Điện ảnh

Phim Hàn Quốc, Trung Quốc “xâm thực” truyền hình Việt

11/05/2017, 07:28

Từ thực tế đời sống, nguy cơ bị xâm thực văn hóa bởi phim ngoại với Việt Nam có thể xảy ra?

26

Những phim có mức đầu tư tiền tỉ như “Khát vọng Thăng Long” (2010), “Thái sư Trần Thủ Độ” (2013) làm ra lại đắp chiếu (Trong ảnh: Một cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”)

Phim ngoại lấn phim nội

Từ thập niên 90, phim truyền hình Trung Quốc với những Tây du kí, Tam Quốc diễn nghĩa, Hoàn Châu cách cách đã chiếm vị thế lớn trên truyền hình Việt. Vị thế này càng được bồi đắp bởi làn sóng kiếm hiệp Kim Dung, Cổ Long; loạt phim tâm lý hình sự TVB Hồng Kông (Bao la vùng trời năm 2002, Hồ sơ trinh sát năm 2006) và chuỗi phim thần tượng Đài Loan (Vườn sao băng năm 2001, Hoàng tử Ếch 2005). Từ đó, phim Hoa ngữ thành độc tôn trong giai đoạn này.

Còn phim truyền hình Hàn Quốc xuất hiện muộn hơn, nhưng tăng tốc nhanh không kém. Trước là một vài cơn sốt những năm 90 như: Trái tim mùa thu, Bản tình ca mùa đông. Sau đó là làn sóng cổ trang với đại diện đầu tiên Thần y Huh Jun (2000), tiếp đó là những Nàng Dae Jang Geum (2003), Truyền thuyết Jumong (2006)… làm mưa làm gió.

Đến nay theo ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập VTV, lượng phim Trung - Hàn vẫn chiếm tới 50%. Đó là còn chưa tính đến môi trường internet hiện đại, các website như Bilutv, HDonline liên tục cập nhật phim Trung - Hàn với tốc độ chỉ sau khi phát sóng ở nội địa 1 - 2 ngày, có phụ đề và thậm chí là thuyết minh đầy đủ. Tất cả khiến phim ngoại dễ dàng đến với khán giả màn ảnh nhỏ.

Trong khi đó, mãi tới năm 2010, Nghị định 54/2010/NĐ-CP (quy định thời lượng tối thiểu của phim Việt ở các nhà đài là 30% và phải chiếm khung giờ 20 - 22h) được ban hành, tỉ lệ phim Việt mới tăng lên. Nhưng chất lượng vẫn thua sút phim ngoại. Chỉ tính riêng mặt trận cổ trang, phim đầu tư hời hợt như Anh chàng vượt thời gian (2011) thất bại đã đành, nhưng phim tiền tỉ như Khát vọng Thăng Long (2010), Thái sư Trần Thủ Độ (2013) làm ra lại đắp chiếu. Lời thoại ngô nghê, kịch bản vụng về, bối cảnh nghèo nàn… hàng chục yếu điểm càng bới ra lại càng cho thấy phim truyền hình Việt thua xa phim Trung - Hàn.

Văn hóa ngoại ồ ạt xâm lấn

Trong bối cảnh phim Việt yếu ớt, không khó để thấy làn sóng văn hóa ngoại từ Trung Quốc, Hàn Quốc ùa vào. Năm 2014 từng rộ lên trào lưu chụp ảnh theo phong cách Võ Tắc Thiên, ăn theo cơn sốt phim Võ Mỵ Nương truyền kỳ. Hay trường hợp nhà nhà đua nhau chụp ảnh theo quân phục Hàn, dưới sức ảnh hưởng phim Hậu duệ mặt trời (2016). Rộng hơn một chút có thể kể đến phong cách, ngôn từ giới trẻ tràn ngập các từ ngoại lai bước ra từ phim ngôn tình, thần tượng như: “Soái ca”, “Mỹ nam”, “ngược tâm”. Ngay cả không gian văn hóa già dặn hơn cũng không ngoại lệ, khi câu chuyện linh vật Sư tử đá Trung Quốc xâm lấn chùa chiền, trụ sở hành chính Việt Nam rộ lên trong năm 2014.

Giới giải trí tưởng chừng là những người đi tiên phong và định hình phong cách cho khán giả, lại cũng cho thấy dấu hiệu bị tác động. Những năm 2000, hàng loạt ca sĩ, kể cả top đầu như Lam Trường, Mỹ Tâm, nổi lên bằng các ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Khi trào lưu phim chưởng Hồng Kông tăng nhiệt, khán giả chứng kiến ngôi sao Đan Trường cho ra mắt cả loạt MV ca nhạc cổ trang đúng chuẩn kiếm hiệp Tàu. Đặt tên kiểu kiếm hiệp một thời trở thành mốt, điển hình là nhóm 1080 toàn những Vân Quang Long, Điền Thái Toàn, Ưng Hoàng Phúc, Nhật Tinh Anh…

Ông Phạm Xuân Nguyên, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Hà Nội nhận định: “Trong lĩnh vực giải trí, đúng là có hiện tượng có sự xâm lấn của văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc. Thực ra giao lưu văn hóa là tất yếu của con người, không dân tộc nào biệt lập được. Nhưng giao lưu thế nào lại do sự chủ động của các bên, và nhìn sâu xa thì người Việt mình lại có tính dễ dãi”. Quả thực, yêu thích một bộ phim không có gì xấu, nhưng khi phim nội không tạo được một cơn sốt nào với người xem trong nước như phim ngoại thì đó là vấn đề lớn.

Thiếu Hàng rào bảo vệ văn hóa nội

Để tự vệ trước văn hóa ngoại lai xâm lấn như vũ bão, bản thân văn hóa nội phải đủ mạnh. Bản thân phim truyền hình Hàn Quốc chính là bài học nhãn tiền vô cùng đắt giá. Từ năm 1998, Bộ Văn hóa & Du lịch nước này đã đề ra kế hoạch phát triển phát thanh - truyền hình dài hạn. Đi đôi với đó là các hoạt động như thành lập hơn 30 trường đào tạo quay phim diễn xuất, thành lập hội đồng phim ảnh Hàn Quốc (Korean Film Council) hay dựng nên các liên hoan phim lớn như Busan, Jeonju…

Tất cả đã thúc đẩy công nghiệp sản xuất phim truyền hình nước này vươn lên, tạo ra các hiện tượng như: Nàng Dae Jang Geum, Truyền thuyết Jumong, Hoàng hậu Ki, Hậu duệ mặt trời. Song quan trọng hơn hết chính là trở thành đối trọng với làn sóng văn hóa Trung Quốc, tự bảo vệ mình khỏi nguy cơ bị nuốt chửng.

Nhưng phim Việt Nam thì chưa đủ sức làm được điều đó. Về cơ sở vật chất, cả nước vẫn thiếu các phim trường chuyên nghiệp, phim trường Hạ Long giới thiệu từ năm 2014 đến giờ vẫn chưa hoàn thiện. Kỹ xảo điện ảnh vẫn được áp dụng một các vô cùng dè dặt. Tính liên kết giữa du lịch - điện ảnh tỏ ra mờ nhạt, trong khi website của Tổ chức du lịch Hàn Quốc luôn có chỉ dẫn các địa điểm quay phim của 67 bộ phim truyền hình nổi tiếng.

Quan trọng hơn, đó là sự hỗ trợ kinh phí, mở cửa kiểm duyệt từ các đơn vị quản lý. Thế nhưng đạo diễn phim Long thành cầm giả ca, ông Đào Bá Sơn, cho hay: “Với phim cổ trang lịch sử hiện nay, chỉ khi nào cần thì Nhà nước mới đặt hàng các hãng phim làm, còn lại đều lấy từ vốn xã hội hóa cả. Trong khi phim cổ trang lịch sử vô cùng phức tạp, từ khâu phục trang, đạo cụ, bối cảnh đều rất khó, mà lại dễ bị săm soi”. Còn đạo diễn Tạ Huy Cường, chỉ đạo phim Lý Công Uẩn - Đường tới Thăng Long thành (bị cấm chiếu), thì thậm chí còn không dám nghĩ tới chuyện được cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ tài chính, mà chỉ cần: “Cơ quan quản lý tạo điều kiện cho chúng tôi để phim làm ra có thể được lên sóng”. Thế là đủ hồi vốn và cho phép các nhà làm phim tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm phim. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.