Nhiều người dùng điện thoại bất ngờ với những dịch vụ “từ trên trời rơi xuống” |
Dịch vụ chạy ngầm “bẫy” khách
Được bạn bè mách cách tra cứu thông tin cước điện thoại trên mạng, chị N.T.A, chủ nhân thuê bao Vinaphone 0912108xxx, bỗng phát hiện ngày nào cũng bị trừ tiền cho dịch vụ Baloga với phí gần 3.000 đồng/ngày. “Khi tôi bốc máy hỏi nhà mạng mới biết Baloga là dịch vụ cung cấp thông tin về du lịch. Hỏi vì sao không hề đăng ký Baloga, cũng không nhận được tin nhắn nào về du lịch, mà dịch vụ này lại tự động kích hoạt trừ tiền đều đặn hàng ngày, tôi được giải thích vòng vèo. Đại loại đây là dịch vụ của đối tác Vinaphone. Trong quá trình lên các trang mạng, nếu tôi trót bấm nhầm vào banner thì dịch vụ Baloga sẽ được kích hoạt vào điện thoại. Cùng lúc đó, sẽ có tin nhắn hiện lên trong máy thông báo dịch vụ đã được kích hoạt, tuy nhiên nếu khách hàng không đọc và soạn tin hủy thì cứ âm thầm chịu mất tiền... Làm ăn như vậy, có khác nào nhà mạng tiếp tay cài bẫy khách hàng?”, chị A. thông tin.
Một trường hợp khác, anh N., chủ nhân số thuê bao 090328xxxx của MobiFone cũng bất ngờ với kết quả tra cứu dịch vụ gia tăng với 2 gói phải trả tiền gồm: TVSHOW (3.000 đồng/ngày) và FUNRING. Khi phản ánh lên tổng đài, nhân viên trực trả lời chủ thuê bao đã xác nhận đăng ký. Tuy nhiên, về phía mình, anh N. khẳng định: “Tôi không có nhu cầu và cũng chưa từng đăng ký dịch vụ này. Nhà mạng nói như thế khác nào đẩy phần rủi ro cho khách hàng khi hai năm qua, ngày nào thuê bao của tôi cũng bị trừ tiền vì dịch vụ mà chưa hề trải nghiệm dù chỉ một lần”, anh N. đặt vấn đề.
Ngay sau khi phản ánh kết quả tra cứu (ngày 6/1), điện thoại của anh N. đã nhận được tin nhắn từ nhà mạng: “Bạn vừa hủy thành công gói cước giọng hát Việt” (gói cước này thuộc chương trình TVSHOW-PV) trong khi anh N. khẳng định chưa từng nhắn tin hủy dịch vụ này.
Trên thực tế, không chỉ chị N.T.A, anh N., nhiều người cũng đang là “nạn nhân” của các dịch vụ giá trị gia tăng của hai nhà mạng nói trên.
Sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm
Được biết, thời gian qua, nhiều lần, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông chỉ được kích hoạt dịch vụ giá trị gia tăng khi có được sự đồng ý, xác nhận của khách hàng, trừ cước đúng chu kỳ và bảo đảm các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin không được tác động đến hoạt động đăng ký và trừ cước của thuê bao. Tuy nhiên, bất chấp quy định trên, tình trạng dịch vụ “chạy ngầm” vào thuê bao di động khi khách hàng “lỡ tay ấn nhầm” vào đường link hoặc banner trên mạng vẫn khá phổ biến, như Báo Giao thông đã phản ánh ở trên.
Nếu thuê bao di động bị kích hoạt dịch vụ, bị trừ tiền trong tài khoản mà đơn vị cung cấp không có hợp đồng, thỏa thuận trước với khách hàng; Người tiêu dùng không đăng ký sử dụng dịch vụ, không biết bị kích hoạt dịch vụ, không có thông tin đầy đủ về dịch vụ, giá cước dịch vụ mà vẫn bị thu tiền thì đơn vị cung cấp đã vi phạm các quy định Điều 4, Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2005, vi phạm Khoản 2, Khoản 3 Điều 8; Khoản 5, Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, vi phạm Khoản 6, Điều 12; Khoản 2, Điều 13 Luật Giá năm 2012, vi phạm Khoản 3, Điều 25; Điểm b, Khoản 1, Điều 16 Luật Viễn thông năm 2009 và Khoản 1, 2, 3 Điều 78 Luật Thương mại năm 2005. (Theo đại diện Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông) |
Đáng nói, khi khách hàng có phản ánh về việc mất tiền “oan” cho cước dịch vụ chạy ngầm thường chỉ được nhà mạng giải quyết “êm ấm” bằng cách hỗ trợ hủy dịch vụ!?
Về vấn đề công khai giá dịch vụ thuê bao di động, nhiều khách hàng cũng đặt câu hỏi: Tại sao nhà mạng không kê khai cước phí sử dụng dịch vụ gia tăng ngay trong thông báo tiền cước hàng tháng hay hóa đơn thanh toán để khách hàng có thể kiểm soát đối với tất cả khoản phí mình phải trả? Trả lời thắc mắc này, đại diện nhà mạng Vinaphone cho hay: “Khách hàng có thể chủ động tra cứu dịch vụ giá trị gia tăng bằng cách soạn tin nhắn hoặc trên website. Việc in kèm thông tin dịch vụ đang sử dụng trên hóa đơn chỉ là nhu cầu một số ít khách hàng. Vì vậy, nếu thực hiện với hàng triệu thuê bao sẽ gây tốn kém, lãng phí không cần thiết”.
PV Báo Giao thông đã chuyển thông tin một số thuê bao bị trở thành “khách hàng bất đắc dĩ” đến các nhà mạng nói trên, nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi thỏa đáng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện tượng chạy ngầm dịch vụ giá trị gia tăng đã diễn ra từ lâu. Cơ quan chức năng cũng đã và đang bổ sung, hoàn thiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan quy định để quản chặt hơn hoạt động của doanh nghiệp viễn thông nhằm chấn chỉnh tình trạng này. “Để phân định rõ đúng sai cần dựa trên trường hợp, chứng cứ cụ thể. Trước thông tin báo phản ánh, chúng tôi sẽ làm việc với từng nhà mạng để xác minh và xử lý nếu có sai phạm”, vị đại diện khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận