Tạo hành lang pháp lý với OTT TV
Ngày 13/10, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội nghị Phổ biến Nghị định số 71/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Một trong những nội dung được quan tâm tại Hội nghị là việc quản lý và chế tài xử lý vi phạm đối với các nội dung trên không gian mạng , đặc biệt với các dịch vụ xuyên biên giới.
Phim "Little women" bị yêu cầu gỡ khỏi Netflix Vietnam vì nội dung xuyên tạc lịch sử
Theo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu (VOD) phải thực hiện biên tập chặt chẽ bởi cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình.
Tuy nhiên, nội dung VOD trên các dịch vụ OTT TV (dịch vụ truyền hình xuyên biên giới, cung cấp trực tiếp qua Internet) của doanh nghiệp nước ngoài lâu nay không biên tập, phân loại, cảnh báo theo quy định pháp luật Việt Nam, dẫn tới nhiều nội dung vi phạm các điều cấm, như xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam; vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Gần đây nhất là vụ việc phim "Little women" đã bị yêu cầu gỡ bỏ khỏi nền tảng Netflix. Đây là lần thứ 5 Netflix bị cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam buộc gỡ phim có nội dung vi phạm.
Việc Nghị định 71 được ban hành đã bổ sung nhiều quy định quản lý mới, được cho là tạo hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn nhằm đưa hoạt động của các loại hình cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình đi vào khuôn khổ.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm nhận định, điểm nổi bật của Nghị định 71 là tạo mặt bằng pháp lý chung giữa doanh nghiệp Việt Nam cung cấp các dịch vụ trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam sẽ được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý, tránh bảo hộ ngược, tránh tình trạng lâu nay là “không quản lý” các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới mà chỉ quản lý doanh nghiệp trong nước.
Phối hợp chặt chẽ để kiểm soát
Liên quan đến các nội dung phim phổ biến trên không gian mạng bị phát hiện vi phạm xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền lãnh thổ, lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, thời gian qua do Luật Điện ảnh 2016 và các quy định chưa theo kịp sự phát triển nên Bộ TT&TT đang đứng ra yêu cầu các doanh nghiệp có phim vi phạm phải gỡ bỏ.
Từ ngày 1/1/2023, Bộ VH,TT&DL sẽ được quyền gỡ phim xuyên tạc lịch sử Việt Nam trên nền tảng Internet
Nhưng từ ngày 1/1/2023, khi Luật Điện ảnh và các Nghị định, Thông tư liên quan có hiệu lực thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) sẽ có trách nhiệm, thẩm quyền cảnh báo, yêu cầu gỡ bỏ các phim vi phạm khỏi không gian mạng, chứ không cần gửi văn bản sang Bộ TT&TT.
Việc cơ quan quản lý nhà nước trao quyền nhiều hơn cho các doanh nghiệp kiểm soát nội dung là chủ trương quản lý theo phương pháp hậu kiểm, cởi mở nhưng không buông lỏng. Tuy nhiên, do khối lượng nội dung đưa lên không gian mạng rất lớn, nhiều chuyên gia đặt vấn đề cần ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát hiện nội dung vi phạm.
Ông Nguyễn Hà Yên - Phó Cục trưởng Cục PT,TT&TTĐT nói rằng bên cạnh kênh thông tin phản ánh nhanh và hiệu quả từ khán giả, một số diễn đàn phim, các nhà quản lý cũng chưa tìm ra công cụ đủ thông minh để quét nội dung hình ảnh, âm thanh và ký tự vi phạm.
“Với xu thế công nghệ hiện nay, doanh nghiệp được trao quyền nhiều hơn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thực hiện song song biện pháp kiểm tra giám sát và đầu tư công nghệ”, ông Nguyễn Hà Yên nói.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết Bộ TT&TT phối hợp với Bộ VHTTDL quản lý phim trên không gian mạng trong một số trường hợp cần thiết và liên quan tới hạ tầng mạng. Trong thời gian tới, hai bộ tính tới giải pháp hình thành trung tâm giám sát phim trên không gian mạng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận