sử cách để chiến thắng trên biển…
Từ lịch sử La Mã
Sau khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết cuối cùng về Vụ kiện biển Đông hôm 12/7, đầu tháng 8, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố, nước này đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến tranh” trên biển. Thế nhưng, điều đáng nói là cách Trung Quốc cố gắng đi ngược lại luật pháp quốc tế chỉ toàn bằng những “số liệu tưởng tượng”, Foreign Policy nhận định.
Sử gia Hy Lạp Plutarch đã ghi lại câu chuyện “Người trì hoãn” (The Delayer) nổi tiếng thời La Mã. Sau những chiến thắng vang dội, Quintus Fabius được La Mã trao quyền để ngăn bước tiến bất bại của đội quân hùng mạnh Carthage do Hannibal lãnh đạo. Fabius thực hiện kế hoãn binh bằng cách từ chối đánh một trận quyết định với Hannibal.
Nhờ đó, ông có thể huy động nguồn lực kịp thời và đầy đủ cho La Mã, để có thể đủ sức chống lại đội quân Carthage. Fabius chỉ huy chiến dịch kiểu “du kích” nhằm làm suy yếu dần quân Carthage, đồng thời tránh mọi trận đánh trực diện. Nhờ vậy, dù Fabius thất bại nhưng Hannibal không bao giờ đánh chiếm được Rome và nhờ kế sách này, Fabius được phong danh hiệu “Người trì hoãn”.
Bài học mà Fabius mang lại về cơ bản là: (1): Kỷ luật tự giác, chế ngự sự tự tôn riêng để chiến thắng nhanh chóng. (2) Giữ liên minh mạnh mẽ và sung sức. (3) Có tính toán tương lai, duy trì đoàn kết cho một cuộc chiến lâu dài. (4) Kiên nhẫn và làm cho kẻ thù cạn kiệt sự sục sôi theo thời gian.
Đến tranh chấp biển Đông
Nếu biết được câu chuyện Manila thắng Bắc Kinh trong vụ kiện biển Đông, hẳn Fabius sẽ mỉm cười mãn nguyện. Đó chính là cách mà ông đã chọn khi đối đầu với một đội quân hùng mạnh mà ông biết, không bao giờ quân của ông có thể tương xứng về mặt sức mạnh.
Điều đó có nghĩa, Manila không thể ngăn cản một Trung Quốc “khổng lồ” thông qua thuyết phục ngoại giao hay chế ngự Trung Quốc bằng kinh tế, sức mạnh quân sự. Manila đã dùng Tòa án và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) để bác bỏ những yêu sách phi lý của Bắc Kinh trên biển Đông, trong đó có cả Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Về phần mình, Trung Quốc dùng cái gọi là “Sự đã rồi” - “chủ quyền không thể chối cãi” để làm chỗ dựa cho những yêu sách phi lý của mình. Logic phía sau lập trường của Bắc Kinh thực ra rất đơn giản: Những chiến binh “xa lạ” chiến đấu ở một vùng đất xa xôi sẽ bất lợi rõ rệt so với các chiến binh chiến đấu trên sân nhà, trong mọi cuộc chiến. Trung Quốc muốn ngăn cản một quốc gia như Mỹ - cách xa biển Đông về mặt địa lý, không muốn đến gần các đồng minh ở Đông Nam Á nếu một cuộc chiến giả định xảy ra.
Chưa hết, khi Tòa án quốc tế ra phán quyết rằng, không có cơ sở pháp lý đối với cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vạch ra trên biển Đông, Bắc Kinh phản ứng bằng cách từ chối tham gia tố tụng, bác bỏ phán quyết, đưa máy bay ném bom tới bãi cạn Scarborough, nơi tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc. Đối mặt với các hành động “cố tình leo thang căng thẳng”, “không khoan nhượng” của Trung Quốc, có lẽ các nhà lãnh đạo Philippines lại cần phải quay lại với bài học của “Người trì hoãn Fabius”.
Cụ thể, Manila cần phải kiểm soát nhiều hơn câu chuyện phán quyết, sử dụng các phương tiện truyền thông, tâm lý, quy phạm pháp luật để tìm kiếm sự ủng hộ giống như Bắc Kinh đã và đang làm 24/7/365, theo Foreign Policy. Manila cũng cần phải cho dư luận thấy được những gì Trung Quốc đang làm và nhắc nhở các cường quốc châu Á về việc họ sẽ được gì nếu Bắc Kinh đạt được ý đồ ở biển Đông.
Thêm nữa, giống như Fabius từng được Rome “chống lưng”, Hải quân Philippines cũng cần tới sự trợ giúp của đồng minh Mỹ cho công tác phòng thủ. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ASEAN cũng có thể đồng thuận ủng hộ Philippines.
Cuối cùng, bài học từ Fabius dạy cho Philippines hiểu rằng, hãy kéo dài cuộc “đấu tranh” chủ quyền với Bắc Kinh cho đến khi sự nhiệt tình của Trung Quốc giảm xuống. Điều này đòi hỏi sự kiên trì, bởi không dễ gì mà các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh lại có thể từ bỏ mục tiêu của mình.
>>> Xem thêm video 27 thị trưởng ở Philippines ra đầu thú vì sợ bị bắn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận