Tắc đường tại Philippines nằm trong Top tồi tệ nhất thế giới |
Chính phủ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn Quốc hội thông qua quyền lực khẩn cấp để giải quyết triệt để nạn tắc đường. Song, kế hoạch thông qua liên tiếp trì hoãn và bị chỉ trích là thiếu cụ thể, không đem lại hiệu quả.
Quyền lực khẩn cấp để giảm tắc đường
Tắc đường tại Thủ đô Manila của Philippines nằm trong Top 10 thành phố tồi tệ nhất thế giới. Vấn nạn này khiến Philippines thiệt hại kinh tế lên tới 16 tỷ USD/năm chưa kể tác động ô nhiễm môi trường do động cơ xe thải ra khi tắc đường hàng giờ đồng hồ.
Để giải quyết, Tổng thống Duterte đề xuất lên Quốc hội dự thảo luật để trao các quyền khẩn cấp, có thể bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Arthur Tugade thay mặt ông Duterte trong một số trường hợp thực hiện quyền đặc biệt tương đương Tổng thống để tham gia vào các kế hoạch giao thông. Với quyền hạn này, người thừa hưởng quyền khẩn cấp có thể tham gia vào các kế hoạch đường bộ của Chính phủ địa phương, thúc đẩy các dự án hệ thống đường sắt nhẹ tồn đọng, tái hệ thống các nút giao thông và xây dựng cầu qua đường. Đồng thời, luật cho phép thành lập một cơ quan độc lập để giám sát tình hình giao thông Thủ đô và các khu vực đô thị khác. Mục tiêu cuối cùng của quyền khẩn cấp này là giải quyết ách tắc tại ba thành phố có giao thông tồi tệ nhất thế giới của Philippines (Manila, Cebu, Davao). Tuy nhiên, chưa rõ nguồn vốn nào được cấp để thực hiện các dự án này.
Dự thảo quyền khẩn cấp đã và đang được Ủy ban Hạ viện về Giao thông của Philippines nghiên cứu từ đầu tháng 11, dự kiến sẽ được thông qua vào đầu tháng 12, trước khi mùa Giáng sinh tới nhưng nhiều lần bị trì hoãn. Mới đây, Hạ viện một lần nữa tuyên bố không thể thông qua đề xuất này đúng hạn.
Chủ tịch Hạ viện Pantaleon Alvarez cho biết, Hạ viện tiếp tục phải trì hoãn, không thể thông qua kế hoạch trên và đổ lỗi cho Bộ Giao thông. Theo Chủ tịch Hạ viện, giới chức Bộ Giao thông không nêu rõ, cụ thể các dự án họ dự định thực hiện, loại thẩm quyền khẩn cấp họ cần để triển khai các dự án giao thông và các phương pháp giảm tắc nghẽn giao thông. “Chúng tôi cần kế hoạch chi tiết để biết họ dự định làm gì và họ cần quyền lực khẩn cấp như thế nào”, Chủ tịch Hạ viện nói.
“Rất khó để thông qua đạo luật này nếu Bộ Giao thông không hợp tác. Vấn đề không phải ở Hạ viện mà ở Bộ Giao thông. Chúng tôi yêu cầu giới chức Bộ Giao thông thông tin về những gì họ đã hoàn thành, kế hoạch tương lai. Nhưng họ không nói gì. Chúng tôi không thể cấp quyền đặc biệt khi không biết quyền đó sẽ được sử dụng như thế nào và ở đâu”, ông Alvarez nói. Sau tuyên bố, Chủ tịch Hạ viện Philippines chưa đưa ra mốc thời gian có thể thông qua luật này.
Có nên cấp quyền khẩn cấp?
Trong khi dự thảo luật nhiều lần bị trì hoãn, nhiều ý kiến phản đối và lo ngại về loại quyền đặc biệt này. Bản thân Chủ tịch Hạ viện Alvarez cho rằng, vấn đề giao thông quan trọng nhất là đường bộ có thể được giải quyết hiệu quả mà không cần các quyền lực đặc biệt.
Chẳng hạn, các biện pháp như xóa bỏ tình trạng xe đỗ bừa bãi, gây cản trở giao thông; Mở tuyến đường nhánh; Thực thi nghiêm ngặt quy định giao thông; Tái tổ chức các cơ quan giao thông, giao thông đường bộ; Cắt giảm thủ tục rườm rà... hoàn toàn là những việc có thể thực hiện góp phần giảm ách tắc giao thông mà không cần quyền khẩn cấp. “Khi nghiên cứu đề xuất, chúng tôi nhận thấy, phần lớn các dự án cần quyền lực đặc biệt đều nằm trong quyền hạn sẵn có mà các quan chức giao thông có thể giải quyết”, ông Alvarez nói.
Tương tự, Nghị sĩ Ralph Recto cho rằng, với tình hình trên, “dù có trao cho Bộ Giao thông quyền khẩn cấp để thúc đẩy thực hiện thì cũng không lấy đâu ra vốn để thi công”.
Đáp lại, lãnh đạo đa số Thượng viện Ralph Recto, Thứ trưởng Bộ Giao thông Jerry de Guzman cho rằng nhiều dự án đường sắt, hàng không, hàng hải và đường bộ nằm trong danh sách cần quyền đặc biệt mà Bộ Giao thông trình lên là các dự án không nằm trong phân bổ ngân sách quốc gia dành cho giao thông năm 2017 (trị giá 3,35 nghìn tỷ peso, tương đương 67 tỷ USD) hoặc chưa nghiên cứu tính khả thi hay kế hoạch thiết kế. Tổng giá trị các dự án nằm trong kế hoạch cần quyền khẩn cấp trị giá 26 tỷ USD, trong khi số kế hoạch đã nằm trong dự kiến ngân sách được chi chỉ có 784 triệu USD.
Thứ trưởng Jerry de Guzman cũng hy vọng, với quyền lực đặc biệt, Quốc hội sẽ thông qua ngân sách bổ sung cho các dự án chưa có vốn.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận