Một cảnh trong phim Đập cánh giữa không trung |
Nói đến khó khăn của các nhà làm phim độc lập Việt Nam quả là... vô chừng, bởi họ luôn phải “tự bơi” từ A đến Z. Nhưng, có một rào cản xét ở một khía cạnh nào đó còn đáng sợ hơn cả nỗi lo kinh phí, đó là: Sự thờ ơ của rạp nhà và khán giả nhà!
Chật vật đường “ra” rạp
Bi, đừng sợ! (đạo diễn Phan Đăng Di) đoạt hai trong 6 giải thưởng tại hạng mục Tuần phê bình quốc tế của liên hoan phim Cannes, một trong ba liên hoan phim lớn nhất thế giới, “ra” rạp nhà, thu về vỏn vẹn mấy trăm triệu đồng, tức là: Không lãi! Cũng chỉ sau một thời gian ngắn, bộ phim đầu tiên của Việt Nam được chọn tranh giải chính thức tại Cannes đã bị “out” khỏi các rạp trong nước. Đạo diễn Phan Đăng Di lý giải về thất bại phòng vé của Bi, đừng sợ!: Một, bị cắt quá nhiều cảnh quan trọng. Hai, khán giả Việt Nam chưa có nhu cầu xem phim nghệ thuật. Ba: Xem phim “chui” trên mạng quá dễ dàng. Ngoài ra, ai cũng biết, các rạp chiếu bóng ở “ta” xưa nay vẫn chỉ “mặn mà” với phim thương mại. Con đường “ra” rạp nhà của phim độc lập Việt Nam không chông gai mới lạ!
Trong một lần trò chuyện với người viết, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp chia sẻ: Do có những khó khăn kể trên, phim độc lập Việt Nam mới bắt buộc phải đi theo một lộ trình ngược đời: “thử lửa” tại liên hoan phim quốc tế, thậm chí phát hành ở nước ngoài trước, rồi mới về ra mắt khán giả nhà. Bởi nếu không như thế thì đừng hòng có cơ hội “ra” rạp nhà vốn luôn duy trì một lịch chiếu dày đặc phim thương mại và bom tấn. Cũng khó trách, vì chẳng đơn vị kinh doanh nào lại không đặt doanh thu lên hàng đầu.
Ngay như Galaxy hay Trung tâm chiếu phim Quốc gia đã từng nhiệt tình chào đón Bi, đừng sợ!, nhưng căn cứ trên số vé bán được, sau ít tuần chiếu phim, họ buộc phải “cắt” xuất. Mới đây, Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp gây bất ngờ lớn khi thu hút gần 2 vạn khán giả chỉ sau hai tuần đầu ra rạp, khiến không ít người vội lạc quan về tương lai phát hành thương mại của phim độc lập Việt Nam. Song, nếu bình tĩnh nhìn nhận sẽ thấy, ngoài giải “Phim hay nhất” tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice (Liên hoan phimVenice 2015), độ hút của bộ phim chủ yếu nằm ở những cảnh nóng bạo liệt được các diễn viên chính “lấp lửng” trên nhiều trang báo từ trước khi phim ra mắt khá lâu, khiến khán giả, nhất là cư dân mạng “phát sốt”.
Có ai đánh thuế giấc mơ!
Nói gì thì nói, doanh thu khả quan của Đập cánh giữa không trung vẫn cứ là một tín hiệu đáng mừng. Ít nhất, nó đã khơi gợi sự tò mò của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ trước phim nghệ thuật. Và biết đâu, sau khi bị cuốn hút vào rạp, đối tượng người xem vô cùng quan trọng này lại thay đổi nhận thức về một dòng phim vốn bị “gắn mác” khó xem, khó cảm! Cần dành một lời khen cho ê-kíp sản xuất Đập cánh giữa không trung và cá nhân đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp. So với Bi, đừng sợ!, Đập cánh giữa không trung đã có một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp hơn, đánh trúng tâm lý hiếu kỳ của khán giả. Việc mở ra các trang fanpage với những tin tức nóng hổi, hấp dẫn, cũng khiến bộ phim luôn “hot” ngay từ giai đoạn casting diễn viên.
Bên cạnh Đập cánh giữa không trung, một bộ phim độc lập khác cũng có sức hút phòng vé khả quan là Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), với khoảng hơn 12 nghìn vé được bán ra tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tính riêng tháng 12/2014. Thay vì hệ thống các rạp lớn, nhà phát hành đã chọn những khu vực nhỏ, lẻ như phòng chiếu Art House, khán phòng Idecaf (TP Hồ Chí Minh), trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội)... để phân phối phim và đây là một chiến lược thông minh. Khán giả thường trực của các điểm chiếu này luôn là giới trẻ, thích khám phá cái mới và sử dụng mạng xã hội như một thói quen không thể thiếu hàng ngày. Kết quả, bộ phim tài liệu Việt Nam đầu tiên được phát hành thương mại trong nước đã gây sốt ngoài sức tưởng tượng với cảnh người xem xếp hàng dài chờ vào rạp.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại và thành công trong phát hành thương mại phim độc lập Việt Nam thời gian qua, ê-kíp sản xuất Cha và con và... cũng đang “lên” một kế hoạch quảng bá, phát hành hợp lý cho bộ phim Việt Nam đầu tiên có xuất tranh giải chính thức tại liên hoan phim Berlin, mà bước tiến dễ thấy so với thời Bi, đừng sợ! là việc đạo diễn Phan Đăng Di trực tiếp tham gia vào quá trình PR, phát hành. Với tất cả nỗ lực này, biết đâu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận