Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Ngày 9/9, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023" làm việc với Chính phủ.
Phó chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo khái quát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) từ năm 2009 đến hết năm 2023.
Bộ trưởng cho biết, trong thời gian qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng công an nhân dân và ngành giao thông, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tai nạn giao thông (TNGT) tiếp tục được kiềm chế và giảm qua các năm, hạn chế ùn tắc giao thông; chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT, nhất là các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ rõ công tác bảo đảm TTATGT còn một số tồn tại, phức tạp.
TNGT tuy được kiềm chế nhưng vẫn ở mức cao, thiệt hại do TNGT đối với xã hội vẫn ở mức nghiêm trọng. Vẫn còn xảy ra ùn tắc giao thông nhất là những ngày nghỉ lễ, tết, vi phạm TTATGT có nơi, có lúc diễn ra nhiều.
Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm TTATGT từ năm 2009 đến hết năm 2023 cũng như dự thảo báo cáo của UBTVQH về giám sát chuyên đề này.
Đa số các ý kiến nhận thấy, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp thực hiện để đảm bảo TTATGT đường bộ, việc chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật về giao thông đường bộ cơ bản đạt kết quả tốt.
Sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương rất quyết liệt. Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để đảm bảo TTATGT trên cả 5 lĩnh vực khá đầy đủ, toàn diện, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải.
TNGT trên các lĩnh vực tiếp tục được kiềm chế, giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương qua các năm. Phương tiện vận tải tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân tham gia giao thông ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng trong báo cáo cũng như các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực TTATGT còn một số tồn tại, bất cập; hạn chế và nguyên nhân ở từng lĩnh vực còn chung chung.
Do đó, các báo cáo và văn bản quy phạm pháp luật này cần được rà soát, làm rõ và cụ thể hơn; các giải pháp cần rõ ràng hơn, có giải pháp chung và giải pháp riêng, đặc thù đối với từng lĩnh vực giao thông.
Sau khi cùng lãnh đạo các bộ, ngành giải trình, làm rõ các vấn đề mà các thành viên Đoàn giám sát nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Các ý kiến tham gia góp ý rất tâm huyết, thiết thực, góp phần giúp cho Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thiện báo cáo cũng như hoàn thiện thể chế liên quan đến TTATGT.
"Thông qua đó sẽ thực hiện tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, phối hợp tốt hơn với Quốc hội, các bộ, ngành và các địa phương trong việc bảo đảm TTATGT, phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông", Bộ trưởng nói.
Tiếp tục hoàn thiện các nhóm giải pháp
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, cơ bản Đoàn giám sát tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, gồm cả báo cáo của Chính phủ, ý kiến tiếp thu, giải trình của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Sau cuộc làm việc này, đề nghị Thường trực Đoàn giám sát hoàn thiện sớm báo cáo để gửi xin ý kiến Chính phủ kèm theo dự thảo Nghị quyết trước khi báo cáo UBTVQH.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các báo cáo về nhận định, đánh giá cần cụ thể, xác thực hơn, tiếp tục bám sát mục đích, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội.
Đối với đánh giá chung cần khẳng định được Chính phủ, các bộ ngành đã tham mưu cho Quốc hội, UBTVQH thông qua nhiều bộ luật có tính chất quyết định.
Hệ thống chính sách pháp luật về đảm bảo TTATGT cần được hoàn thiện. Báo cáo cần bổ sung đánh giá về việc triển khai hai Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ, các thông tư, nghị định do Chính phủ ban hành...
Cần phân tích kỹ hơn các nhóm nguyên nhân, kể cả chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, xây dựng ý thức văn hóa giao thông, hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển các loại hình giao thông và khắc phục các hậu quả tiếp theo.
Cần hoàn thiện các nhóm giải pháp, gồm cả giải pháp chung và giải pháp cho từng loại hình giao thông như trong báo cáo.
Đồng thời, thống nhất các nhóm kiến nghị đúng chức năng của Quốc hội, của Chính phủ, cụ thể các nội dung cả về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, về công tác quản lý giao thông, hạ tầng giao thông, về phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và khắc phục hậu quả mất TTATGT.
Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thay mặt Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành hoàn chỉnh báo cáo của Chính phủ và làm rõ những vấn đề đã nêu, tham gia hoàn chỉnh Báo cáo của Đoàn giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết của UBTVQH.
Bộ Giao thông vận tải cần tham khảo kinh nghiệm của một số nước phát triển và tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu sử dụng tàu bay không người lái để phát triển giao thông hàng không.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận