Điện ảnh

Phim truyền hình Việt, ngựa non khó chạy đường dài

15/11/2017, 07:35

Làm nhiều phần có là thách thức lớn đối với các nhà làm phim truyền hình Việt Nam?

20

“Những ngọn nến trong đêm” phần 2 gây thất vọng khi có chất lượng kém xa phần đầu ra mắt năm 2002

Đuối sức đường trường

Phim truyền hình ăn khách giống như mỏ vàng, không thể vét trọn giá trị trong một nhát cuốc đầu tiên. Nhận định này đến giờ vẫn chính xác, đặc biệt ở giới làm phim truyền hình Mỹ. Mọi bộ phim lên sóng trót lọt qua nửa thời lượng phần đầu tiên cầm chắc sẽ có phần kế tiếp. Nhẹ nhàng thì 5-7 mùa như: Game of Throne, Breaking Bad, dài hơi thì có khi tới cả chục mùa như: X-Files, Supernatural, Smallvile… Nhiều khán giả đã đúc kết ra chân lý: Chỉ cần còn vắt sữa được, dù phải hồi sinh nhân vật theo những cách vô lý để câu lượt xem, nhà sản xuất vẫn sẽ cắn răng làm. Dù vậy, cũng có những loạt phim kéo dài không chỉ vì lợi nhuận, mà bởi nó đã trở thành một thứ văn hóa. Điển hình loạt Dr.Who của đài BBC (Anh), được yêu thích quá mức đến nỗi tới nay đã có 26 phần ra mắt cùng 839 tập phim.

Trong khi đó, màn ảnh nhỏ Việt Nam rất hiếm các chất lượng. Đếm ra chỉ có Cảnh sát hình sự, chạy dài từ năm 1996 tới bây giờ, hoặc 5 phần phim của Kính Vạn Hoa và 2 phần đầu của Hoa cỏ may. Còn lại đều là những nỗ lực khai thác phần tiếp theo bất thành. Điển hình nhất là Những ngọn nến trong đêm, từng là hiện tượng phim tình cảm vào năm 2002, nhưng bị ném đá dữ dội khi trở lại vào tháng 7/2016 với đủ mọi yếu điểm về kịch bản, diễn xuất, lồng tiếng. Bản thân phim Hoa cỏ may khi ra mắt phần 3 hồi tháng 10 năm nay cũng bị chê tan nát do “thiếu logic”, “diễn xuất giả tạo”. Ma làng, Tuổi thanh xuân… đều là các sản phẩm mà phần 2 chạy không theo kịp phần 1 về chất lượng.

Đạo diễn Đỗ Chí Hướng chia sẻ khi được giao làm phần tiếp theo của phim Những đứa con biệt động Sài Gòn, ông không tránh khỏi áp lực: “Sau khi biết sự nổi tiếng của Những đứa con biệt động Sài Gòn phần 1 thì thật lòng tôi cảm thấy hơi lo lắng bởi cái bóng phần 1 quá lớn, không biết mình có vượt qua được không”. Và đúng là khi ra mắt năm 2015, phần 2 chìm nghỉm trong vô số bộ phim hình sự cùng thời. Nhà biên kịch Bích Thủy cũng đầy ngậm ngùi khi nói về dự án Trở về phần 2 rằng: “Lúc Trở về phần 2 phát sóng, nhiều người cho rằng, phần 2 không hay bằng phần 1 bởi câu chuyện phần 1 đề cập đến vấn đề gần gũi hơn”.

Chưa có tính toán dài hơi

Khai thác phần tiếp theo bất thành ở phim truyền hình Việt xuất phát từ nhiều lý do, khâu đầu tiên vẫn là kịch bản. Nhà biên kịch Bích Thuỷ cho rằng: “Với vốn sống và kỹ năng viết kịch bản của tác giả chưa chuyên nghiệp như hiện nay, việc kéo dài phim 30 tập là đã oải lắm rồi. Vì thế, việc tiếp tục thực hiện phần 2, phần 3 của phim là thách thức lớn với biên kịch và đạo diễn Việt”. Thực tế chứng minh, 3 phần dường như là cực hạn với hầu hết các nhà biên kịch Việt hiện nay.

Không chỉ thế, nhiều dự án làm tiếp hoặc đổi đạo diễn, hoặc đổi diễn viên hoặc… đổi cả 2 khiến khán giả thấy xa lạ. Những ngọn nến trong đêm là trường hợp đổi đạo diễn khiến phần 2 có màu sắc hoàn toàn khác. Còn những Hoa cỏ may, Ma làng vấp phải trường hợp người cũ không góp mặt khiến khán giả cụt hứng, nội dung phim xáo trộn. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng điên đầu khi tìm người thay thế NSƯT Hồng Sơn cho vai Dỏ trong Ma làng: “Ðó là điều mà đoàn phim từng đau đầu. Cuối cùng khi viết kịch bản, tôi đành viết nhân vật này ít đất diễn hơn. Viết nhiều là điều nguy hiểm, bởi sẽ rất khó tìm diễn viên đóng đạt như Hồng Sơn”.

Sau cùng, ngành sản xuất phim truyền hình Việt chưa có ý thức đi đường dài ngay từ đầu, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần phân tích: “Như phim Thái sư Trần Thủ Độ, xây dựng hậu cảnh rất ghê nhưng xong phần 1 là đập bỏ, không tính đến làm dự án nối tiếp. Nước ta hầu như chỉ tính chuyện làm một phần là hết cỡ”. Tác giả Những ngọn nến trong đêm phần 1, đạo diễn Vũ Hồng Sơn cũng thừa nhận: “Khi quay Những ngọn nến trong đêm phần 1, làm được chừng ấy là đã nín thở không biết khán giả đón nhận ra sao, nữa là tính tới việc làm dài hơn”. Tựu chung, thiếu tính toán dài hơi là yếu tố chết người khiến phim Việt chẳng có mấy đại diện có phần tiếp theo vừa lòng khán giả. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.