Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, việc nghiên cứu xe bus dành riêng cho phụ nữ mới chỉ trong quá trình khảo sát, đánh giá |
Phải khảo sát, đánh giá, nếu hiệu quả mới báo cáo Thành phố
Sáng 26/12, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội đã chính thức quyết định chủ trương tổ chức xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em. UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội - Sở GTVT Hà Nội chủ trì thí điểm xe buýt riêng dành cho phụ nữ.
Theo kế hoạch, xe buýt dành riêng cho phụ nữ sẽ được bố trí trên 3 trục chính bao gồm: Trục đường số 1 đi về phía Nam của thành phố (khu vực trục đường Giải Phóng). Trục số 2 là hướng về Quốc lộ 6 (đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân). Trục số 3 là hướng Quốc lộ 32 (Cầu Giấy – Xuân Thủy).
Những tuyến xe buýt này chủ yếu được bố trí tại các trục đường đi qua nhiều trường đại học, nhiều trẻ em và phụ nữ có nhu cầu đi lại.
Trước thông tin này, rất nhiều ý kiến đánh giá cao sự phản ứng nhanh chóng của Hà Nội trước việc tiếp nhận và xử lý thông tin dư luận phản ánh những ngày qua về tình trạng quấy rối tình dục trên xe buýt. Đặc biệt là sau công văn đề nghị của Uỷ ban ATGT quốc gia và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Chị Lê Thu Hà (nhân viên văn phòng, ở Trần Khát Chân, Hà Nội) từng không ít lần là nạn nhân của những trò sàm sỡ hay quấy rối tình dục trên xe buýt tỏ ra rất vui mừng và hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Theo chị Hà, nếu có tuyến xe buýt riêng dành cho phụ nữ thì phái yếu hoàn toàn có thể yên tâm trước tình trạng bị quấy rối tình dục hoặc trộm cắp tài sản.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Giao thông chiều 26/12, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh lại khẳng định rằng, việc nghiên cứu tuyến xe buýt dành riêng cho phụ nữ mới chỉ đang trong quá trình khảo sát, đánh giá, chứ chưa thể thực hiện ngay được.
“Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) phối hợp với Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội tiến hành khảo sát, đánh giá sau khi có số liệu của 1 tổ chức cho rằng có đến 30% phụ nữ bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây mới chỉ là số liệu của một tổ chức, họ khảo sát hơn 2000 người/hàng triệu người đi xe buýt nên không thể nói con số này mang tính chất đại diện được. Chúng tôi sẽ có đánh giá, khảo sát kỹ lưỡng, sau đó, nếu thấy việc tổ chức xe buýt dành riêng cho phụ nữ khả quan thì sẽ có báo cáo lên thành phố xin phương án” – ông Linh khẳng định.
Chưa có căn cứ, đừng “tố cáo ngầm” hình ảnh của Thủ đô
Trước chủ trương thực hiện những chuyến xe bus dành riêng cho phụ nữ, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm: “Việc tổ chức xe buýt riêng cho phụ nữ thể hiện sự quan tâm của Hà Nội dành cho phụ nữ, phần nào giúp chị em tránh được tình trạng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Nhưng theo đánh giá của tôi, việc làm này không khả thi”.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng việc tổ chức xe bus cho phụ nữ là không khả thi |
Nói rõ hơn về quan điểm của mình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết ông không đồng tình với chủ trương trên, bởi theo ông, không có mấy nơi mà buộc phải tổ chức những chuyến xe dành riêng cho phụ nữ như thế. Việc làm này vô tình “tố cáo ngầm” hình ảnh của Thủ đô, trong khi hình ảnh ấy không đến nỗi phải áp dụng giải pháp như vậy.
“Quan trọng là tăng cường chuyến và lưu lượng xe buýt, để xe bus được rộng rãi, không tạo điều kiện cho việc quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc giữ an ninh trật tự trên xe, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…” – GS Nguyễn Minh Thuyết đề xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển nhấn mạnh, ông thấy việc tổ chức xe buýt cho riêng phụ nữ là hoàn toàn không hợp lý.
Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, chủ trương xe buýt dành riêng cho phụ nữ sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giới |
Theo ông Linh, nếu thực sự coi việc quấy rối tình dục là 1 vấn đề xã hội thì cần phải có tất cả các số liệu được nghiên cứu một cách thực sự để đưa ra bằng chứng khoa học về việc phụ nữ đi xe buýt bị quấy rối tình dục.
“Việc đó có thể xảy ra ở Ấn Độ hay một số quốc gia khác, nhưng sau đó họ sẽ có biện pháp ngăn chặn cụ thể. Còn ở Việt Nam, nếu chưa có điều tra chính xác, cân nhắc cẩn trọng thì việc làm này sẽ gây tác động xã hội không hay” – ông Linh phân tích.
Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển đặt giả thuyết, “hãy thử tưởng tượng trong xã hội của chúng ta có những chuyến xe mà chỉ có riêng phụ nữ hoặc nam giới thì chúng ta sẽ có cảm giác gì? Thiết nghĩ, đôi khi, chính việc đó có thể khiến những người phụ nữ cảm thấy họ bị phân biệt đối xử, nam giới cũng sẽ có cảm giác “thế giới bị tách riêng”.
“Chúng ta có thể đấu tranh chống tệ quấy rối tình dục bằng các biện pháp khác, bằng các công cụ pháp luật và chế tài của chúng ta. Còn nếu làm chính sách như thế này thì không ổn chút nào. Hôm nay thử nghiệm trên xe buýt, thì ngày mai có thể làm đối với các phương tiện khác. Nếu mọi thứ cứ làm theo cách tách riêng hai nửa của thế giới như vậy thì chỉ càng tạo ra sự bất bình đẳng giới mà thôi” – Thạc sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh khẳng định.
Vừa qua, kết quả khảo sát trên 2.046 người của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường tại thành phố Hà Nội và TP.HCM cho thấy, 57% phụ nữ (từ 16 tuổi trở lên) được hỏi cho rằng đường phố được coi là nơi có nguy cơ xảy ra các vụ quấy rối tình dục cao nhất, 31% nữ sinh đã từng bị quấy rối tình dục trên xe buýt. Nghiên cứu đã chỉ ra những địa điểm công cộng khác mà phụ nữ có nguy cơ bị quấy rối tình dục là bến xe, công viên, nhà chờ xe buýt. Từ thông tin của cuộc khảo sát này, Ủy ban ATGT Quốc gia đã yêu cầu UBND TP.Hà Nội điều tra, khảo sát các địa điểm, tuyến xe buýt thường xuyên xảy ra quấy rối tình dục với phụ nữ. |
Hoài Thu
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận