Văn hóa - Giải Trí

Phim hoạt hình Việt thua đau trên sân nhà

16/11/2018, 07:40

Đến nay, vẫn chưa có một bộ phim hoạt hình hoàn chỉnh, dài hơi “made in Vietnam” được đưa lên màn ảnh rộng...

21

Dự kiến cho ra mắt vào năm 2020, “Hành trình nhân quả” được cho là phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam được lên sóng màn ảnh rộng

Một bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên của Việt Nam được chiếu tại rạp, thu vé tưởng là điều dễ dàng, tuy nhiên sau nó là cả một hành trình đầy gian nan của ê-kíp cũng như ngành phim hoạt hình trong nước. Điều này cũng dẫn đến thị trường phim hoạt hình Việt Nam béo bở như vậy nhưng chỉ để nhập khẩu phim nước ngoài.

Vẫn là sân chơi độc quyền của nhà sản xuất ngoại

Mới đây, nhà sản xuất chính của dự án - Red Cat Motion và Redder Advertising cho ra mắt đoạn teaser bộ phim hoạt hình Hành trình nhân quả dài vỏn vẹn 1 phút 15 giây, tiêu tốn lên đến 8 tháng của ê-kíp thực hiện. Khi đoạn phim ngắn được tung ra, nhiều nhận xét tích cực từ giới chuyên môn cũng như các diễn đàn phim hoạt hình trong nước nói về bộ phim. Anh Leo Đinh, CEO của Red Cat Motion cho biết, đây cũng là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam sản xuất để đưa ra rạp bán vé, có sử dụng công nghệ 3D với nội dung về tính triết lý luật nhân quả trong đời sống tâm linh người Việt, phim dự tính ra rạp năm 2020.

Theo NSƯT Phạm Ngọc Tuấn, số lượng doanh thu từ việc phát sóng phim hoạt hình tại các nước phát triển chỉ chiếm 10% mà thôi. Còn 90% doanh thu còn lại là ở tiền bản quyền nhân vật (Hàn Quốc gọi là giá trị tiềm ẩn) được in ấn trên cặp sách, quần áo, đồ chơi... Tại Việt Nam vẫn chưa có và rất khó để làm được điều này, vì luật bản quyền của chúng ta vẫn chưa thực sự chặt chẽ.

NSND Hà Bắc cho hay, thực tế công nghệ 3D bắt đầu phát triển mạnh từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng du nhập vào Việt Nam khoảng chục năm nay. Bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên tại Việt Nam là Người con của rồng ra mắt năm 2010, tiếp đến là Cuộc phiêu lưu của trứng, chanh và ớt (2016, Colory Animation) chỉ được chiếu trên internet đã giành giải nhất Hạng mục giải thưởng dành cho các nhà làm phim hoạt hình chuyên nghiệp trong Lễ hội Phim hoạt hình Việt Nam - Hàn Quốc; Dưới bóng cây (Colory Animation) thu hút 6 triệu lượt xem trên Youtube, Con rồng cháu tiên (2017, Biti’s) dài 23 phút, thu hút hơn 20 triệu lượt xem.

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một bộ phim hoạt hình hoàn chỉnh, dài hơi “made in Vietnam” được đưa lên màn ảnh rộng, kể cả Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và các nhà sản xuất tư nhân. Hầu hết các tác phẩm đã ra mắt chỉ là các tập phim ngắn 10, 20, 30 phút, chủ yếu được chiếu trên nền tảng internet. Trong khi đó, Việt Nam vẫn là thị trường béo bở của dòng phim hoạt hình, là sân chơi độc quyền của các đơn vị quốc tế. Từ năm 2010 đến nay, phim hoạt hình luôn nằm trong top 10 phim có doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Phim Despicable Me 3 (Kẻ cắp mặt trăng - năm 2017) thu tại thị trường Việt Nam hơn 33 tỷ đồng sau 3 ngày ra rạp, trở thành phim hoạt hình có doanh thu mở màn cao nhất 2017 tại Việt Nam; Moana (Hành trình của Moana - năm 2016) thu 12 tỷ đồng trong 3 ngày đầu ra mắt.

Lý giải sự trống vắng phim hoạt hình Việt ra rạp, các nhà sản xuất tư nhân cũng như các nhà chuyên môn đều chung ý kiến: Kinh phí hạn hẹp, kịch bản chất lượng khan hiếm, truyền thông hạn chế, đội ngũ nhân lực chưa chuyên nghiệp, chủ yếu xuất phát từ sở thích, đam mê… là những yếu tố cơ bản khiến phim hoạt hình Việt Nam bị yếu thế so với phim hoạt hình nước ngoài. Nhà sản xuất phim Leo Đinh thừa nhận, để thực hiện phim hoạt hình dài hơi, mang ra rạp, cần một nguồn kinh phí rất lớn, buộc đơn vị phải tính toán đầu tư sao cho hợp lý. Ngoài ra, để có một đội ngũ nhân lực đồng đều, cũng cần một khoảng thời gian dài để xây dựng, đào tạo và phát triển.

Bắt hình dong nguyên nhân thất bại

Tuy nhiên, để phản biện lại việc các nước châu Á như Nhật và Hàn phát triển phim hoạt hình vượt bậc, thậm chí, loạt phim hoạt hình ăn khách Your Name (2016) tổng doanh thu khoảng 8.800 tỷ đồng; Doraemon: Nobita và Đảo giấu vàng (2018) thu về hơn 821 tỷ đồng, với gần 4 triệu lượt người xem sau 1 tháng công chiếu; Shin Godzilla (2016) thu về hơn 1.600 tỷ đồng là điều đáng ngưỡng mộ và học hỏi. NSƯT Phạm Ngọc Tuấn (Tổng giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) cho rằng, sản xuất phim hoạt hình không phải như phim truyện là có diễn viên đóng và chỉ việc quay mà các họa sĩ tự tạo hình nhân vật bằng tay nên thời gian sản xuất rất lâu, đòi hỏi kinh phí lớn. Các nhà sản xuất phim tư nhân có lợi thế nguồn kinh phí, truyền thông nhưng lại là gương mặt mới, không chuyên nghiệp. Sản xuất thường xuyên và định kỳ nên để đi được chặng đường dài, cần phải có một kế hoạch rõ ràng, bài bản. Ông Tuấn chỉ thêm, sản xuất một bộ phim hoạt hình đưa ra rạp vẫn là ước mơ của các nhà sản xuất phim hoạt hình Việt Nam. Tiêu chí một bộ phim hoạt hình ra rạp là phải có cốt truyện xuyên suốt, chặt chẽ, hấp dẫn như một bộ phim truyện, có bản sắc dân tộc được thể hiện qua tạo hình, tên gọi nhân vật, nội dung câu chuyện… chứ không phải một tác phẩm lai căng.

Còn nhớ, seri hoạt hình do ê-kíp của Việt Nam sản xuất, Monta trong dải ngân hà kỳ cục cũng được ra mắt tại rạp 3 tập đầu với tổng thời lượng 60 phút vào hồi tháng 8/2018, các vé chỉ tặng chứ không bán tại các cụm rạp. Các tập sau đó chỉ chiếu trên nền tảng internet. Được biết, bộ phim được sản xuất bởi gần 70 họa sỹ đã làm việc liên tục trong vòng 6 tháng với tốc độ hoàn thiện 7.200 bức tranh mỗi tuần. Đặc biệt là sự hỗ trợ phát triển bởi nhà biên kịch kỳ cựu Jeffrey Scott, người từng 5 lần nhận đề cử giải Emmy cho Chương trình Hoạt hình xuất sắc nhất. Trước đó, bộ phim Con rồng cháu tiên cùng chung số phận khi chỉ được ra mắt tại rạp, chiếu trên internet và không có các suất chiếu bán vé.

Vậy nên Hành trình nhân quả khi được tuyên bố là bộ phim hoạt hình dài hơi có kết hợp công nghệ 3D, sẽ đưa ra rạp bán vé với nhiều suất chiếu là bước đi dài đáng mừng. Số tiền đầu tư dự kiến trên 10 tỉ đồng với 3 nhân vật, cần đến 60 họa sĩ trong nước tham dự. Leo Đinh cho hay, chỉ với đoạn teaser dù chỉ dài vỏn vẹn 1 phút 15 giây, chúng tôi đã sử dụng 15 họa sĩ chuyên nghiệp tham dự. Đây được xem là bộ phim hoạt hình đáng được đón đợi trong thời gian tới, với công nghệ mới mẻ, thông điệp tích cực cạnh tranh sòng phẳng với phim hoạt hình nước ngoài, chứ không phải là những sản phẩm chỉ sau một thời gian ngắn sẽ nhanh chóng bị lãng quên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.