Phố kiểu mẫu đồng loạt “chết yểu”
Năm 2016, sau khi được chỉnh trang lại vỉa hè, thêm nhiều cây xanh và mở rộng lòng đường gấp 3 lần, phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được lựa chọn thí điểm là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên của TP Hà Nội. Điểm nhấn là toàn bộ biển hiệu, biển quảng cáo được đồng bộ từ kích thước, cỡ chữ, màu sắc với 2 màu cơ bản: xanh và đỏ.
Trở lại tuyến phố kiểu mẫu này tháng 10/2019, thay vì trật tự, nền nếp đúng với danh xưng kiểu mẫu, hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận lại là sự nhếch nhác, lộn xộn. Hàng trăm tấm bảng, biển quảng cáo phía dãy nhà chẵn đều đồng loạt làm “lệch chuẩn” về màu sắc, kích thước, thò ra thụt vào không hàng lối. Điển hình tại những vị trí như: Từ số nhà 94 - 134, 146 - 212… Một số hộ kinh doanh hàng ăn thuộc dãy số 210 (Lẩu nướng Tàu Bay, Thành phố lẩu…) ngoài việc sử dụng biển quảng cáo treo ngang còn sử dụng những chiếc bảng di động đặt trên vỉa hè hoặc những bảng đèn Led gắn dưới khung biển chính.
Với vai trò kiểm tra giám sát, tới đây chúng tôi sẽ tổ chức đi thực tế lại trên các tuyến phố kiểu mẫu này; Đồng thời, đề nghị UBND TP Hà Nội đánh giá lại để khắc phục, xây dựng các tiêu chí cụ thể, đảm bảo đúng luật.
Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội
Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ cửa hàng thời trang tại số 144, Lê Trọng Tấn thừa nhận, không chỉ chị mà hầu hết các hộ dân ở đây đều tự ý thay đổi kích thước, mẫu mã biển quảng cáo. “Bảng, biển nếu chỉ đơn điệu trong hai màu xanh, đỏ vừa gây khó khăn cho khách hàng mỗi khi tìm địa chỉ mua bán đồ dùng, vừa làm khó những cửa hàng buôn bán hàng chính hãng có yêu cầu khắt khe về logo, màu sắc riêng biệt. Việc kích cỡ biển hiệu theo quy định ban đầu là 1,1m cũng không thể giúp cửa hàng thu hút sự chú ý của người đi đường”, chị Tuyết chia sẻ.
Bên cạnh những bất cập về “đồng phục” biển hiệu, tuyến phố Lê Trọng Tấn còn nhan nhản vi phạm trật tự đô thị. Nhức nhối nhất là tình trạng hàng quán “xẻ thịt” vỉa hè như: Cửa hàng tự chọn T&H (số 128), Công ty H&C (số 282) chiếm gần hết vỉa hè làm chỗ để xe; vỉa hè trước số 188 bị biến thành không gian làm việc của quán sửa chữa xe máy, vỉa hè trước quán Phở bò Hà Nội (số 210, kiot 6) tận dụng làm nơi rửa chén, bát…
Năm 2018, phố Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng được UBND phường Mỹ Đình 1 đưa vào đề án “Thí điểm tuyến đường văn minh đô thị” giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 1 là đồng bộ kích thước biển hiệu bằng hệ thống cột sắt gồm 200 chiếc có chiều cao bằng nhau (4m). Các hộ kinh doanh phải lắp đặt biển hiệu trên hàng cột sắt tại chiều cao 3m so với mặt đất, chiều ngang biển phụ thuộc vào diện tích mặt tiền các cửa hàng, còn chiều dọc cố định khoảng 1,2m.
Tuy nhiên, sáng 14/10, quan sát của PV tại phố Đình Thôn, không gian kiểu mẫu tại đây bị phá vỡ bởi những hàng biển hiệu nghiêng ngả bên dãy số chẵn. 200 chiếc cột sắt vốn được sử dụng tạo mỹ quan cho tuyến phố trở nên nhếch nhác khi bị biến thành giá treo hàng trăm chiếc biển phụ, đèn Led. Nhiều nhất là các vị trí trước các số nhà: 63, 52, 27, 12, 21…
Đáng nói, tuyến phố này dù được gắn mác “kiểu mẫu”, song xuyên suốt từ đầu đến cuối phố, vỉa hè dành cho người đi bộ lại bị sạp rau, gánh hàng rong, hàng hoa quả.. bịt kín. Vỉa hè vốn đã rất chật hẹp lại bị nhường chỗ cho những cây cột trồng biển hiệu, tên quán... mọc chình ình trên lối đi. Việc Phường Mỹ Đình duyệt thiết kế thí điểm tuyến phố kiểu mẫu cho phép biển hiệu chiếm diện tích vỉa hè bị nhiều người phản ứng.
Mất kiểm soát vì quản lý thiếu đồng nhất
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hồng Thái, Phó chủ tịch UBND phường Phương Mai cho biết, hiện Ban Quản lý các công trình giao thông TP đang quản lý, chưa bàn giao phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn về cho phường. Do vậy, UBND phường chỉ phối hợp quản lý trên phương diện hành chính và trật tự đô thị.
Liên quan đến biển hiệu “muôn hình, muôn vẻ” thay vì hai màu chủ đạo xanh, đỏ như trước đây, ông Thái thừa nhận, việc yêu cầu biển quảng cáo chỉ được phép hai màu, kích thước 1m là vi phạm Luật Quảng cáo nên các cơ quan chức năng phải điều chỉnh lại và để các hộ kinh doanh làm biển theo Luật Quảng cáo.
Về vấn đề trật tự đô thị, ông Thái cho biết, hàng ngày phường đều có lực lượng ra quân xử lý vi phạm vỉa hè. Từ đầu năm đến nay, phường đã xử lý 760 trường hợp vi phạm lên đến hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi lực lượng rút đi, người dân lại vi phạm.
Ông Ngô Hùng Trường, Phó chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết, phố Đình Thôn trước đây chỉ là một con đường làng, vỉa hè ở con phố này gần như không có, các cửa hàng, biển hiệu ở phố Đình Thôn được treo rất lộn xộn, lấn chiếm vỉa hè và xuống cả lòng đường diễn ra phổ biến.
“Hiện, chúng tôi áp dụng thí điểm dựng cột sắt để đồng bộ các biển hiệu. Tuy nhiên, việc đồng bộ này không thể ngay lập tức biến con phố này trở thành phố kiểu mẫu được mà chỉ đỡ nhếch nhác hơn so với trước kia”, ông Trường thừa nhận.
Trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, trong xây dựng tuyến phố kiểu mẫu, tiêu chí đầu tiên là phải đảm bảo sự thông suốt của phương tiện, có vỉa hè cho người đi bộ và đảm bảo tính mỹ quan. Cơ quan chức năng phải ban hành quy định đường phố kiểu mẫu được xây dựng theo tiêu chí nào? Cách thức tổ chức thực hiện ra sao. Những vị trí như nào là phù hợp?
“Nếu không có sự đồng nhất trong quản lý, để việc hình thành tuyến phố kiểu mẫu diễn ra tự phát sẽ gây bất bình trong dư luận và khiến những mỹ từ kiểu mẫu lệch lạc.Ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý GTVT, Đại học GTVT cho rằng, những tuyến phố gắn mác kiểu mẫu tại Hà Nội không đạt được kết quả vì chưa có một khung quy chuẩn nhất định khi xây dựng. “Bất kỳ công trình nào muốn hướng đến mục tiêu kiểu mẫu, đều phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, các tuyến kiểu mẫu ở Hà Nội mới dừng lại ở phạm vi nhỏ lẻ, thiếu giám sát, dẫn tới mất kiểm soát khi người dân làm ngược lại chủ trương”, ông Tuấn nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận