Giá vàng nhảy múa như vừa qua thì công tác quản lý nhà nước thế nào?
Sáng 13/5, thảo luận tình hình phát triển kinh tế xã hội 2023 và những tháng đầu năm 2024, báo cáo của Chính phủ đánh giá quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập.
Cùng quan điểm, trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Phát biểu ý kiến về vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: Giá vàng nhảy múa như vừa qua thì công tác quản lý nhà nước thế nào?
"Không lẽ cứ để giá vàng nhảy múa như thế. Thị trường gì thì thị trường nhưng không thể có thị trường "nhảy múa" như thế được. Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng giảm đột biến như vậy. Tôi đề nghị làm rõ công tác quản lý nhà nước về vấn đề này", ông Phương nhấn mạnh.
Phát biểu thêm về vấn đề này, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn tại sao thị trường vàng lại "nhảy múa" và có thời điểm đạt mức cao lên tới hơn 92 triệu đồng/lượng. Bà Thanh, đề cập rộng hơn giữa sự biến động của giá vàng thời gian qua với môi trường đầu tư, kinh doanh.
"Nguồn vốn đầu tư tư nhân đang thấp, song đầu tư vào vàng lại cao, phải chăng người dân không tin tưởng vào đầu tư cho sản xuất, kinh doanh", bà Thanh đặt câu hỏi.
Tiếp sau đó, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu, việc giá vàng "nhảy múa" như vừa qua làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, tác động đến lạm phát trong nước. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát sao diễn biến giá vàng trong nước và thế giới, có phương án điều hành linh hoạt, kịp thời cân bằng mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát.
"Tình trạng biến động của thị trường vàng trong nước là vấn đề chúng ta quan tâm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng, ông Mẫn nói.
Tiếp tục thanh tra hoạt động kinh doanh, mua bán vàng
Phát biểu làm rõ về sự biến động của giá vàng, tại buổi thảo luận, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho rằng giá vàng trong nước tăng cao một phần đến từ tác động của giá vàng thế giới.
"Hôm nay, giá vàng thế giới ở mức 2.358 USD/ounce - tăng khoảng 14% so với đầu năm. Giá vàng trong nước thời gian qua tăng theo giá thế giới", Hà nói.
Ngoài ra, nguồn cung trong nước hạn chế cũng khiến giá vàng miếng trong nước có mức chênh lệch cao so với giá thế giới.
Về giải pháp, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trước mắt Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cung vàng miếng cho thị trường. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các phiên đấu thầu để tăng cung vàng miếng.
Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục các phiên đấu thầu tiếp theo từ đó giúp ổn định giá cả, giảm chênh lệch vàng SJC với giá vàng thế giới.
Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo đối với các chi nhánh tại 63 tỉnh, thành tăng quản lý với thị trường vàng. Tiếp tục triển khai thanh tra với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có tham gia hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng.
Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật như xuất hoạt đơn chứng từ, kiểm soát giao dịch mua bán.
"Đến ngày hôm nay (13/5), giá vàng trong nước có sự chuyển biến và giảm so với cuối tuần trước. Dự kiến ngày mai, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu vàng tiếp theo.
Trong tuần này sẽ tổ chức hai phiên thay vì một phiên như trước với mục tiêu tăng cung cho thị trường để đảm bảo ổn định nguồn cung và giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới", Phó thống đốc Phạm Thanh Hà thông tin.
Sau khi leo lên mức 92 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra vào tuần trước, giá vàng SJC sáng nay đã giảm mạnh về quanh mức 88 triệu đồng/lượng. Giá vàng liên tiếp giảm sau chỉ đạo của Chính phủ về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng.
Cụ thể, lúc 9h sáng nay, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 85,85 - 88,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 3,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 2,8 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với hôm qua.
Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,9- 76,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 950 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 85,5 - 87,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); giảm 500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên mức giá niêm yết ở chiều bán ra so với hôm qua.
Giá vàng giảm ngay sau khi Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng; trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận