Điện ảnh

Phim Việt bao giờ hết cảnh “chầu rìa” Oscar?

23/03/2016, 07:25

Các đơn vị sản xuất được mời gửi phim tham gia vòng tuyển chọn, nhưng cũng chưa đủ tự tin gửi phim tham dự.

Phim Mùi đu đủ xanh
Cảnh trong phim “Mùi đu đủ xanh”

Dõi theo giải thưởng điện ảnh danh giá Oscar diễn ra vừa qua, không ít khán giả yêu mến điện ảnh Việt đặt câu hỏi bao giờ điện ảnh Việt được một lần chạm tay vào giải thưởng danh giá này, để “mở mày mở mặt” với thế giới.

Mơ “trúng số”

Khi giới làm phim nghe được thông tin phim hài Trúng số (Đạo diễn Dustin Nguyễn) được lựa chọn đi tranh giải Oscar, nhiều người khá bất ngờ vì từ trước tới nay, điện ảnh Việt chưa có tiền lệ gửi phim hài đến một “ông lớn” như Oscar. Bao nhiêu những tác phẩm điện ảnh được đầu tư kỹ lưỡng còn chưa ăn ai, nữa là một bộ phim thương mại do tư nhân đứng ra sản xuất.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một thành viên trong Hội đồng Quốc gia tuyển chọn phim, Trúng số tuy chưa phải là một bộ phim hoàn hảo nhưng đối chiếu với tiêu chí xét duyệt thì bộ phim này đáp ứng được hơn cả nên được Hội đồng duyệt đánh giá là tiệm cận mức độ thành công nhất định nên cho điểm nhiều hơn phim khác.

Bởi lẽ, tính tới nay, đã có khoảng 10 phim từng vinh dự đại diện nền điện ảnh Việt Nam đi tranh giải Oscar như: Mùi đu đủ xanh (đạo diễn Trần Anh Hùng, 1994), Mùa len trâu (đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, 2006), Chuyện của Pao (đạo diễn Ngô Quang Hải, 2007), Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh, 2008), Đừng đốt (đạo diễn Đặng Nhật Minh, 2010), Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh, 2012), Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười, 2013) và gần đây nhất là Trúng số (đạo diễn Dustin Nguyễn, 2015).

Tuy nhiên, mới chỉ có một lần duy nhất phim Việt chạm tay rất gần tới giải Oscar. Đó là khi bộ phim Mùi đu đủ xanh nhưng lại của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử 5 phim cuối cùng cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 1994 tại Oscar lần thứ 66. Còn lại, các bộ phim khác đều “lỗi hẹn” Oscar với rất nhiều lý do khác nhau như tính thời sự, không có diễn viên ngôi sao và điều quan trọng là phim của chúng ta chưa từng biết đến ở bất cứ quốc gia nào khác trước khi tham dự giải.

Đạo diễn Hữu Mười cho hay, đã có 5 Hội đồng tuyển chọn phim Việt tham dự giải Oscar khỏi cần làm việc vì Cục Điện ảnh không chọn được phim nào để trình lên xét duyệt. Nguyên nhân là dù các đơn vị sản xuất được mời gửi phim tham gia vòng tuyển chọn, nhưng cũng chưa đủ tự tin gửi phim tham dự.

Phim Việt tham dự giải gì cũng là quá sức

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, một bộ phim đại diện quốc gia tham dự một giải thưởng lớn như Oscar không thể nằm ngoài quy luật chung, đó là bộ phim phải được biết đến nhiều hơn tại quốc tế chứ không chỉ là trong nước, trước khi nó được Nhà nước gửi đi. Hơn nữa, ở các nước muốn được chọn đi Oscar cũng phải chi một khoản tiền không nhỏ để quảng bá phim và phải cạnh tranh khá gay go.

Còn ở Việt Nam, việc lựa chọn phim được phó thác cho Cục Điện ảnh, kết quả ra sao cũng không ai kêu ca, phàn nàn. Bởi, các nhà sản xuất hiểu được một điều “cá bé thì chưa thể vươn ra biển lớn”.

Đạo diễn Phan Đăng Di, người có nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế nhận định về tình trạng phim Việt như sau: “Khoảng cách từ việc gửi phim đi dự Oscar tới nhận giải đối với phim Việt là rất xa, bởi sự cạnh tranh ở đây rất lớn. Hơn nữa, điện ảnh Việt Nam cũng chưa đủ chất lượng để có thể đi vào các vòng sâu hơn”.

Theo chia sẻ của biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Ủy viên Hội đồng Quốc gia tuyển chọn phim, phim Việt tham dự giải gì cũng là quá sức, nhưng không thể vì thế mà không tham gia. So với kết quả chung của điện ảnh khu vực, các nhà làm phim Việt còn bị hạn chế và bó buộc rất nhiều. Lý do thì “muôn thuở”, tài năng còn thiếu, nghệ sĩ chưa đủ tầm, môi trường đào tạo và làm nghề cho đến cơ chế bồi dưỡng, phát huy tối đa tài năng còn chưa được quan tâm sâu sắc.

Đạo diễn Hữu Mười thẳng thắn cho biết: “Nếu có đưa 5 triệu đôla để làm phim, chưa chắc Việt Nam đã có thể làm tốt. Vì không chỉ riêng chuyện thiếu nguồn vốn, điện ảnh Việt còn thiếu đội ngũ chuyên gia có thể làm chủ công nghệ sản xuất phim hiện đại”.

Tương tự, ông Bình Minh, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM nhận định: “Để vươn tới tầm Oscar, chúng ta còn phải chuẩn bị nhiều thứ như nhân lực, kịch bản, đạo diễn...”.       

Chỉ cần nhìn lại những bộ phim đã từng được chọn đi dự Oscar, dễ dàng thấy chưa có phim nào mang tính toàn cầu mà chỉ loanh quanh ở phạm vi đề tài mang đậm bản sắc dân tộc. Ngay cả Mùi đu đủ xanh dù được đánh giá khá cao, nhưng xét ra vẫn là bộ phim nghệ thuật mang đậm chất Việt.

Vì thế, bộ phim đành dừng bước trước Belle Epoque (Kỷ nguyên đẹp đẽ) - tác phẩm điện ảnh của Tây Ban Nha - một bộ phim cũng khai thác đề tài chiến tranh nhưng không “đao to, búa lớn”, ngược lại chiến tranh chính là cái cớ cho câu chuyện tình yêu tinh tế và đầy tính nhân văn, ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

                 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.