Phản ứng tích cực của khán giả
PGS.TS Lê Dục Tú, cán bộ lão thành của Viện Văn học, người sống và am hiểu Hà Nội nhận xét, sau khi xem bộ phim: "Đào, phở và piano" - Bộ phim bi tráng về một Hà Nội lãng mạn hào hoa mà bi hùng những ngày mùa đông 1946 kháng chiến chống Pháp với tình yêu mãnh liệt của đôi bạn trẻ và những hy sinh vô bờ bến của bao người dân Hà Nội "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" từ chú bé đánh giày, chàng công tử Hà thành đến người họa sĩ già...
"Đào, phở và piano" đang cháy vé tại Trung tâm chiếu phim quốc gia.
Bộ phim đã cho tôi thêm yêu và gắn bó với Hà Nội - nơi tôi đã sống những tháng ngày của tuổi thơ êm đềm, tuổi thanh xuân lãng mạn, tuổi trung niên tất bật, say mê".
TS Phạm Ngọc Lan (Đại học Sư phạm TP.HCM) cho rằng: "Nhìn chung phim khá hay dù không phải xuất sắc, so với kinh phí 20 tỷ thì không thể đòi hỏi hơn được nữa.
Cốt truyện phi tuyến tính được xử lý ổn. Các sự kiện trong quá khứ được sắp xếp khá khéo léo, đẩy xung đột lên cao một cách hợp lý, nhưng lẽ ra cao trào cần phải căng thẳng hơn, mâu thuẫn giữa 2 nhân vật chính cần phải gay gắt hơn thì tháo nút mới kịch tính. Nhưng đáng tiếc mạch truyện bị lộ, kết khá dễ đoán, nên người xem có cảm giác hơi hẫng".
Qua những nhận xét của nhiều khán giả, từ trực tiếp đến trên mạng xã hội, có thể nhận thấy bộ phim nhận được khá nhiều sự ưu ái. Sự ưu ái đó không chỉ đến từ chuyện bộ phim lấy cảm hứng từ cuộc chiến bảo vệ Hà Nội 60 ngày đêm trong giai đoạn 1946 - 1947, mà còn đến từ một kịch bản khá lạ với định kiến quen thuộc của nhiều khán giả Việt Nam đối với dòng phim do Nhà nước cấp kinh phí: Phim thường không hay, làm xong là đi thẳng từ phim trường vào kho.
Kịch bản khai thác một câu chuyện tình trên bối cảnh thời chiến, với thời gian là một ngày đêm, dùng thủ pháp phi tuyến tính để phát triển mạch phim không theo trình tự thời gian và có cùng cảnh đồng hiện để minh họa cho ước mơ về tình yêu, hạnh phúc và cả sự thèm phở của nhân vật cậu bé đánh giày.
Khai thác kịch bản cũ nhưng lại đúng "trend"
Bộ phim "Đào, phở và piano" được lòng công chúng nhờ một yếu tố luôn khiến nhiều bộ phim về đề tài lịch sử ăn khách nếu biết khai thác tốt: Tinh thần dân tộc! Khơi gợi được tinh thần dân tộc của công chúng rất dễ tạo ra những hiệu ứng bùng nổ trong phim, điều này thì lịch sử điện ảnh thế giới đã ghi nhận không ít trường hợp.
Ở Nga có thể kể đến bộ phim kinh điển "Khi đàn sếu bay qua" hay trường hợp bộ phim "The Longest Day" (Ngày dài nhất) trở thành cơn sốt ở Mỹ và châu Âu kể về cuộc đổ bộ của quân đồng minh lên bờ biển Normandy vào ngày 6 tháng 6 năm 1944, trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Với một kinh phí ít ỏi xấp xỉ 22 tỷ đồng, đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng là người viết kịch bản đã chỉ chọn một bối cảnh chật hẹp là một góc chiến lũy, còn chủ yếu tập trung vào việc miêu tả số phận và cách hành xử của những con người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.
Bộ phim cho dù còn có những cảnh chưa tốt, thậm chí nhìn giả và thiếu sức thuyết phục, ngay cảnh bát phở quay cận cảnh thì nhìn cũng không mấy hấp dẫn, đôi diễn viên nam nữ chính do Doãn Quốc Đam và Cao Thị Thùy Linh đóng chưa đạt, biểu cảm tâm lý chưa hay, đài từ cũng chưa ổn, nhiều đối thoại vẫn bị lên gân, mang tính kịch, nhiều chi tiết còn khiên cưỡng.
Chẳng hạn, cảnh thả chiếc đàn piano từ trên tầng nhà xuống để mang đi trong khi đang đánh nhau, hay cảnh hai nhân vật chính cãi nhau rồi làm lành cũng khá gượng, cảnh đua xe được tái hiện rất giả tạo, cảnh kết phim tuy bi tráng lại bị lỗi kỹ xảo quá kém, xe tăng, vũ khí trong phim còn chưa thật chuẩn xác, những đoạn thoại tiếng Pháp tuy ít nhưng vẫn không có phụ đề…
Tuy nhiên, bộ phim lại thành công nhờ vào sự khai thác yếu tố tinh thần dân tộc trên nền một câu chuyện tình yêu bi tráng.
"Đào, phở và piano" được lòng công chúng của ngày hôm nay còn vì những yếu tố khác. Trước hết, đó là cách xây dựng nhân vật. Doãn Quốc Đam diễn chỉ ở mức tròn vai và Cao Thị Thùy Linh có thể nói là nhờ nét đẹp hợp vai cô tiểu thư Hà thành mà bù đắp được cho diễn xuất.
Nhưng lời thoại của hai nhân vật khá tốt, thể hiện được sự hào hoa, thanh lịch của người trí thức Hà Nội xưa, với những từ ngữ khá cổ nhưng lại phổ biến vào thời đó.
Vợ chồng ông bán phở là một cặp đôi thú vị và rõ ràng nhân vật ông bán phở có lẽ được lấy cảm hứng từ một ông chủ hàng phở danh tiếng ở phố cổ Hà Nội. Hai diễn viên Nguyệt Hằng và Anh Tuấn vào vai ông bà chủ hàng phở cũng là vợ chồng ngoài đời thực, do vậy họ có sự tương tác rất tốt.
Đặc biệt, vai ông họa sĩ già yêu cái đẹp, tính cách tưng tửng, kỳ quái, nhưng nhân hậu được NSND Trần Lực vào vai rất đạt, từ cái nhún vai, khoát tay, đến giọng điệu hài hước, bất cần thốt ra ở những hoàn cảnh đang "nước sôi lửa bỏng" chết người của cuộc chiến.
Nhiều khán giả bật cười theo mỗi lời thoại của nhân vật ông họa sĩ và có thể nhận thấy rằng nghệ sĩ Trần Lực một mình gánh được cả bộ phim. Khán giả trẻ rất thích những chi tiết như vậy, kể cả sự thèm phở được đẩy lên quá mức của nhân vật cậu bé đánh giày, gây ra tiếng cười.
Sự "tận hiến" làm mờ đi những thiếu sót
Bộ phim nhận được nhiều sự thông cảm của khán giả về những thiếu sót, chưa làm tốt trong phim, với lý do là kinh phí hạn hẹp cho một phim về chiến tranh. Nhưng điều làm cho khán giả rộng lượng nhất, có lẽ vì bộ phim có những câu thoại xúc động, những cảnh quay tạo được cảm xúc như: Cảnh anh lính tự vệ Văn Dân cố gắng mang cành đào lên chiến lũy, hay cảnh cô tiểu thư Thục Hương chơi đàn trong khung cảnh đổ nát của chiến tranh, cảnh truy điệu liệt sĩ…
Cảnh phim với nhân vật nam chính do Doãn Quốc Đam đóng.
Nhưng đặc biệt cảnh ông họa sĩ già vẽ tranh với sự giúp đỡ của cha xứ là một cảnh gợi nhiều mỹ cảm. Qua đó có thể mượn lời vị cha xứ, bảo đây là "ngày tận hiến". Một từ ngữ của Công giáo được dùng để khán giả liên tưởng đến sự tận hiến của mỗi nhân vật trong phim.
Cách xây dựng nhân vật được đạo diễn Phi Tiến Sơn cố tình đẩy lên đến mức cực đoan, điều thường thấy ở những con người thời kỳ đầu háo hức với niềm tin và lý tưởng, nhưng lại thuyết phục bởi có sự tương đồng với tính cách người Hà Nội gốc.
Dưới những hành động cử chỉ hào hoa, thanh lịch ấy, là sự quyết tâm, kiên định, là sự cực đoan không thể thay đổi khi đã đặt niềm tin vào cuộc sống và những tín niệm nào đó. "Đào, phở và piano" lấy được cảm xúc của khán giả nhờ vào sự thể hiện tinh thần "tận hiến" xuyên suốt trong phim.
Có lẽ vì khán giả của ngày hôm nay luôn mang quan niệm rằng phim lịch sử của Việt Nam thường nặng về minh họa, hô khẩu hiệu, thiếu chất đời thường. Nhưng "Đào, phở và piano" làm họ bất ngờ, vì bộ phim đi ngược lại với suy nghĩ thường có ở họ. Âm nhạc trong phim được trau chuốt và cũng khiến cho khán giả thích thú, với những giai điệu từ piano với các bản nhạc của các nhà soạn nhạc Richard Wagner, Franz Liszt, bản ca trù như Chí làm trai (lời thơ Nguyễn Công Trứ), Đời đáng chán (lời thơ Tản Đà) hay ca khúc Du kích ca (Đỗ Nhuận), Suối mơ (Văn Cao).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận