"Đi giữa trời rực rỡ" vấp tranh cãi về trang phục dân tộc
Bộ phim "Đi giữa chân trời rực rỡ" đang vấp phải tranh luận trái chiều của dư luận khi bị một số khán giả nhận thấy trang phục và cách sử dụng trang phục, tập quán của người Dao đỏ có điểm chưa phù hợp với thực tế.
Nhân vật Pu trong phim luôn mặc lễ phục có đeo chùm bông đỏ trong các hoạt động thường ngày.
Cụ thể, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban thường vụ Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm "Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc", là người Dao, quê ở Nguyên Bình (Cao Bằng), nơi diễn ra bối cảnh quay chính của bộ phim đã có nhiều nhận xét về các chi tiết gây tranh cãi.
Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng giải thích rằng, nhân vật nữ chính tên Pu (Thu Hà Ceri đóng) mặc lễ phục người Dao đỏ (tương tự áo dài lễ phục của người Kinh) đi chăn trâu là chưa đúng.
Theo ông, người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, có sự phân biệt rành mạch giữa thường phục, lễ phục… Đồng bào dân tộc tại đây không bao giờ tùy tiện sử dụng lễ phục trong lao động và thường phục trong các lễ hội.
Nhân vật Chải đeo yếm nữ nhảy múa cũng là hình ảnh sai lệch. Tương tự một nhân vật nam người Kinh mặc áo ngực của phụ nữ để ra đường.
Theo vị tiến sĩ, hình ảnh người phụ nữ đứng trước ban thờ thắp hương cũng là điều cấm kỵ của người Dao. Bởi, người Dao không coi thường nữ giới. Dù phụ nữ ngồi ăn dưới bếp, đàn ông được ngồi gian giữa, nhưng đồ ăn là như nhau, mâm đàn ông uống rượu, thì phụ nữ cũng có rượu.
Người Dao cũng không có quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường. Nếu không có con trai thì họ đổi họ cho con rể để thành con trai của mình.
Ông Năng thông tin thêm, người Dao cũng không xưng "mày - tao" với cán bộ giống trên phim, họ xưng hô bình thường "cô, chú, anh chị" như người Kinh.
Ê-kíp nhận lỗi, "chưa đủ khả năng nhập tâm"
Trao đổi với Báo Giao thông, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cho biết, sau khi ông lên tiếng, bình luận góp ý tại trang VTV Giải trí, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn đã chủ động liên hệ và gặp ông.
"Tôi rất cởi mở và gặp đạo diễn tại nhà riêng. Cuộc trao đổi kéo dài khoảng 120 phút. Đạo diễn Đỗ Thanh Sơn Sơn có bày tỏ việc đã nhận ra một vài điểm sai trong phim, nhưng vẫn nói rằng, mình chủ ý cho nam diễn viên đeo chiếc yếm nữ của mẹ vì nhớ mẹ. Tôi nói rõ: 'Văn hóa của người Dao có những cấm kỵ, cần phải được tôn trọng'.
Kết thúc cuộc trao đổi, tôi nhận thấy các bạn ấy dù biết lỗi, nhưng chưa đủ khả năng nhập tâm vào đời sống văn hóa của người Dao một cách nghiêm túc.
Điều đó cho thấy, họ vẫn bị chi phối bởi văn hoá của cộng đồng dân tộc đa số. Vì vậy, sẽ khó lòng thành công được khi phản ánh về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi.
Nhất là khi những người làm phim lại thường nhận được sự cổ súy của một bộ phận công chúng chưa hiểu biết sâu về bản sắc văn hoá người Dao", Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng nói thêm.
Ông Bàn Tuấn Năng cho biết thêm, sở dĩ ông muốn lên tiếng giải thích vì không muốn cộng đồng người Dao cũng như các cộng đồng thiểu số khác cảm thấy có sự ngăn cách, áp đặt, bị bỏ qua. Ông cũng mong khán giả được biết về văn hóa các cộng đồng người Việt thiểu số thật đúng đắn.
Báo Giao thông cũng đã liên hệ với SK Pictures - đơn vị sản xuất phim "Đi giữa chân trời rực rỡ" để làm rõ sự việc nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Kiến thức, thông tin về văn hóa, dân tộc phải chuẩn xác
Từ những tranh cãi về bộ phim "Đi giữa chân trời rực rỡ", Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng ghi nhận những nỗ lực và sự đầu tư của ê-kíp trong việc sản xuất một bộ phim khai thác về đề tài văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, với một bộ phim truyền hình nói riêng, một tác phẩm văn hóa, nghệ thuật nói chung, những kiến thức, thông tin về văn hóa phải chuẩn xác.
Như những thói quen, tập quán của người Dao, ê-kíp nên tìm hiểu kỹ, hoặc có một cố vấn là chuyên gia văn hóa để truyền tải lên phim một cách chân thực nhất.
Bởi, khi làm phim về đề tài dân tộc thiểu số, ngoài tư duy hình ảnh, cần có thêm các kiến thức tối thiểu về dân tộc học (các phong tục đặc trưng, các cấm kỵ cơ bản trong đời sống - phong tục…), nếu không, dù vô tình phim đã truyền tải sai cả những cấm kỵ - phần thiêng liêng, quan trọng nhất của mỗi nền văn hóa.
"Có thể, khi quay, ê-kíp đã hỏi người dân địa phương, khi đó người dân quan niệm rằng được đóng phim, tức là được đi chơi, được làm "giả vờ" nên mới có những hình ảnh sai lệch như vậy...
Nhưng thực tế, khi hành lễ thực sự thì đó những nguyên tắc "bất di bất dịch" của người bản địa", Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng bày tỏ.
"Đi giữa trời rực rỡ" xoay quanh cuộc sống của nhân vật Pu (Thu Hà Ceri đóng), cô gái 18 tuổi đứng trước lựa chọn tới Hà Nội học đại học, theo đuổi ước mơ hay lấy chồng, giúp gia đình trả nợ.
Vì sinh ra trong gia đình nghèo khó nên khi Pu đỗ đại học ở thành phố thì bố của Pu không muốn con gái đi học, mà sẽ gả cô cho Chải (Long Vũ đóng) - con trai nhà giàu có nhất vùng để trả nợ.
Còn Chải cũng yêu say đắm Pu nên tìm mọi cách ngăn cản cô xuống thành phố học và muốn bố "bắt cưới" Pu cho bằng được.
Phim có sự góp mặt của NSƯT Hoàng Hải và dàn diễn viên trẻ như: Long Vũ, Vương Anh, Võ Hoài Vũ, Hoàng Khánh Ly, Yên Đan, Quỳnh Châu...
Trích đoạn phim "Đi giữa chân trời rực rỡ". (Video: VTV)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận