Thông tin được ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank) nói tại buổi họp báo kinh tế, xã hội TP.HCM, chiều 21/3.
Lãnh đạo Eximbank cho biết ngân hàng sẽ thống nhất một số lãi nhất định với khách hàng P.H.A, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa hai bên.
"Dứt khoát không có chuyện ngân hàng thông báo nợ 8,8 tỷ đồng là thu đủ 8,8 tỷ đồng", ông Vũ nhấn mạnh.
Theo ông Vũ, chính sách lãi, phí của thẻ tín dụng quốc tế được ngân hàng xây dựng dựa trên thông lệ của thị trường, xét đến yếu tố cạnh tranh và phù hợp nhu cầu của khách hàng.
Trong vụ khách hàng P.H.A nợ thẻ tín dụng hơn 8,5 triệu thành nợ xấu hơn 8,8 tỷ đồng, ông Vũ cho hay, theo quy trình xử lý nợ thẻ quá hạn, cán bộ phụ trách phải căn cứ vào quá trình nợ để đề xuất lãnh đạo mức lãi, phí phù hợp. Mức phí này cần được trình cấp lãnh đạo duyệt, rồi mới gặp hoặc thông báo với khách hàng.
Đối với trường hợp của khách hàng P.H.A, ông Vũ cho biết do khách hàng nợ thẻ quá hạn 11 năm. Về quy trình xử lý nợ thông thường, cán bộ xử lý nợ phải căn cứ tình hình nợ thẻ của khách hàng để đề xuất cấp lãnh đạo mức thu phí, lãi trước khi làm việc với khách hàng.
"Chắc chắn sẽ không có khoản nợ 8,8 tỷ đồng như vừa qua", lãnh đạo Eximbank nói thêm rằng đây là trường hợp cá biệt từ trước đến nay.
Cũng tại họp báo, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng nhà nước, chi nhánh TP.HCM cho biết, Eximbank đã báo cáo về trường hợp khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng thành 8,8 tỷ đồng sau 11 năm.
Theo ông Tuấn, Eximbank đã tính lãi kép, tức lãi chồng lãi. Một số đơn vị phát hành thẻ tín dụng cũng áp dụng cách tính này. Tuy nhiên, mức lãi suất, phí, lãi phải được tư vấn đầy đủ cho khách hàng, đảm bảo những biến động số dư tài khoản bằng email, tin nhắn.
Sau vụ việc này Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng rà soát lại những khách hàng, chủ thẻ không sử dụng, làm việc, thống nhất với khách hàng để tránh các trường hợp tương tự.
"Ngân hàng hoạt động trên chữ tín, nếu để những việc như thế này thì ảnh hưởng nhiều đến thương hiệu, suy giảm đến uy tín với khách hàng. Do đó, cần phải chú trọng giải quyết để đảm bảo quyền lợi khách hàng", ông Tuấn nói.
Như Báo Giao thông đã thông tin, cách tính lãi chồng lãi, phí của Eximbank với thẻ tín dụng từ dư nợ gốc 8,5 triệu, theo giới ngân hàng, là "rất bất thường".
Theo cách tính lãi trên dư nợ gốc của các ngân hàng khác trên thị trường, khoản nợ thẻ 8,5 triệu đồng từ năm 2013 nếu tính tới 2023, chỉ từ vài chục triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cách tính lãi mẹ đẻ lãi con của Eximbank khiến số nợ này lên tới con số "khủng" và bất thường 8,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, việc để cho một khoản nợ thẻ tín dụng kéo dài 11 năm cũng khiến giới ngân hàng đặt câu hỏi về quy trình của Eximbank. Ngoài việc gửi văn bản, thông thường các nhà băng sẽ nhắn tin cũng như có nhân sự để gọi điện nhắc nợ liên tục.
Trước đó, Báo Giao thông đã thông tin về việc ông P.H.A tại Quảng Ninh sử dụng thẻ tín dụng của Eximbank và nợ hơn 8,5 triệu đồng vào năm 2013, đến năm 2023 khoản nợ này tăng lên thành hơn 8,83 tỷ đồng , trong đó phần nợ lãi là hơn 8,8 tỷ đồng và 8,5 triệu đồng là nợ gốc.
Ông H.A nói từ năm 2013, ông nhờ một nhân viên làm việc tại chi nhánh Eximbank ở Quảng Ninh đăng ký mở một thẻ tín dụng. Nhưng thực tế sau đó, ông không được nhận thẻ tín dụng này và không phát sinh chi tiêu.
Đến năm 2017, khi đến một ngân hàng khác vay vốn, ông mới được nhân viên thông báo phát sinh nợ xấu tại Eximbank và không được vay vốn. Khi đó, ông mới biết mình nợ tín dụng.
Trong 5 năm đó, ông cũng không nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía Eximbank kể cả bằng văn bản rằng ông bị nợ xấu. Ông khẳng định chữ ký trong biên lai hai giao dịch đều không phải của mình.
Về phía Eximbank, ngân hàng lại cho biết cách tính lãi, phí này hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng theo hồ sơ mở thẻ có đầy đủ chữ ký ngày 15/3/2013.
Ngân hàng cho biết, ông P.H.A phát sinh 2 giao dịch thanh toán vào các ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ thẻ nêu trên đã nợ chuyển thành nợ xấu, thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo là gần 11 năm.
Tuy nhiên, ông P.H.A lại nhấn mạnh rằng những chia sẻ từ phía ngân hàng là không chính xác.
Trong thông cáo phát ra chiều 20/3, Eximbank cho biết đại diện ngân hàng đã gặp gỡ khách hàng P.H.A tại Hà Nội. Ngân hàng và khách hàng đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ. Hai bên thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi hợp lý hợp tình cho cả hai bên.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn yêu cầu chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Eximbank bố trí lãnh đạo Eximbank trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.
Đại diện nhà điều hành cũng yêu cầu ngân hàng khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận