Kỳ 1: PGĐ Sở nhận tiền đền bù 5 năm không giao mặt bằng
Dự án tuyến đường số 10 dự kiến hoàn thành sau một năm triển khai, nhưng đã hơn 5 năm nay vẫn dậm chân tại chỗ vì công tác GPMB qua vị trí nhà ông Hồ Viết Tư, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn “chưa thông”.
Ngôi nhà của ông Tư vẫn “trơ gan” cản trở tiến độ thi công tuyến đường số 10 |
Kỷ lục “rùa bò”
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự án đường số 10 được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra quyết định phê duyệt từ tháng 2/2009, với chiều rộng 29 m, dài hơn 97 m, do Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông (ĐTXDGT) Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư. Toàn dự án chỉ có 18 trường hợp bị ảnh hưởng. Trong đó có nhà của gia đình ông Hồ Viết Tư và ông Trần Phùng, Chủ tịch MTTQ VN tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Kế hoạch đặt ra sẽ hoàn thành năm 2010, thế nhưng đến nay chỉ khoảng 90/97 m đường thuộc dự án được thảm nhựa, hệ thống điện chiếu sáng dọc “con lươn” phải hoàn thành đứt đoạn. Riêng đoạn từ đường Bùi Thị Xuân vào đến nhà ông Tư (khoảng hơn chục mét) mới được cấp phối đá dăm mịn. Đơn vị thi công tranh thủ làm phần vỉa hè và “con lươn” giữa đường. Điều dễ nhận thấy vị trí lởm chởm chưa thể hoàn thành này do vướng căn nhà hai tầng “lộ thiên” cản lối thi công, lúc nào cũng “cửa đóng then cài”.
Ngày 17/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Tấn Hanh, Trưởng phòng GPMB, Ban ĐTXDGT Thừa Thiên - Huế xác nhận: Đây chính là căn hộ ông Hồ Viết Tư, thuộc diện giải tỏa trắng. Dự án chỉ còn chờ khâu GPMB nhà ông Tư và một phần diện tích của một hộ dân khác (nằm bên trong diện tích giải tỏa trắng của gia đình ông Tư) là có thể hoàn thành. Điều cơ quan chức năng đến người dân thấy lạ lùng nhất, khi nguyên nhân này lại nằm ngay chính ở một nhà “quan tỉnh”. Thậm chí, vợ ông Tư - bà Trương Thị Thu là cán bộ thuộc Ban ĐTXDGT Thừa Thiên - Huế, đơn vị chủ đầu tư của dự án này.
Đơn kiến nghị lần đầu của vợ chồng ông Hồ Viết Tư và bà Trương Thị Thu |
Nhận tiền đền bù vẫn giữ nhà để khiếu kiện
Ban ĐTXDGT Thừa Thiên - Huế cho hay: Từ ngày 18/9/2009, UBND TP Huế có quyết định phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ gia đình ông Tư hơn 370 triệu đồng. Trong đó, 158,6 triệu đồng bồi thường diện tích đất 122,2 m2 bị thu hồi; nhà cửa và tài sản hơn 199,4 triệu đồng; hỗ trợ di chuyển chỗ ở, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ thuê nhà tạm cư và hỗ trợ thân nhân của liệt sĩ hơn 12 triệu đồng. Thuộc diện giải tỏa trắng nên hộ ông Tư được bố trí một lô đất TĐC (diện tích 134 m2) tại khu quy hoạch Bàu Vá. Tháng 9/2009, gia đình ông Tư có đơn kiến nghị “mức giá đền bù này quá thấp so với giá thị trường. Đề nghị hội đồng xem xét kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá đền bù đất, tài sản, và giá xây dựng cho người bị giải tỏa có điều kiện làm lại nhà ở” và kiến nghị được TĐC trên trục dự án tuyến đường số 10. Đơn kiến nghị này được UBND phường Phước Đúc (TP Huế) ký xác nhận ngày 13/10/2009, vợ chồng ông Tư cũng nêu rõ “chấp hành quyết định của UBND TP Huế, giao mặt bằng trước 15 ngày kể từ ngày nhận đất TĐC để được hưởng tiền thưởng”.
Quá trình thực hiện bài viết, PV Báo Giao thông nhiều lần gọi điện, tìm gặp ông Hồ Viết Tư nhưng vị Phó giám đốc Sở Tư pháp này từ chối gặp, với lý do: Những nội dung khiếu nại đã được trình bày rõ trong các lá đơn gửi đến cấp có thẩm quyền. |
Theo ông Hanh, cuối tháng 10/2009, gia đình ông Tư đã nhận tiền bồi thường (gần 212 triệu đồng). Đến tháng 8/2010, bà Thu quyết định chọn đất TĐC lô K16 nằm ở vị trí hai mặt đường 17 m và 12 m, để xây dựng nhà và chuyển đến nơi ở mới. Theo quan sát của PV Báo Giao thông, căn nhà này nằm ngay vị trí hai mặt tiền khu TĐC, được xây kiên cố ba tầng. Nhưng thay vì thực hiện “giao mặt bằng trước 15 ngày kể từ ngày nhận đất TĐC” như trong đơn kiến nghị, từ đó đến nay, gia đình ông Tư quyết giữ nhà, không bàn giao mặt bằng và liên tục gửi 6 lá đơn kiến nghị, khiếu nại lên các cấp. Mới đây, ngày 4/6, vợ chồng ông Tư gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, vợ chồng ông Tư kiến nghị, khiếu nại xoay quanh các nội dung yêu cầu nâng đơn giá đền bù, hỗ trợ theo Quyết định 369 và Quyết định 488 của UBND tỉnh; bồi thường thêm 9,8 m2 nằm ngoài giấy chứng nhận QSDĐ để phù hợp diện tích đo đạc thực tế (132 m2); xin TĐC tại vị trí đường cũ. Vợ chồng ông Tư cũng khiếu nại: Có trường hợp hộ dân mặt tiền đường Bùi Thị Xuân đã nhận tiền đền bù rồi nhưng cũng được nhận tiền bổ sung theo giá mới. Các trường hợp chây ì thì được đền bù giá cao hơn gấp 3-4 lần, thậm chí có người chỉ thu hồi 40 m2 nhưng nhờ chây ì GPMB nên được nhận đất TĐC 200 m2.
Tuy nhiên, vì sao những kiến nghị này không được chấp nhận? Báo Giao thông tiếp tục thông tin ở bài sau.
(Còn nữa)
Duy Lợi
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận