“Em chưa 18” - sản phẩm giải trí lấn át các bộ phim nghệ thuật hàn lâm tại LHP Việt Nam 2017 |
Dòng phim giải trí lên ngôi
Xưa nay, phòng vé mặc định là địa hạt của phim giải trí. Tuy nhiên, dòng phim này khi bén mảng tới các kì liên hoan phim thì không đủ sức lấn át phim nghệ thuật. Tại giải Bông sen vàng, dòng phim giải trí thường phải chia giải với phim nghệ thuật.
Năm 2013, phim Những người viết huyền thoại chia giải cùng Scandal bí mật thảm đỏ, hay năm 2011 phim Mùi cỏ cháy chia giải cùng phim Hotboy nổi loạn. Cá biệt như năm 2015, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đứng một mình, nhưng đây là phim dung hòa xuất sắc hai yếu tố nghệ thuật và giải trí. Và cho đến LHP Việt Nam 2017, kết quả có phần bất ngờ khi giải thưởng "Bông sen vàng" cho phim điện ảnh xuất sắc nhất thuộc về Em chưa 18, một bộ phim thuần túy giải trí.
Nếu nhìn ở khía cạnh doanh thu, với 175 tỷ đồng thì Em chưa 18 là bộ phim không có đối thủ. Song, tiền bán vé xưa nay chưa bao giờ là yếu tố chính để xét giải Bông sen vàng. Còn ở các yếu tố khác, phim cũng hết sức bình dân đại chúng. Đề tài đơn giản (tình cảm thanh niên); nhân vật điển hình (hotboy - hotgirl), diễn viên toàn trai, xinh gái đẹp, thông điệp nhẹ nhàng, giản dị. Một sản phẩm như vậy độc tôn giải Bông sen vàng là điều chưa từng có trong lịch sử LHP Việt Nam.
Nhìn rộng ra, kỳ LHP năm nay cho thấy tình trạng giải trí đàn áp nghệ thuật ở sân chơi chuyên môn là có thực. 16 tựa phim đua nhau tranh tài, có đúng 2 phim nằm hoàn toàn ở cán cân nghệ thuật là Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư. Số còn lại hoặc là thương mại toàn phần, hoặc chấp chới giữa ranh giới thương mại - nghệ thuật như Cô gái đến từ hôm qua, Nắng, Hotboy nổi loạn.
Thành tích của các đại diện trường phái hàn lâm cũng rất nghèo nàn. Cha cõng con và Đảo của dân ngụ cư chinh chiến đủ các LHP quốc tế, song ở LHP Việt Nam chỉ thu được 4/11 giải thưởng và mất các hạng mục quan trọng nhất. Nam chính xuất sắc thuộc về Quý Bình với diễn xuất nhàn nhạt, an toàn trong bộ phim giải trí Bao giờ có yêu nhau, dù mọi dự đoán đều nghiêng về Ngô Thế Quân - người cha với nhiều cung bậc cảm xúc trong Cha cõng con. Vũ Ngọc Đãng, bằng một cách khó hiểu, giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất nhờ Hotboy nổi loạn 2, phim giật gân với những cảnh sốc, sex, đồng tính.
Phim nghệ thuật mất thế đứng
Nếu cộng hưởng với kết quả của giải Cánh diều vàng đầu năm, kịch bản chung của điện ảnh Việt đã lộ diện. Hồi tháng 3, Giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam đã trao cho 3 phim, 2 trong số đó là phim thương mại Bao giờ có yêu nhau, Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Các sân chơi chuyên môn đã không còn là địa hạt mà phim nghệ thuật có thể yên tâm ganh đua. Phim thương mại nở rộ quá mạnh, đang dần không chỉ thay đổi thị hiếu của khán giả mà còn tác động tới những ban giám khảo các kì LHP lớn.
Làm phim giải trí trước đây không gì khác ngoài doanh thu. Nhưng với kịch bản trên, ngay cả giải trí cũng có thể tỏa sáng ở các sân chơi chuyên môn, giành giải thưởng danh giá. Nghĩa là động lực để các đạo diễn gắn bó với phim nghệ thuật đã ít, nay còn ít hơn nữa. Nỗi ám ảnh tiền bạc, phải làm phim thương mại đã lây lan sang cả những nhà làm phim trẻ.
TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho hay, sinh viên của bà thường rỉ tai nhau luật bất thành văn: “Phải có tình dục, đồng giới, cuộc sống hoang mang của giới trẻ thì mới xin được tiền tài trợ làm phim. Tôi hỏi các em mới biết số tiền các em xin được cho một phim ngắn không đáng là bao, nên phải thỏa hiệp như vậy là rất đáng tiếc”.
Ở viễn cảnh đó, chỉ có thể vui mừng nếu mặt bằng chung của phim giải trí ở Việt Nam có chất lượng cao. Khi ấy, giải thưởng Bông sen, Cánh diều dù trao cho ai cũng không làm xấu bộ mặt điện ảnh nước nhà. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, thành phần Ban giám khảo LHP Việt Nam năm nay cho hay: “Dòng phim thương mại Việt Nam vẫn còn nhiều phim có kết cấu giản đơn, cách làm hời hợt. Phim chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào thể loại hài hước, kinh dị, khai thác tình yêu tay ba éo le, những chuyện giật gân, câu khách. Hiếm nhà sản xuất dám đầu tư những đề tài nghiêm túc, có giá trị nghệ thuật”. Thời kỳ mà phim Việt có nhiều những Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, cân bằng 2 yếu tố nghệ thuật - giải trí, còn xa mới tới.
Theo đó, LHP Việt Nam 2017 được ví von với một lần thoát xác, khi có hàng loạt thay đổi về cách chấm giải. Song, thay đổi lớn nhất lại là sự thất thế của phim nghệ thuật ở chính sân nhà của mình, đặt ra tiếp những trăn trở cho tương lai của cả nền điện ảnh.
Các giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam 2017 (thể loại phim truyện điện ảnh): Bông sen Vàng - phim Em chưa 18 Bông sen Bạc - phim Cha cõng con và phim Cô hầu gái Đạo diễn xuất sắc: Vũ Ngọc Đãng (phim Hotboy nổi loạn 2) Nam diễn viên chính xuất sắc: Quý Bình (phim Bao giờ có yêu nhau) Nam diễn viên phụ xuất sắc: Nhan Phúc Vinh (phim Đảo của dân ngụ cư) Nữ diễn viên chính xuất sắc: Kaity Nguyễn (phim Em chưa 18) Nữ diễn viên phụ xuất sắc: Hà My (phim Cô gái đến từ hôm qua) Quay phim xuất sắc: Lý Thái Dũng (phim Đảo của dân ngụ cư) Tác giả kịch bản xuất sắc: Bùi Kim Quy - Lương Đình Dũng (phim Cha cõng con) Thiết kế âm thanh: Franck Desmoulins (phim Cô hầu gái) Nhạc sĩ: Jerome Leroy (phim Cô hầu gái) Họa sĩ thiết kế mỹ thuật: Nguyễn Minh Nương (phim Cô ba Sài Gòn) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận