Sáng 31/7, sau khi trực tiếp kiểm tra hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc làm bốn người tử vong, trong đó có ba chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) Trạm Madaguôi và thăm hỏi, chia sẻ mất mát với gia đình các chiến sĩ hy sinh, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn.
Hiện trường vụ sạt lở kinh hoàng trên đèo Bảo Lộc vùi lấp Trạm CSGT Madaguôi.
Phó thủ tướng Chính thủ Trần Lưu Quang đã ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của tỉnh Lâm Đồng trong chỉ đạo các lực lượng chức năng và huy động phương tiện nhanh chóng tiếp cận hiện trường triển khai công tác cứu hộ, tìm kiếm. Đồng thời, biểu dương các lực lượng công an, quân đội, người dân và nhiều lực lượng khác đã không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm dầm mình trong mưa triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả vụ sạt lở.
Theo Phó thủ tướng, mặc dù trời liên tục mưa nhưng với quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao các lực lượng cứu hộ đã nỗ lực hơn 100% sức lực thay phiên nhau bám hiện trường cứu hộ, tìm kiếm các nạn nhân. Kết quả, ngay trong đêm đã tìm thấy thi thể ba cán bộ, chiến sĩ công an gặp nạn hy sinh đã chứng tỏ trách nhiệm của các lực lượng. Song song với công tác cứu hộ, các lực lượng cũng đã nỗ lực khai thông đường bị hàng chục ngàn tấn đất đá vùi lấp là rất đáng ghi nhận, biểu dương.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ mất mát với gia đình chiến sĩ CSGT hy sinh trong vụ sạt lở.
Phó thủ tướng đề nghị, với 163 điểm sạt lở, cần theo dõi nguy cơ, khẩn trương có phương án xử lý an toàn. Đặc biệt là việc di dời, cảnh báo, không để xảy ra thiệt hại đến người dân. Nếu chưa có chuyên gia đánh giá thì cần phải dựa vào những người có kinh nghiệm trong ứng phó những tình huống khẩn cấp.
Phó thủ tướng lưu ý trong thời gian qua mưa lớn bất thường đã xảy ra trên nhiều địa phương. Vậy nên, đối với các vị trí nguy cơ sạt lở thì cần phải đánh giá lại, đồng thời có phương án dài hơi hơn nhằm xử lý tình huống bất thường do thời tiết tiêu cực gây ra nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của mưa bão, Lâm Đồng xảy ra mưa lớn tại nhiều địa phương. Mưa bão diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, trong đó, có ba vụ sạt lở nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm 6 người chết.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn sau vụ sạt lở kinh hoàng trên đèo Bảo Lộc.
Theo đại tá Trương Minh Đương, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, ngay sau khi xảy ra vụ sạt lở đèo Bảo Lộc (khoảng 14h45 ngày 30/7), tỉnh Lâm Đồng đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội và các lực lượng khác. Huy động gần 20 phương tiện máy móc (máy múc, xe ben, máy khoan, máy dò...) để khẩn trương tổ chức tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp, khắc phục hậu quả. Đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể 3 chiến sĩ công an.
“Tôi đã điện thoại cho các giám đốc công an các tỉnh để có phương án chốt chặn, điều tiết phương tiện giao thông. Bởi vì cuối tuần lượng khách đến Lâm Đồng rất đông, phương tiện giao thông tăng đột biến. Theo đó, công an đã chốt chặn, điều tiết, phân luồng các phương tiện giao thông di chuyển theo hướng đường tỉnh lộ 721 qua huyện Đạ Tẻh và tỉnh lộ 725 qua huyện Bảo Lâm để tránh ùn tắc", đại tá Đương chia sẻ.
Ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng gửi lời cảm ơn chân thành tới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cá nhân Phó thủ tướng trước những khó khăn mà Lâm Đồng gặp phải do thiên tai, mưa bão gây ra. Đồng thời, mong muốn các bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ Lâm Đồng ứng phó với thiên tai, mưa bão. Tất cả vì tính mạng, tài sản của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, phòng chống thiên tai như chống giặc, cần phải kiên quyết, dứt khoát.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhìn nhận, nguy cơ lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất ở khu vực này là thường trực. Đây là kinh nghiệm và cũng là thực tiễn ở rất nhiều khu vực, từ phía Bắc đến Miền Trung và khu vực Tây Nguyên. Do đó, vấn đề khảo sát vẫn là ưu tiên số một.
"Phòng chống thiên tai như chống giặc, cần phải kiên quyết, dứt khoát, phải di dời các hộ dân ra khỏi những khu vực này. Cần tính đến việc ổn định nơi ăn, chốn ở cho nhân dân. Cần tính đến kế hoạch lâu dài, tránh trường hợp di dời người dân đến nơi ở mới rồi sau mùa mưa người dân lại quay về chỗ cũ", Thứ trưởng Thọ chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, khi sạt lở xảy ra rồi thì việc đảm bảo an toàn giao thông là ưu tiên. Phải bố trí lực lượng để thông tuyến, tuy nhiên cần chú ý an toàn cho lực lượng đảm bảo giao thông này vì nguy cơ sạt lở vẫn thường trực.
Thứ trưởng Thọ cũng cho biết, lực lượng đảm bảo an toàn giao thông cầu đường của ngành giao thông vận tải luôn túc trực tại hiện trường 24/24h. Vậy nên, khi có việc cần kíp phải phối hợp đồng bộ để khẩn trương ứng cứu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận