Bộ phim Lô Tô của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh đau đáu về kiếp sống của người chuyển giới |
Lần đầu tiên trên màn ảnh rộng, Lô Tô, bộ phim điện ảnh của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh về một đoàn ca nhạc hội chợ của những người chuyển giới được công chiếu gây xúc động cho khán giả.
Bất kỳ ai xem bộ phim này đều có thể tìm thấy một phần nào đó ký ức tuổi thơ của mình, nơi có những đoàn Lô Tô tới biểu diễn.
Những đêm diễn tại hội chợ khi ánh đèn được soi rọi, sân khấu bừng lên, cờ hoa rực rỡ là đủ các màu sắc, nhộn nhịp âm thanh, tấp nập dòng người đổ về. Già, trẻ, gái, trai… đủ các thành phần trong xã hội hoặc tìm kiếm vận may của mình qua những trò quay số, trò chơi với giá vé chỉ vài ngàn đồng hoặc dựng chống xe máy và mải mê theo dõi những màn trình diễn của những “nghệ sĩ” trên sân khấu.
Phía sau ánh đèn sân khấu ấy là hình ảnh của những nghệ sĩ trong gánh hát Phù Hoa. Đó là Lệ Liễu (NSƯT Hữu Châu), Lệ Sa Sa (Hải Triều), Lệ Phi Phi (Huỳnh Lập), Lệ Tú Nhàn (Minh Dũng)...những anh chàng độn ngực giả, xúng xính lựa chọn váy áo, chải chuốt cho mái tóc thêm mượt hay đội mớ tóc giả loăn quăn… Ai ai cũng vội vã thay đồ, trang điểm cho mình thật lộng lẫy trước khi bước đến với khán giả.
Và khi ánh đèn màu hạ xuống, đêm buông sâu hơn họ lại tất bật rũ bỏ “mặt nạ” ấy để trở về một cuộc sống đời thường, những phận người lạc chợ trôi sông. Đó là nỗi chát chúa của những người đồng tính, người chuyển giới quay quắt tìm cho mình ước vọng được làm người tử tế.
Đan xen vào những ngày vui vì đông khách là những ngày buồn với những mâu thuẫn trong nhóm, đan xen vào những ngày bình lặng là những ngày cuộc sống bị cắt ngang bởi thời tiết mưa bão, bởi cả những nhóm trai làng đến đánh phá...
Họ hiểu rõ số phận từ lúc sinh ra. Mong ước được làm người đàn bà thực sự, có người yêu, có chồng con... trong hình hài đàn ông là giấc mơ quá đỗi xa vời. Nhận sự kỳ thị từ những người xung quanh mình, họ chỉ biết dựa vào điểm khác biệt này để kiếm ăn qua ngày. Sâu bên trong, họ vẫn là những con người bình thường với yêu, ghét, giận hờn... vẫn biết sống dựa vào nhau có tổ chức, đụng chuyện va chạm thì chờ công an giải quyết, tôn trọng pháp luật và tinh thần hào hiệp.
Họ có ánh mắt buồn bã khi nói về nỗi khát khao được sống cuộc đời bình thường, nụ cười méo xệch nhưng vẫn giữ được chút tếu táo, lạc quan. Hoặc có những phút họ đắm mình trong âm nhạc, thoáng chốc quên đi hình hài "nửa trai nửa gái" để được thấy mình tỏa sáng dù là trên sân khấu tuềnh toàng...
Dù vậy, xem phim Lô Tô không thấy bi lụy, không thấy thương vay khóc mướn, cũng không “tận dụng” đề tài này như một lợi thế. Thậm chí, những câu thoại bật lên trong những tình thế cám cảnh, bi đát khiến người xem bật cười. Có thể họ sống quá lâu trong sự khốn khổ, trong niềm tuyệt vọng nên đành phải xem nó như một trò cười của số phận, hay họ chưa biết sướng nên không biết mình khổ? Nhưng trong những câu chuyện của họ, cái chết luôn hiện hữu ở đâu đó, rất gần, và họ coi nó như một sự giải thoát nghiệp chướng trong hành trình làm người của họ.
Phim Lô Tô không lên gân hay cường điệu hóa hoặc soi mói vào thân phận những người đồng tính này để “câu nước mắt” khán giả. Góc máy của đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn thể hiện một sự bình thản, giản dị và đưa vào đó những gì đúng với hiện thực nhất, để cuối cùng cả phim toát lên không khí chân thực và cảm động.
Bộ phim đưa đến cho người xem thấy một cách sống, hay đúng hơn là một cách chọn lối sống của người đồng tính, chuyển giới – phần đa xuất thân từ tầng lớp lao động, khi họ biết mình là người khác biệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận