Điện ảnh

Phim ra rạp: Cắt cứ cắt, lọt vẫn lọt

21/02/2017, 13:01
image

Trên thực tế, có những phim bị kiểm duyệt rất chặt, nhưng cũng có phim được cho là ưu ái nới “lỏng tay”.

chay-di-roi-tinh-1-1483030461

Bộ phim “Chạy đi rồi tính” bị dán mác C16 cấm khán giả dưới 16 tuổi.

Bảng tiêu chí phân loại phim tại hệ thống rạp trong nước đã áp dụng được gần hai tháng nay. Tuy nhiên, tới thời điểm này vẫn còn những ý kiến trái chiều quanh cơ chế kiểm duyệt. Trên thực tế, có những phim bị kiểm duyệt rất chặt, nhưng cũng có phim được cho là ưu ái nới “lỏng tay”.

Khi “gắt”, lúc “lỏng tay”

Từ ngày 1/1/2017, Bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo độ tuổi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông qua chính thức có hiệu lực, được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, Bảng tiêu chí phân loại phim có bốn loại dán nhãn: Phim dán nhãn P được phép phổ biến rộng rãi tới mọi khán giả, nhãn C13 cấm khán giả dưới 13 tuổi, C16 cấm khán giả dưới 16 tuổi, nhãn C18 cấm khán giả dưới 18 tuổi.

Với bảng tiêu chí này, không ít khán giả, nhà làm phim, nhà phát hành tỏ ra vui mừng bởi sự phân loại rõ ràng. Tuy nhiên, ngay sau đó, những bức xúc về việc phân loại phim chiếu rạp đã rộ lên. Đầu tiên là bốn bộ phim Việt chiếu Tết, đều dán nhãn C13 hoặc C16. Cụ thể, phim Chạy đi rồi tính bị dán mác C16; Nàng tiên có 5 nhà; Rừng xanh kỳ lạ truyện; Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kung fu bị dán nhãn C13.

Mới đây, bộ phim 50 sắc thái Đen (50 Shades Darker) cũng đã buộc phải lùi ngày chiếu một ngày do Hội đồng thẩm định phim truyện yêu cầu cắt bớt cảnh nhạy cảm. Theo đó, bản gốc của phim có độ dài 118 phút đã bị cắt mất 7 phút còn lại 111 phút khi chiếu tại Việt Nam, phim này được dán nhãn C18.

John Wick 2 (bạo lực) đã phải hoãn lịch chiếu tới hai lần do phải chờ Hội đồng duyệt phim “xem đi xem lại” và phải chỉnh sửa, cắt bớt những cảnh bạo lực cho phù hợp với tiêu chí của Việt Nam. Theo đó, bản gốc của phim là 122 phút đã bị cắt sửa lại và được dán nhãn C18.

Trong khi có những phim bị kiểm duyệt rất “chặt tay” thì cũng có những phim bị đánh giá là “lỏng tay” quá mức. Đơn cử như Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 của Châu Tinh Trì bị nhiều khán giả cho là có rất nhiều cảnh bạo lực, cảnh “trai gái” và cảnh mặc hở hang… nhưng vẫn được dán nhãn P (dành cho đối tượng thông thường). Chính điều này đã khiến nhiều phụ huynh có những phản ứng khá gay gắt, tỏ ra lo ngại khi con trẻ muốn xem phim.

Câu chuyện gây ra cuộc tranh cãi bất tận trên mạng xã hội về việc liệu Hội đồng duyệt phim Quốc gia đã công tâm trong chuyện dán nhãn phim và kiểm duyệt hay chưa?

Ngoài dán nhãn, vẫn phải cắt

Ông Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Poly, đại diện truyền thông của Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu cho biết, ngày mùng 1 Tết Nguyên đán vừa qua khi ông mua vé Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 vì nghĩ phim hài hước và dành cho mọi lứa tuổi. Nhưng vào rạp xem 15 phút thì hoảng hốt vì phim quá ghê rợn và nhiều hình ảnh khiến người lớn, trẻ em trong rạp thì khóc thét vì sợ hãi.

Đại diện Truyền thông Poly cũng phản ánh thêm: Rất nhiều gia đình trong Tết vừa qua muốn xem phim Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu, nhưng vì có con nhỏ dưới 13 tuổi nên bắt buộc phải xem Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2. Và mùa Tết vừa qua, cả ba phim Việt đều ảnh hưởng vì bị dính nhãn C (C13, C16) trong khi phim Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 lại dán nhãn P. Điều này cho thấy phân loại và dán nhãn cũng cần tiêu chí rõ ràng và cụ thể hơn. Ví dụ, có cảnh hôn thì nhãn C13, chửi thề chửi tục hay lộ bầu ngực là nhãn C16;... có vậy mới tạo sự rõ ràng và chính xác cho khán giả khi quyết định và chọn lựa phim. Đồng thời, tạo điều kiện cho nhà làm phim, giúp thị trường phim ảnh có sự cạnh tranh công bằng và minh bạch.

Một đạo diễn có phim chiếu trong dịp Tết (xin phép giấu tên) cũng cho hay: Tới nay, phim doanh thu cao nhất là Em là bà nội của anh với doanh thu 102 tỷ đồng. Tức khoảng 1 triệu lượt xem và chưa có phim nào vượt qua được 1 triệu lượt xem đó. Em là bà nội của anh để dán nhãn P, tức là số lượng khán giả coi phim rạp chỉ trong vòng 1 triệu người trên mấy chục triệu dân. Khi giới hạn nhãn C13, 1 triệu người đó bị mất đi một phần giới hạn, nhãn C16 thì mất thêm một phần nữa, nhãn C18 thì hạn chế thêm khán giả nữa. Do đó, nhãn C (C13, C16, C18) chắc chắn làm giảm số lượng người tiếp cận với phim, dĩ nhiên doanh thu giảm.

Ông Vũ Hải Đăng, Trưởng phòng Phát hành Cụm rạp Platinum, đơn vị phát hành bộ phim John Wick 2 cho biết, những bản phim đơn vị chuyển sang Cục Điện ảnh là cắt 3 phút. Nhưng, “cắt hay không cắt nó đã xảy ra rồi, việc ảnh hưởng tới doanh thu rất là khó đoán” với John Wick 2. Nhiều người nghĩ rằng, có phân loại phim thì sẽ không cắt, tuy nhiên còn Luật Điện ảnh và Hội đồng duyệt phim.

Ngược lại với sự kêu ca của nhà sản xuất, ông Vũ Hải Đăng nhìn nhận việc dán nhãn phim đã cho thấy sự thông thoáng hơn. Bởi “nếu như trước đây, phim quá bạo lực sẽ bị cấm chiếu nhưng khi có phân nhãn thì phim đó chỉ bị cắt thôi”, ông Đăng nói.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.