Một buổi học dựng phim ngắn ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh, Hội Điện ảnh Việt Nam |
Tuy nhiên, chất lượng của các phim lại không đồng hành với sự phát triển của chúng.
Sự nghiệp bắt đầu từ phim ngắn
Năm 1895, phim ngắn Công nhân rời nhà máy Lumière ở Lyon (1895), của anh em nhà Lumière dài 46 giây ra đời là những thước phim đầu tiên của điện ảnh. Tiếp đó năm 1902, Chuyến du hành mặt trăng của đạo diễn George Méliès vỏn vẹn 16 phút là phim kĩ xảo đầu tiên trên thế giới. Có thể nói, từ buổi khai sinh của điện ảnh, các đạo diễn đã phải học cách làm quen với việc tiết chế kịch bản trong một thời lượng ngắn ngủi. Đây cũng là đặc trưng nghệ thuật quan trọng đầu tiên mà phim ngắn tác động vào sự phát triển của điện ảnh, cụ thể là các bộ phim hài kịch và truyền hình hiện đại: Phải kể được một câu chuyện cụ thể trong quãng thời gian đôi ba chục phút, không hơn.
Ở Việt Nam, phim ngắn đóng vai trò như bài học nghề nghiệp ở dạng bài tập trên lớp hay bài thi tốt nghiệp cho các sinh viên theo học điện ảnh. Không chỉ bởi ít tốn kém mà đó còn là những bài học vỡ lòng như dựng cảnh, diễn giải kịch bản. Hầu hết, các thế hệ đạo diễn nổi tiếng Việt Nam hiện nay đều khởi nghiệp từ phim ngắn như Vũ Ngọc Đãng với Vợ chồng chuột (1999), Victor Vũ với Pháo (1997) vỏn vẹn 20 phút. Họa chăng có Nguyễn Quang Dũng, vào nghề bằng phim dài Con gà trống (2003).
Đó là các đạo diễn dòng phim thương mại. Còn với những người đi sâu vào địa hạt nghệ thuật như Phan Đăng Di hay Bùi Thạc Chuyên đều khởi nghiệp từ dạng phim này. Đạo diễn Phan Đăng Di vào nghề bằng các phim ngắn Sen (2006), Khi tôi 20 (2007). Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên xuất phát từ bộ phim Cuốc xe đêm (2000) có độ dài 20 phút. Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nổi tiếng với phim Đập cánh trước không trung, nhưng sản phẩm đầu tay là phim ngắn Hai, Tư, Sáu (2012).
Có thể thấy, phim ngắn thực sự là bệ phóng mạnh mẽ cho những đạo diễn mới vào nghề. Phim Sen sau khi đoạt giải Khuyến khích tại Liên hoan phim (LHP) ngắn toàn quốc 2005, đồng thời xuất hiện tại LHP Clermont Ferrand - Pháp 2006 đã đưa cái tên Phan Đăng Di trở nên nổi tiếng. Bùi Thạc Chuyên cũng bắt đầu được biết đến sau khi trở thành đạo diễn Việt Nam đầu tiên có giải thưởng ở một LHP cỡ lớn như Cannes nhờ Cuốc xe đêm.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đồng sáng lập LHP ngắn trực tuyến YxineFF cho biết, phim ngắn như tấm môn bài đưa các đạo diễn trẻ vươn tới các giải thưởng lớn, xa hơn là các LHP trong nước và quốc tế để gây dựng tên tuổi, từ đó “họ sẽ chào hàng những dự án phim dài của mình với các quỹ đầu tư, sản xuất phim ảnh”. Minh chứng cho điều này là sau thành công của Cuốc xe đêm, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng được Quỹ Hosobunka (Nhật Bản) hỗ trợ 5 triệu yên cho kịch bản phim tài liệu Tay đào đất (2002).
Phim ngắn biến tướng
Với trung bình 200 phim mỗi năm, phim ngắn ở Việt Nam đã và đang trở thành trào lưu thu hút đông đảo bạn trẻ đam mê điện ảnh. Một số bạn trẻ Việt Nam đã vinh dự được nước ngoài lựa chọn để tài trợ thực hiện phim ngắn. Mới đây, hai nhà làm phim trẻ Phạm Ngọc Lân và Lê Bảo đã cùng một lúc được chọn vào chương trình Atelier, thuộc hạng mục The Cinefondation của LHP Cannes 2017. Theo đó, hai dự án của hai đạo diễn trẻ này lọt vào top 15 dự án trên toàn thế giới được lựa chọn để tài trợ.
Trong nước, sân chơi cho phim ngắn cũng phổ biến và được khuyến khích tại LHP Ong vàng, Lễ trao giải Búp sen vàng, Liên hoan phim Mini Docfest... Chưa kể, nhiều đài truyền hình cũng vào cuộc để thúc đẩy phim ngắn như Đài Truyền hình TP.HCM có Góc phim ngắn, Yan TV có Giờ phim ngắn, VTV có chuyên mục Phim trẻ.
Giải thưởng và LHP khá nhiều, tuy nhiên thường chỉ dừng ở mức giao lưu trong phạm vi một số cơ sở đào tạo cụ thể. Liên hoan WAFM FILM FEST có quy mô trong phạm vi của TPD (Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh Việt Nam), hay LHP Ong vàng vẫn được coi như cuộc chơi của sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Chính bởi tính chất cục bộ này, hiếm có sự kiện nào tạo cầu nối cho các đạo diễn trẻ tới với những nguồn đầu tư đường dài về sau, giống như các LHP quốc tế làm được.
Không chỉ thế, việc dựng phim tương đối đơn giản (chỉ yêu cầu máy ảnh tầm trung và diễn viên ít ỏi) đã thúc đẩy cho một thể loại phim ngắn khác ra đời: Hài giải trí. Các thước phim có nội dung thuần túy gây cười, đôi lúc còn thô tục phản cảm, theo mô thức sitcom truyền hình xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, đặc biệt là Youtube. Không chỉ vậy, những clip phim ngắn có nội dung đơn giản, nhạt nhẽo nhưng gây chú ý bởi những hình ảnh và lời thoại sốc lại có lượng người xem khá lớn. Đơn cử, nhiều phim như: 3 điều ước, Yêu vì tình dục... có lượt xem lên tới hàng chục triệu trên kênh Youtube. Điều này tạo ra ảo tưởng trong suy nghĩ của nhiều người rằng phim ngắn dễ làm, dù thực tế hoàn toàn ngược lại.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, chuyên viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD), đây là điều không thể tránh khỏi do kỹ thuật công nghệ làm phim quá dễ dàng sẽ dẫn tới nhiều bạn trẻ có thể tiếp cận với việc làm phim. Những điều này dẫn tới tình trạng bão hòa phim ngắn. “Dù phim và người làm phim vẫn tăng, thì phim ngắn ở Việt Nam chưa thoát ra khỏi hình thức trào lưu để thực sự phát triển bền vững”, ông Phương chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận